Nhóm cổ phiếu FLC Group (ROS, FLC, HAI, KLF, AMD, ART và GAB) chiếm trọn thu hút của giới đầu tư trong ngày 11/1, chủ yếu bởi ồn ào từ thông tin chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán chui hàng chục triệu cổ phiếu.
Hàng loạt mã thuộc hệ sinh thái này bị bán tháo ngay đầu phiên giao dịch với khối lượng lớn. Nhưng điều đáng chú ý là các cổ phiếu vẫn không quá rơi vào trạng thái mất thanh khoản như những trường hợp doanh nghiệp gặp sự cố khác, thậm chí là ghi nhận khối lượng cao kỷ lục.
Trong phiên hôm nay, cổ phiếu FLC "trở mặt" liên tục với biên độ và khối lượng lớn. Phần lớn thời gian FLC giao dịch tại mức giá sàn 19.700 đồng với tổng khối lượng gần 94,7 triệu cổ phiếu, nhưng cũng có thời điểm bật tăng lên 21.700 đồng. Kết phiên, FLC đứng ở 19.900 đồng, giảm tiếp 5,9% so với phiên hôm qua.
Tổng khối lượng khớp lệnh trong phiên ghi nhận con số kỷ lục gần 155 triệu cổ phiếu, cao nhất sàn chứng khoán từ trước đến nay và cao đột biến so với mức bình quân gần 26 triệu cổ phiếu FLC/phiên trong một năm gần nhất. Như vậy, chỉ trong 2 ngày bán tháo 10-11/1, tổng khối lượng giao dịch đạt 290 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 40% vốn công ty đã được sang tay nhanh chóng.
Nhóm cổ phiếu FLC Group bị bán tháo ngày 11/1. Bảng giá SSI.
Không chỉ riêng FLC mà nhiều mã thuộc hệ sinh thái này cũng bị bán mạnh, thuộc top đầu giao dịch nhiều toàn thị trường. Cổ phiếu ROS cũng chứng kiến lượng bán ra gần 99 triệu đơn vị (tương đương với giá trị khớp lệnh 1.374 tỷ đồng), nhưng vẫn còn gần 6 triệu cổ phiếu ROS khác chất giá sàn.
Hay như mã AMD bị bán sàn gần 27 triệu cổ phiếu và dư bán hơn 1 triệu đơn vị, mã KLF bị bán gần 25 triệu cổ phiếu và còn dư bán sàn gần 5 triệu đơn vị, mã HAI bị bán hơn 18 triệu cổ phiếu và con dư sàn hơn 2 triệu đơn vị...
Sự việc bán tháo diễn ra sau khi ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán ra 175 triệu cổ phiếu từ 10/1 đến 17/1 nhưng chưa thông báo. Văn bản này được ký ngày 5/1 nhưng chỉ được đưa lên website công ty vào tối ngày 10/1 (hiện đã gỡ bỏ) và chưa được gửi đến HoSE.
Văn bản từ HoSE ngày 10/1 vừa phát hành lại cho biết ông Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. UBCKNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của cá nhân này theo quy định.
Diễn biến VN-Index phiên 11/1. Đồ thị: TradingView.
Trở lại với thị trường chung, VN-Index trong phần lớn thời gian vẫn được níu kéo trên mức tham chiếu nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng. Tuy nhiên lực bán bất ngờ gia tăng vào cuối ngày khiến chỉ số chính rớt sâu, nối dài chuỗi 2 phiên giảm mạnh liên tiếp và chính thức mất vùng hỗ trợ cứng 1.500 điểm.
VN-Index đóng cửa mất thêm 11,4 điểm (0,76%) xuống 1.492,31 điểm. Tương tự, HNX-Index rơi 0,27% về mức 481,61 điểm. Ngược lại, UPCoM-Index lại diễn biến tích cực khi tăng 0,21% lên 114,5 điểm.
Phần lớn thị trường chìm trong sắc đỏ khi có tổng cộng 710 mã giảm giá, 162 mã giao dịch tại mức tham chiếu và chỉ có 324 mã tăng giá.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn diễn biến khá tiêu cực khi riêng nhóm VN30 đã đánh mất gần 1% giá trị trong hôm nay. Có đến 22/30 mã giảm điểm, trong đó kéo lùi đáng kể chỉ số là các mã MSN, VHM, VIC và GVR.
Ở chiều ngược lại nhóm cổ phiếu bất động sản diễn biến tích cực là lực đỡ lớn nhất cho thị trường. BCM của Becamex tăng trần là mã có tác động tích cực nhất.
Bên cạnh đó hàng loạt mã bất động sản tăng nóng trước đó vẫn tiếp tục xu hướng đi lên. Các mã DIG, CEO, LDG, SGR, VPH, DC4 vẫn trong trạng thái tăng hết biên độ, bên cạnh các mã khác như HDC, TCH, DXG, DRH cũng tăng khá. Riêng L14 tăng kịch trần lên 414.700 đồng/cổ phiếu để xác lập mức cao nhất về thị giá hiện nay.
Thanh khoản chủ yếu tăng mạnh ở nhóm FLC nhưng hụt hơi trên toàn thị trường. Tổng giá trị khớp lệnh giảm gần 17% so với phiên hôm qua chỉ đạt 39.383 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm hơn 12% về mức 34.628 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng trở lại gần 100 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Trước phiên giao dịch hôm nay, nhiều đơn vị phân tích cũng tỏ ra quan ngại về xu thế thị trường. Agriseco nhận thấy áp lực bán đang diễn ra rất mạnh và mốc hỗ trợ gần nhất của chỉ số ở quanh vùng 1.485-1.490 điểm
Chứng khoán Rồng Việt cho rằng thị trường đã mất thăng bằng trước áp lực chốt lời khá lớn, cho thấy rủi ro của thị trường hoặc rủi ro đơn lẻ của cổ phiếu đang ở mức khá lớn, nên tạm thời nhà đầu tư cũng cần thận trọng trước yếu tố rủi ro này.
Tác giả: Huy Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy