Quý vừa qua, Vinasun chỉ đạt doanh thu 150 tỷ đồng, mức thấp kỷ lục từ khi hãng taxi này niêm yết trên sàn chứng khoán. Doanh thu dưới giá vốn, Vinasun lỗ gộp 28 tỷ đồng.
Liên tục lỗ
Sau khi hạch toán lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Vinasun lỗ thuần 75 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Khoản thu nhập khác 8 tỷ đồng chủ yếu đến từ việc thanh lý xe cũ giúp hãng taxi lâu đời giảm khoản lỗ ròng còn 66 tỷ đồng. So với quý II/2020 khi lỗ kỷ lục tới 111 tỷ đồng, mức lỗ của Vinasun đã có cải thiện đáng kể.
Sau 6 tháng, doanh thu thuần của Vinasun đạt 373 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2020. Dù đã giảm chi phí giá vốn, Vinasun vẫn lỗ gộp 20 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm nay, hãng taxi với đội xe lớn hàng đầu tại TPHCM nói riêng và thị trường phía Nam nói chung cũng tích cực tiết giảm chi phí vận hành, tăng nguồn thu từ thanh lý xe cũ. Lỗ sau thuế sau hai quý của Vinasun là 95 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 126 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Biểu đồ: Việt Đức.
Đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Vinasun là hơn 1.800 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Sự thay đổi này đến từ việc công ty chuyển nhượng xe cũ khiến giá trị tài sản cố định sụt giảm.
Dù đã lỗ liên tục từ đầu năm 2020, nhờ các khoản lãi tích lũy dồi dào giai đoạn trước đó, Vinasun vẫn còn gần 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối làm "của để dành".
Vốn chủ sở hữu của công ty gần 1.400 tỷ đồng, gấp 3 lần nợ phải trả. Vinasun cũng giảm gần 100 tỷ đồng dư nợ ngân hàng trong nửa đầu năm để hạn chế chi phí lãi vay trong kỳ. Lượng tiền mặt của hãng taxi này còn dồi dào hơn trước khi lên tới gần 350 tỷ đồng tại thời điểm 30/6, tăng thêm 140 tỷ đồng sau 6 tháng.
Giảm gần 600 nhân sự sau 6 tháng
Báo cáo tài chính cũng hé lộ tình hình nhân sự của Vinasun khi số lượng nhân sự giảm gần 600 người sau 6 tháng. Đến cuối tháng 6, Vinasun có 3.813 lao động trong khi con số vào cuối năm 2020 là 4.398 người.
Trong phiên họp đại hội cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 4, lãnh đạo Vinasun thừa nhận tình trạng lái xe nghỉ việc là vấn đề nhức nhối và công ty đã quan tâm hỗ trợ, chia sẻ để lái xe có thu nhập, sẵn sàng gắn bó.
Nhiều thành viên ban điều hành doanh nghiệp cũng cắt giảm thu nhập 20-30% so với cùng kỳ. Riêng Chủ tịch HĐQT Đặng Phước Thành giảm gần 40% thu nhập chỉ còn gần 33 triệu đồng/tháng, thấp hơn phần lớn lãnh đạo công ty.
Những ngày giông bão nhất với Vinasun vẫn còn ở phía trước. Từ khi TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10 từ ngày 20/6 và tiếp tục các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn bằng việc áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 9/7, các hoạt động vận tải hành khách công cộng, trong đó có taxi, phải tạm dừng.
Thiệt hại của Vinasun còn lớn hơn nữa khi tất cả tỉnh, thành ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 19/7. Năm ngoái khi cả nước thực hiện Chỉ thị 16 vào đầu tháng 4, ban lãnh đạo Vinasun cho biết hoạt động của công ty gần như tê liệt.
Năm nay, Vinasun đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.050 tỷ đồng và dự kiến lỗ sau thuế 79 tỷ đồng. Khả năng hoàn thành kế hoạch của hãng taxi này sẽ là dấu hỏi lớn trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 tại TPHCM nói riêng và phía Nam nói chung.
Tác giả: Việt Đức
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy