Dòng sự kiện:
Ký ức “Trận đánh lá thư rơi”
11/05/2015 08:49:37
Một ngày đông giá lạnh tròn nửa thế kỷ trước, ông Chu Văn Thiệp và đồng đội xuất phát từ C500 (Trường Công an Trung ương, nay là Học viện An ninh nhân dân), lên đường “đi B”....

Tin liên quan

Một ngày đông giá lạnh tròn nửa thế kỷ trước, ông Chu Văn Thiệp và đồng đội xuất phát từ C500 (Trường Công an Trung ương, nay là Học viện An ninh nhân dân), lên đường “đi B”. Sau những ngày háo hức chờ đợi giờ khởi hành, đến lúc xuất phát họ bỗng thấy bâng khuâng, man mác bao nỗi nhớ nhung. Qua những lỗ thông khí từ tấm bạt phủ kín chiếc xe Gát chở quân, đôi mắt ông Thiệp cố thu lại hình ảnh Hà Nội thân yêu, nơi ông có vợ và 2 cô con gái bé bỏng đã nhiều tháng trời không gặp mặt dù họ ở cách nhau chỉ vài cây số…

“Từ ngày ra đi đến lúc tôi trở về Hà Nội, đúng một con giáp (1964-1976) cơ đấy. Chín năm đầu tiên ở chiến trường, tôi không hề nhận được thư nhà và gia đình cũng không nhận được thư của tôi. Chiến trường nơi tôi đứng chân luôn khốc liệt, căng thẳng hằng ngày, hằng giờ, phải di chuyển liên tục nên thư từ rất khó khăn, thậm chí ở nhà, mọi người nghĩ tôi đã hy sinh rồi nhưng đơn vị chưa công bố vì lý do giữ bí mật công tác” - ông Thiệp mở đầu tâm sự với chúng tôi. Ánh mắt ông lúc tươi vui, lúc đầy suy tư nhớ về một thời hào hùng đã qua. Ông là dân xứ Nghệ, cả nhà có tới 5 anh em ruột cùng ra trận, kiên trung như bao gia đình khác ở vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Hồi tưởng về những năm tháng đó, ông Thiệp kể: “Có 5 người con ra mặt trận nên đầu năm 1973, mẹ tôi được Nhà nước mời ra Hà Nội dự gặp mặt những gia đình tiêu biểu. Cùng những ông bố, bà mẹ tiêu biểu, mẹ tôi được gặp các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… đến thăm, động viên và tuyên dương. Sau cuộc gặp mặt ý nghĩa đó, mẹ tôi trở về quê ở Yên Thành, Nghệ An thì dân làng rộ lên tin đồn tôi đã khi sinh. Thực tế thì trong số 5 anh em đi chiến trường, tôi chẳng có thư từ gì về nhà nên gia đình tôi và người làng đều phỏng đoán như vậy”.

Lần đầu tiên sau 9 năm gia đình có tin tức của ông Thiệp là sau ngày ký Hiệp định Paris. Giữa năm 1973, ông Trí Hoàng, là Vụ phó Vụ nghiên cứu tổng hợp của Bộ Công an tham gia công tác trao trả tù binh theo Hiệp định Paris, có mặt tại tỉnh Bình Phước. Gặp lại người đồng đội giữa chiến trường vừa tạm ngưng tiếng súng, ông Thiệp tranh thủ viết lá thư cho gia đình, gửi ông Hoàng. Khi ra Hà Nội, ông Hoàng là người thận trọng nên đã giao lá thư này cho người con trai trực tiếp mang đến nhà ông Thiệp… “Sau này tôi mới biết, bà nhà tôi và hai cô con gái mừng lắm. Bà ấy lập cập viết thư hồi âm, rồi nhờ cậu con trai anh Hoàng giao lại cho bố, chuyển vào cho tôi trong chuyến bay gần nhất. Từ đó, gia đình mới có tin tức chính xác của tôi và tôi cũng yên tâm vì vợ con vẫn bình an, hai cô con gái đã lớn khôn, giúp mẹ được nhiều việc…” – Ông Thiệp nhớ lại.

Hành trình “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của người chiến sỹ An ninh Chu Văn Thiệp cũng đầy gian nan, thử thách như bao người khác. Do yêu cầu bí mật, Bộ trang bị cho ông Thiệp và đồng đội những vật dụng rất hiếm thời đó ở miền Bắc, đều sản xuất ở các nước tư bản như bút máy, bật lửa, đèn pin, dao, súng ngắn…; đề phòng trường hợp những vật dụng này bị thất lạc hoặc cán bộ chi viện không may hi sinh thì địch cũng không phát hiện, phán đoán được ý đồ của ta. Dọc đường đi, có lúc cả tháng trời không gặp một người dân nào, chỉ là những cánh rừng thăm thẳm, những đoàn quân trùng điệp. Bước chân nặng trĩu, cái đói hành hạ. Những cơn mưa rừng dai dẳng khiến họ không nấu được cơm, có lần 5 ngày liền ăn cơm vắt, nhiều khi nắm cơm đã vữa ra bốc mùi nhưng vẫn phải nhắm mắt cố nuốt để giằn cơn đói đang gào xé trong gan ruột… Đằng đẵng nửa năm trời hành quân, chủ yếu là đi bộ, tháng 5 - 1965, ông Thiệp mới vào đến địa phận tỉnh Phước Long.

ong-chu-van-thiep

Ông Chu Văn Thiệp 

Với cái tên Chu Liên Anh (lấy tên người con gái lớn), còn gọi là Năm Anh, ông Thiệp là một thành viên của Ban An ninh tỉnh Phước Long vừa được kiện toàn; ông Tư Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban An ninh; ông Tư Bình (tên thật là Cảnh, nguyên Trưởng Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội) là phó ban. Ông Thiệp được giao công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Ký ức chiến trường với những trận đánh ác liệt vẫn ám ảnh ông Thiệp. Năm 1966, ông được tăng cường phụ trách trại giam T45 đóng tại Bù Ba Bang, tỉnh Phước Long (thuộc tỉnh Bình Phước hiện nay). Một hôm, Bộ báo tin địch sắp mở một trận càn lớn với 26 tiểu đoàn khai màn chiến dịch “Năm mũi tên xanh”. Trại T45 là một mục tiêu của địch nhằm giải thoát một viên cố vấn Mỹ tên là Martin đang bị giam giữ. Ông Thiệp nhớ lại: “Chúng tôi nhận được điện mật của Bộ thì khẩn trương triển khai phương án chống càn và di chuyển tù binh. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu di chuyển thì địch bất ngờ ập thẳng vào trại. Trận chiến giáp lá cà diễn ra ác liệt, hai bên đều bị thiệt hại nặng. Viên cố vấn Martin cũng mất mạng vì trúng mảnh pháo. Ta vừa đánh chặn, vừa rút; địch cũng sợ không dám trụ lại lâu. Hôm sau, khi chúng tôi trở lại tìm kiếm thi hài đồng đội thì một số anh em đã không còn; viên cố vấn Mỹ cũng bị cọp tha mất xác…

Một trận đánh in sâu trong kí ức của ông Thiệp, được ông và đồng đội gọi bằng cái tên đầy thi vị “Trận đánh lá thư rơi” đã để lại nhiều bài học. Với cương vị Bí thư đội công tác X3 (tức xã 3, huyện Bù Đăng), năm 1970, ông Thiệp đã táo bạo thực hiện kế hoạch vô hiệu hóa một số tên ác ôn tại cứ điểm quân sự Bù Nhu (huyện Bù Đăng). Viên xã phó An ninh xã 3 của địch tên là C, từng bị đội công tác X3 bắt, khống chế sau đó thả. Tuy nhiên, khi được “về rừng”, C không những không thực hiện những cam kết mà còn có phần hoạt động manh động hơn để chống phá cách mạng. Sau khi được cấp trên đồng ý việc phải tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa C, ông Thiệp và đồng đội tiến hành một kế hoạch hoàn hảo. Đêm hôm đó, các thành viên đội công tác X3 do ông Thiệp chỉ huy bí mật tiếp cận cứ điểm Bù Nhu. Họ đặt một quả mìn định hướng ĐH 10 sát vị trí địch thường tập kết mỗi sáng trước khi đi càn quét. Quả mìn nổ đúng thời điểm đã gây ra thiệt hại đáng kể, khiến bọn địch trong cứ điểm hoang mang...

Ông Thiệp kể tiếp: “Trận đánh này chỉ là bước mở màn. Ngay tối hôm đó, chúng tôi lại bò vào sát đồn địch, đào một hố cá nhân. Chúng tôi bắn cấp tập một loạt đạn cối vào đồn rồi nhanh chóng rút lui. Tôi cố tình làm rơi cái bóp (ví), có thông tin về tôi, Năm Anh, người mà bọn địch trong đồn đang treo thưởng và quyết tâm bắt bằng được. Đúng như dự đoán, sáng hôm sau bọn địch ra kiểm tra thực địa, phát hiện hố cá nhân để đặt súng cối và cái bóp bị rơi. Kiểm tra kĩ chiếc bóp, chúng thu được lá thư do tôi viết, với nội dung: “Gửi anh C. Nhờ tin tức chính xác của anh, anh em đã đánh một quả mìn rất hiệu quả. Còn riêng tên Ơn và Cát (2 đối tượng thuộc diện nguy hiểm cần phải trừng trị - NV) theo tin anh báo, tôi đã cho anh em bám sát, nhất định diệt được. Có tin tức gì mới mong anh báo ra ngay”… Đọc đến đây, chắc chắn địch còn phân vân nên tôi viết thêm trong thư (căn cứ thông tin về tình hình gia đình của C mà chúng tôi nắm được): “Hôm trước được tin chị nhà bị đau phải đi Sài Gòn chữa bệnh, vì điều kiện khó khăn nên chúng tôi không đến thăm được. Cho chúng tôi gửi lời thăm và chúc chị sớm bình phục. Vừa rồi qua ruộng bắp của anh chị, chúng tôi có lấy một số bắp, hôm nào gặp sẽ gửi anh… Hiện nay địch đang theo dõi gắt, không có ám hiệu thì anh tuyệt đối không được liên lạc với chúng tôi”. Cuối lá thư, tôi ký tên “Năm Anh”. Đúng như chúng tôi dự đoán, chỉ khoảng 2 giờ sau khi phát hiện lá thư, một chiếc trực thăng của An ninh quân đội Việt Nam Cộng hòa xuất hiện đáp xuống căn cứ Bù Nhu. Viên xã phó an ninh lập tức bị bắt giữ và nhận những trận đòn nhừ tử. Còn hai tên Ơn và Cát, khi biết nội dung “Lá thư rơi” đã chuồn thẳng về tỉnh và mất dạng từ đó.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Thiệp tiếp tục ở lại Bình Phước, làm Trưởng ban An ninh huyện Bù Đốp trong những ngày đất nước còn vô vàn khó khăn, tình hình an ninh chính trị phức tạp. Đến năm 1976, sau 12 năm xa nhà, người chiến sĩ an ninh được Bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam mới trở lại Hà Nội. Từng ấy thời gian khiến ông không thể hình dung khuôn mặt của hai cô con gái. Sáng hôm ấy, đặt chân xuống sân Ga Hà Nội, ông Thiệp và người đồng đội cùng đi bâng khuâng đến trào nước mắt. Chặng đường từ nhà ga về khu tập thể B11 - Kim Liên nơi vợ con ông đang sống có 2 cây số, sao mà dài dằng dặc. “Hai anh em tôi lên tầng 4, vào căn hộ thân quen của vợ chồng tôi. Ngày tôi đi B, cháu lớn mới biết đi, cháu nhỏ còn phải ẵm nên không thể nhận ra bố; vợ tôi đi làm không có nhà. Để các con khỏi bất ngờ hoặc thắc mắc, tôi bảo: Các chú ở cơ quan bố Thiệp ra thăm. Có gì ăn thì nấu cho các chú, vừa xuống tàu đang đói lắm. Đến trưa, vợ tôi về thì hai đứa trẻ tíu tít chạy ra khoe: Có hai chú ở chỗ bố ra thăm. Bà nhà tôi bước vào, như không tin ở mắt mình, đứng lặng hồi lâu rồi bật khóc…”.

Sau ngày chuyển công tác về Hà Nội, ông Thiệp là Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Công an rồi biệt phái sang Văn phòng Trung ương Đảng trước khi nghỉ hưu. Bước vào tuổi 80, ông bà hằng ngày vui vầy với đàn cháu đủ cả nội ngoại. Và mỗi khi có dịp, ông đều trở lại chiến trường xưa cùng đồng đội thăm lại và tri ân đồng chí, đồng bào đã che chở, đồng cam cộng khổ một thời chiến chinh

Trần Duy Hiển (theo cuốn Những ngày ở chiến trường)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến