Dòng sự kiện:
Kỳ 7: Những người góp phần làm nên lịch sử
02/04/2015 09:17:36
Tháng 4/1975, sau khi thất bại tại Xuân Lộc, địch co cụm về Sài Gòn tử thủ. Lúc này, cầu Rạch Chiếc - cửa ngõ phía Đông vào Sài Gòn, được chính quyền Sài Gòn tăng cường hàng ngàn quân lính cùng nhiều vũ khí hiện đại để giữ cầu, thậm chí sẵn sàng đánh sập để ngăn quân ta tiến vào Sài Gòn.

Tin liên quan

Những ngày chiến đấu chiếm và giữ cầu đến giờ vẫn in đậm trong tâm trí ông Nguyễn Đức Thọ, Trung úy Z23, Lữ đoàn đặc công - biệt động 316. Ông cũng là người đã bắn phát B40 đầu tiên mở màn trận đánh tại cầu Rạch Chiếc.

ong-nguyen-duc-tho-nho-lai-tran-chien-tren-cau-rach-chiec-nam-xua

Ông Nguyễn Đức Thọ rất xúc động khi nhớ lại trận quyết chiến tại cầu Rạch Chiếc năm xưa.

Trận chiến cuối cùng

“Trận chiến tại cầu Rạch Chiếc được xem là một trong những trận đánh ác liệt cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, tạo bàn đạp cho cánh Đông quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Vì vậy, để chiếm được chiếc cầu, tất cả các đơn vị Z23, Z22 ( đại đội đặc công nước) và Tiểu đoàn 81 (D81, đặc công khô) thuộc Lữ đoàn 316 thuộc Bộ Tham mưu Miền đều tham gia”, ông Nguyễn Đức Thọ kể.

Lúc ấy, sau khi trinh sát, các đơn vị đã thống nhất ngày 27/4/1975 sẽ bắt đầu đánh chiếm cầu. Trước đó, tối 26/4, các đơn vị đã tập hợp, bàn bạc thống nhất chọn phương án đánh cường tập, dùng B40 - B41 tiêu diệt các hỏa điểm chủ yếu của địch. 

Theo đó, toàn bộ lực lượng áp sát mục tiêu đồng loạt dùng thủ pháo, lựu đạn ném vào lô cốt, công sự địch. Sáng 27/4, sau khi được trang bị vũ khí là B40 - 41, thủ pháo, lựu đạn… các đơn vị bắt đầu vào trận chiến. Đúng 17 giờ ngày 27/4, đồng chí Tư Thinh hạ lệnh chiến đấu. D81 được phân đánh chiếm giữ đầu cầu phía Nam (hướng Sài Gòn ra), Z22 - Z23 thì đánh đầu cầu phía Bắc (hướng Thủ Đức vào).

“Khi giờ G tới, tôi được phân công bắn phát B40 đầu tiên tiêu diệt tháp canh, tuy nhiên tôi lại bắn hụt mục tiêu. Ngay lúc đó, thượng sĩ Trần Đình Lạc bên cạnh hô: “Bắn tiếp Thọ ơi”. Tôi đứng thẳng dậy, bắn tiếp quả thứ hai làm một góc tháp canh sụp đổ, đại liên im bặt. Lúc này, các mũi tấn công của ta đồng loạt dùng thủ pháo, lựu đạn ném vào lô cốt công sự khiến đối phương bất ngờ, bỏ chạy”, ông Thọ sôi nổi kể.

Vì đã được chuẩn bị kỹ càng nên trận đánh diễn ra nhanh và thuận lợi, quân ta làm chủ trận địa mà không bị thương vong. Tuy nhiên, ngay sau đó, địch đã chống trả quyết liệt. Từ căn cứ Thủ Đức, Cát Lái, địch dùng đạn pháo và từ tàu chiến bắn tới cầu Rạch Chiếc liên tục đến sáng. 

“Sau nhiều lần chống trả không thành, địch phát hiện sử dụng đạn pháo không hiệu quả, bởi đây là vùng sình lầy, nước sâu, nên chuyển sang đạn pháo chụp nổ từ trên cao. Vì vậy, rất nhiều anh em của các đơn vị đã hy sinh như anh Chiến, đồng chí Hiển… Còn anh Thành - quyền Đại đội trưởng Z22, thì bị thương gãy một chân… Trước tình hình khá nguy cấp, cấp trên đã hạ lệnh cho chúng tôi rút lui. Sáng 29/4, cả Z22 và Z23 chỉ còn lại 29 người”, giọng ông run run. 

Tuy nhiên, đến 5 giờ sáng ngày 30/4/1975, những chiến sỹ còn lại của Lữ đoàn 316 lại được lệnh nổ súng tiếp. Lúc này, địch tập trung rất đông tại cầu, nhưng chủ yếu là số quân vừa thất trận ở Xuân Lộc, Long Thành, nên tinh thần chúng rất hoang mang. 

“Vừa nghe tiếng súng chúng đã hoảng sợ, chống trả yếu ớt. Đến 7 giờ sáng ngày 30/4, lực lượng đi đầu của Quân đoàn 2 ta tới cầu Rạch Chiếc. Chúng tôi phấn khởi, mừng rỡ khôn xiết. Như vậy, chỉ có 200 chiến sĩ đặc công, biệt động, chiến đấu với hơn 2.000 quân địch, nhưng chúng ta đã thắng lợi, chiếm giữ và bảo vệ an toàn cây cầu huyết mạch, mở thông cánh cửa phía Đông đón đại quân tiến vào Dinh Độc Lập”.

Miệt mài tìm đồng đội

Sau ngày giải phóng, ông Thọ đã nhiều lần về lại chiến trường xưa tìm đồng đội. Công việc rất gian nan và vất vả. Ông tâm sự: “Kết thúc trận chiến cầu Rạch Chiếc, đã có 52 người lính của Lữ đoàn 316 hy sinh ngay trong ngày chiến thắng. Vì vậy, sau ngày giải phóng, tôi đã về chiến trường xưa tìm đồng đội.

cau-rach-chiec

Trận quyết chiến tại cầu Rạch Chiếc tạo bàn đạp cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975.
 

Tuy nhiên, tháng 7/1975, Lữ đoàn 316 giải tán, nên tôi gặp nhiều khó khăn trong việc chứng nhận, xác minh cho các đồng đội đã khuất. Hiện mới chỉ có hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Thất và Lê Trọng Việt được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Thủ Đức. Cùng với đó, tính đến nay tôi đã tìm được khoảng 6 đồng đội của mình đưa về nghĩa trang”. 

Cây cầu Rạch Chiếc nay vẫn đang có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, nối các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung… với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hiện nay, cây cầu đã được xây mới có chiều dài 540,9 m, rộng 46 m. 

Có thể nói, dù trong thời chiến hay thời bình, cây cầu đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Đồng thời, trong lòng thế hệ con cháu Việt Nam hiện tại và mai sau sẽ ghi nhớ chiến công anh dũng của những chiến sỹ đặc công năm xưa, bởi chính các anh đã góp phần xương máu quý giá làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Mỗi lần nhắc về trận đánh cầu Rạch Chiếc, những người còn sống như ông Nguyễn Đức Thọ và con cháu của những người lính đã hy sinh tự hào vì có một Lữ đoàn 316 đặc công - đơn vị đã 3 lần được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đã chiến đấu anh dũng, bảo vệ cây cầu an toàn cho đến phút cuối cùng.

Theo Báo Tin tức
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến