Dòng sự kiện:
Ký ức của người ‘anh hùng phá bom’ mở đường chiến dịch Điện Biên Phủ
21/12/2017 08:15:26
"Anh hùng phá bom" Cao Xuân Thọ từng tham gia nhiều chiến dịch lịch sử, trong đó phải kể đến Điện Biên Phủ, những đóng góp của ông đã góp phần làm nên bản anh hùng ca bất hủ của dân tộc.

Mở đường máu cho chiến dịch Điện Biên Phủ

Sinh ra tại Hà Nội, năm 20 tuổi (tức năm 1945), người thanh niên Cao Xuân Thọ (SN 1926) đã bắt đầu tham gia đánh trận ở phố Hàng Vôi (Hà Nội).

Đến năm 1947, anh mới chính thức ghi danh vào quân ngũ, ban đầu phục vụ Chiến dịch Thu – Đông, rồi làm nhiệm vụ quân báo tại Cao - Bắc - Lạng, sau đó thì tham gia chiến dịch Hòa Bình Thượng Lào từ năm 1952-1953.

Cao Xuân Thọ (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng đội tại Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần thứ hai ngày 7/7/1958

Để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1953, Đoàn TNXP được thành lập với mật danh: Đoàn X-P. Khi đó Đoàn đã thành lập đội phá bom nổ chậm. Cao Xuân Thọ được cử làm Đội trưởng Đội phá bom Đại đội 404 (thuộc Đội 40), đội của anh phụ trách phá bom, thông đường tại Ngã ba Cò Nòi và đường ngầm Hát Lót (Sơn La).

Cò Nòi là ngã ba nối liền Đường 13 (từ Yên Bái lên Điện Biên) và Đường 41 (từ Khu 4 đi Hòa Bình và lên Điện Biên). Đây là tuyến đường huyết mạch nối thông đồng bằng Bắc Bộ, Chiến khu Việt Bắc và Khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ, chính vì thế nó là con đường độc đạo vào Điện Biên Phủ.

Địch ra sức bắn phá điên cuồng nhằm cắt đứt chi viện của quân dân ta với chiến dịch. Mỗi ngày, Cò Nòi hứng trên dưới 300 quả bom các loại.

Nếu đường bị tắc, quân ta không thể vận chuyển được xe, pháo, lương thực, đạn dược, vũ khí cho chiến dịch. Bởi thế, đội phá bom của Cao Xuân Thọ làm việc không quản hi sinh, sẵn sàng đổ máu để phá được bom và mở đường cho chiến dịch.

“Ban đầu, khi mới vào trận, tôi chưa hiểu nhiều về loại bom nổ chậm, có lần đã bị bom nổ và vùi lấp. Sau 42 phút, đồng đội mới đào lên được, may mắn còn sống nhưng lần đó tôi đã bị mất 3 đốt xương sống.

Quân địch liên tiếp thả hàng loạt bom, đầu tiên chúng thả bom phá, cày đất lên, rồi hẹn giờ nổ chậm, nhiều nhất là các loại bom bươm bướm. Khói lửa ngập trời, quân ta thương vong rất nhiều.

Chỉ trong 3 tuần, Cò Nòi trơ trọi không còn màu xanh, con đường bị băm nát, bom vùi lấp khắp nơi khiến cho nhiệm vụ phá bom càng trở nên cấp bạch và gian khó hơn bao giờ hết”, ông Thọ nhớ lại.

Dù nguy hiểm và khó khăn, Cao Xuân Thọ cùng những người đồng đội vẫn quyết tâm ngày đêm bám đường, phá hủy hết loạt bom này đến loạt bom khác, đảm bảo tuyến đường thông suốt để quân ta tiến vào Điện Biên Phủ.

4 lần làm lễ truy sống trước khi làm nhiệm vụ

Nhiều lần tình nguyện cảm tử để phá bom mở đường, ông nhớ đã có 4 lần cấp trên làm lễ truy sống cho ông trước khi làm nhiệm vụ. Trong đó phải kể đến sự kiện vào tháng 3/1954.

Một lần địch thả quả bom nổ chậm xuống vực sâu, nước quá lạnh không ai xuống được, chỉ Cao Xuân Thọ nghĩ ra mẹo của người dân biển, anh uống 3 -5 bát nước mắm rồi lặn xuống, một lúc sau tìm thấy quả bom mắc ở khe đá.

Ông Thọ cùng những người đồng đội nhận phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Trước khi lặn, Cao Xuân Thọ lấy dây buộc vào lưng và dặn đồng đội, khi ốp được bộc phá vào ngòi, dòng dây cháy chậm xong sẽ giật dây 3 lần để đồng đội kéo lên bờ. Sau 10 phút, Thọ đã phá được quả bom trước kế hoạch quy định. Nhờ chiến công đặc biệt, ông được tặng Huân chương chiến công hạng ba.

Sau chiến dịch, ông được bầu là chiến sĩ thi đua tham dự Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần thứ hai ngày 7/7/1958.

Kí ức không ngủ quên

Năm 2014, ông Cao Xuân Thọ là một trong 3 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì những công lao của ông góp phần làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ năm 1954.

Hơn nửa đời người sinh sống tại Hà Nội, thế nhưng, cuối đời ông tha thiết được trở về mảnh đất quê nơi chôn rau cắt rốn. Ông đưa vợ về sống tại xã Hoàng Giang, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

Sống giản dị trong một ngôi nhà nhỏ cùng người vợ 81 tuổi, hàng ngày ông Thọ nuôi con lợn, con gà, trồng rau, hưởng những ngày tháng an nhiên tự tại của tuổi già. Ít ai ngờ, cụ già tóc bạc phơ, có vẻ ngoài gầy gò, dáng lưng hơi còng này chính là người lính, người thanh niên xung phong mưu trí, anh dũng, đã bao lần cảm tử ở chiến trường đánh Pháp năm nào.

Bước vào tuổi 92 với những di chứng của chiến tranh để lại trên cơ thể, tai ông đã không còn nghe rõ. Dù vậy, ông Thọ vẫn vô cùng minh mẫn. Đôi tay gân guốc run run, ông lật lại từng tấm ảnh, tấm huy chương, những kí ức về một thời bom lửa. Những ký ức ấy cứ chảy mãi một dòng vô tận.

Ở tuổi 92, ông trở về quê trồng rau, nuôi gà sống an nhàn hưởng tuổi già

Điều ông tự hào và nhớ mãi trong cuộc đời đó chính là 4 lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Được tay Bác trực tiếp gắn Huân chương Lao động hạng Ba và tặng 3 lần Huy hiệu của Người vì những chiến công.

Để lại những năm tháng thanh xuân ở chiến trường, ở đó, có máu thịt của ông, có sinh mạng của những người đồng đội. Tất cả họ đều là những anh hùng, họ cùng chung lí tưởng, sẵn sàng hi sinh vì sự sống còn của tổ quốc, dân tộc.

“Khi đất nước lâm nguy, khi tổ quốc cần thì mỗi người dân yêu nước, nhất là thanh niên, ai cũng có thể trở thành những anh hùng”, ông Thọ nói.

Ông tâm sự, mỗi đêm, trong những giấc mơ của mình, ông vẫn gặp lại hình ảnh của những người đồng đội, vẫn nghe tiếng bom đạn nổ bên tai, vẫn thấy những đoàn quân hào hùng tiến vào Điện Biên Phủ.

“Kí ức về những năm tháng chiến tranh thì nhiều vô kể, không thể nói hết trong một lúc. Tôi mong con cháu sẽ hiểu về lịch sử và đừng quên quá khứ của dân tộc”, người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân bày tỏ.

Lương Diễn
 

 

 

 

 

 

 


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến