Mua bán xăng, dầu tại một cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex ở thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Trước động thái đồng loạt tăng giá xăng, dầu của liên Bộ Công Thương-Tài chính vào chiều nay (21/10), bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, một trong những vấn đề được cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng là điều hành chính sách bình ổn giá.
Trong khi xăng dầu là yếu tố đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu sẽ kéo theo giá cả của các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các hàng hóa, dịch vụ khác cũng ở mức cao, khó giảm thấp, gây trở ngại lớn cho mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết theo ghi nhận của ý kiến cử tri và nhân dân, hiện nay, do mức chiết khấu thấp người kinh doanh xăng dầu không có lãi nên đóng cửa hàng làm đảo lộn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sản xuất ở một số địa phương.
Về phía cơ quan của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thông tin thêm có ý kiến cho rằng việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỷ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng dầu bán cho khách hàng.
Thời gian tới, Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai.
Cùng với đó, Chính phủ cũng cần làm rõ các tồn tại trong chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu; khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn neo cao, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm… làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống của người dân và tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội cho phép giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cụ thể.
Để tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh xăng dầu, hôm nay Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi Bộ Công Thương. Theo đó, về việc rà soát điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong năm 2022, căn cứ số liệu, đề xuất của Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối cung cấp, năm 2022 Bộ Tài chính đã có tính toán điều chỉnh.
Cụ thể, đối với chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được điều chỉnh 2 lần (lần 1 vào ngày 10/1/2022, theo đó đối với xăng RON92 lên mức 290 đồng/lít, lần 2 vào ngày 10/7/2022 tăng 60 đồng lên 350 đồng/lít). Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng: đã được điều chỉnh 2 lần (lần 1 vào ngày 10/1/2022, theo đó đối với xăng RON92 lên mức 250 đồng/lít; lần 2 vào ngày 7/10/2022 tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít).
Premium trong nước (chi phí theo bình quân gia quyền sản lượng xăng dầu doanh nghiệp đầu mối phải trả cho nhà máy lọc dầu hoặc đơn vị bao tiêu sản phẩm nhà máy lọc dầu) cũng được điều chỉnh 2 lần (lần 1 vào ngày 10/1/2022, theo đó đối với xăng RON92 lên mức 970 đồng/lít; lần 2 vào ngày 7/10/2022 tăng 350 đồng lên 1.320 đồng/lít).
Bộ Tài chính cho biết đã thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh chi phí xăng dầu theo thực tế. Bên cạnh đó, đối với kiến nghị Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện việc thông quan hàng hóa xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn hàng nhập khẩu cho thị trường trong nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Theo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động có công văn số 3642/TCHQ-GSQL ngày 31/8/2022 chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu 24/7, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ theo đề nghị của doanh nghiệp.
Đồng thời, chủ động nắm sát tình hình thực tế, giải quyết các vướng mắc phát sinh, xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp. Trong thời gian qua, cơ quan hải quan không nhận được bất kỳ phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp về việc giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu…
Cập nhật sau khi điều chỉnh vào 15 giờ chiều nay, giá xăng RON 95-III lên 22.340 đồng/lít, tăng 340 đồng/lít; xăng E5 RON 92 lên 21.490 đồng/lít, tăng 200 đồng/lít.
Giá các mặt hàng dầu tăng mạnh. Cụ thể, dầu diesel là 24.780 đồng/lít, tăng 600 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 23.660 đồng/lít, tăng 840 đồng. Riêng dầu mazut giảm 200 đồng/lít về 13.890 đồng/kg.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu mỗi lít xăng từ 200-400 đồng vào quỹ. Không trích lập với dầu. Riêng dầu diesel được chi quỹ 200 đồng/lít.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng trong nước đã trải qua 28 lần điều chỉnh giá; trong đó, có 15 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên./.
Tác giả: Ngọc Quỳnh-Diệp Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy