Dòng sự kiện:
Kỳ vọng gì năm 2019?
12/02/2019 11:02:49
Một số chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp đều nhìn nhận sẽ có nhiều thách thức hơn. Đứng trước các khó khăn, đặt mục tiêu tăng trưởng mới và nâng cao hiệu quả là trọng tâm được không ít người chia sẻ.

Ông Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế

Năm 2019, bức tranh kinh tế Việt Nam pha trộn giữa màu xám và màu hồng do nền kinh tế của chúng ta rất mở.

Vùng xám đầu tiên là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bất định, không ai dám nói chắc sẽ diễn biến tới đâu. Vùng xám thứ hai là câu chuyện đằng sau tăng trưởng của Việt Nam, cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp thế nào.

Còn màu hồng, có 4 điểm. Thứ nhất là người dân Việt Nam lạc quan.

Thứ hai, 2 hiệp định thương mại tự do là CPTPP được đưa vào thực thi từ 14/1 và EVFTA đang được đẩy nhanh năm 2019 giúp Việt Nam tiếp cận, đa dạng hoá thị trường, giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.

Thứ 3, Chính phủ đang nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.

Cuối cùng là Việt Nam có những cơ hội từ việc chuyển hướng thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT Petrolimex

Thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục có diễn biến khó lường do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Chúng ta cũng chưa biết kết quả. Các bất trắc địa chính trị sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xăng dầu.

Năm 2019 rất là khó lường sẽ ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu Việt Nam. Dù vậy, sang năm 2019 vẫn có sự tăng trưởng nhất định.

Chính phủ đặt ra tăng trưởng 6,6 – 6,8%, chính vì thế năm 2019, Petrolimex cũng đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 3%, một con số rất khiêm tốn. Petrolimex sẽ chú trọng đến quản trị nâng cao hình ảnh, chất lượng dịch vụ và mục tiêu là tăng trưởng hiệu quả.

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex

Năm 2019 dự báo ngành dệt may sẽ không khởi sắc về cầu khi các dự báo cho thấy các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu tăng trưởng đều thấp hơn. Các nước thắt chặt dòng tiền, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động. Thách thức với ngành dệt may năm nay sẽ hơn năm 2018.

Áp lực nhưng ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD năm 2019, kịch bản thấp cũng xuất khẩu trên 38 tỷ USD. Tận dụng CPTPP, ngành phấn đấu tăng xuất khẩu 1 tỷ USD tại hai thị trường tiềm năng là Australia và Canada.

Trước thách thức của năm 2019, ngành dệt may phải đảm bảo mức kim ngạch xuất khẩu tăng tuyệt đối là trên 3 tỷ USD, đảm bảo mức tăng trưởng từ 8%, trong đó Vinatex cũng phải phấn đấu mức tăng trưởng tuyệt đối là từ 300 triệu USD trở lên.

Ông Phạm Duy Hiếu - Tổng giám đốc ABBank

Bên cạnh thuận lợi, 2019 được dự báo sẽ nhiều khó khăn. Bên ngoài càng khó khăn thì bên trong càng cần kiện toàn. Nếu giải đấu toàn đối thủ mạnh thì đội tuyển càng phải tập luyện nhiều hơn. Sóng gió càng lớn, người thuỷ thủ càng phải giỏi.

Đối với tôi, chúng ta không cầu xin để bớt sóng gió mà phải thực sự chú tâm để rèn luyện phát triển đội ngũ.

Tôi đồng tình quan điểm của nhiều chuyên gia cho rằng 2019 là năm không dễ dàng, chúng tôi sẽ chú trọng phát triển đội ngũ để đối mặt với khó khăn. Tôi kỳ vọng trong năm 2019, đội ngũ sẽ gắn kết, phối hợp nhịp nhàng. Đối với chúng tôi, hai mục tiêu là phát triển đội ngũ, yếu tố công nghệ.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình

Năm 2019, tôi hy vọng dù cho có siết tín dụng vào bất động sản, khó khăn bủa vây thì ngành xây dựng vẫn tăng trưởng tỷ lệ nhất định, khoảng 6-8%.

Chúng tôi vẫn sẽ giữ tăng trưởng nhanh hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, ngành xây dựng.

Ông Trần Khắc Minh - Nhà tư vấn đầu tư tài chính độc lập

Nền kinh tế châu Âu chưa có vấn đề gì nhiều. Đối với Mỹ, theo chu kỳ, nền kinh tế quốc gia này đạt đỉnh vào năm 2020, chứng khoán Mỹ có thể lên được trong 6 tháng đầu năm 2019. Thị trường chứng khoán Mỹ thường đi trước nền kinh tế 6-18 tháng.

Trong năm 2019, điều lo ngại nhất với nền kinh tế toàn cầu là việc chính sách tiền tệ có thể phân kỳ mạnh. Một loạt quốc gia siết chặt tiền tệ, trong khi một số nước chưa thể dừng nới lỏng tiền tệ.

Điển hình như Ấn Độ, Indonesia tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Các nước liên quan đến nền kinh tế Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng lớn từ chiến tranh thương mại.

Điều này khác với bối cảnh năm 2009 - 2010, các quốc gia toàn cầu“đồng pha” nới lỏng chính sách tiền tệ.

Sự phân kỳ trong chính sách tiền tệ sẽ dẫn đến các nền kinh tế sẽ phát triển theo hướng khác nhau, đặc biệt trong vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, các nước bắt đầu tăng lãi suất sẽ có lợi.

Theo Người đồng hành

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến