Dòng sự kiện:
Lá chắn phòng thủ từ cổ phiếu điện
15/06/2022 11:21:01
Cổ phiếu có tính phòng thủ như ngành điện được kỳ vọng mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt khi thị trường đối mặt với nhiều biến số khó lường.

 

Dự báo xu hướng của thị trường chứng khoán tháng 6 cơ bản là tăng, nhưng đà tăng không diễn ra với biên độ lớn

Nhiều ẩn số khó lường

Cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở - cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào rạng sáng 16/6 (giờ Việt Nam) tiếp tục là tâm điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư tuần này. Các dự đoán hầu hết đang nghiêng về khả năng Fed nâng lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm, tương tự động thái một tháng rưỡi trước với mục tiêu chống lạm phát đã duy trì mức 7-8% suốt nửa năm qua.

Bình luận về tác động của xu hướng tăng lãi suất của Fed tại Talkshow Chọn danh mục tổ chức ngày 9/6, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thời gian qua, Fed vừa đi vừa thăm dò chứ không mạnh tay và gây ra cú sốc cho thị trường như giai đoạn 2018-2019.

Theo ông Minh, Fed đang phải đối mặt với áp lực lạm phát cao, nhưng nếu mạnh tay với chính sách tiền tệ, thì sẽ là con dao hai lưỡi. Trong trường hợp Fed có thể kiểm soát lãi suất, lộ trình tăng lãi suất là tăng 1,9 điểm phần trăm trong năm 2022. Ở kịch bản tích cực này, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng sẽ chịu tác động ở mức độ nhẹ.

Nguyên nhân là việc tăng lãi suất không xảy ra đồng đều ở các quốc gia, mà chủ yếu là ở các nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh trong 2 năm đại dịch. Các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản hay Đông Nam Á đang ở giai đoạn đầu phục hồi sau Covid-19 có thể ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng, thậm chí Trung Quốc đang nới lỏng tiền tệ và có thể còn nới lỏng với chính sách tài khoá. Ông Minh dự báo, lãi suất tại Việt Nam có thể tăng, nhưng mức tăng đến cuối năm chỉ khoảng 1-1,5 điểm phần trăm.

Kịch bản xấu là Fed có thể phải thực sự mạnh tay nâng lãi suất trước áp lực giá dầu và căng thẳng chính trị chưa có tín hiệu chấm dứt. Điều này khiến những thị trường cận biên và mới nổi sẽ chịu ảnh hưởng, đặc biệt từ tác động khi dòng vốn ngoại rút ròng.

Còn theo ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ đầu tư Green Fund và Chủ tịch Quỹ Đầu tư A+, cũng là người có nhiều năm làm việc tại phố Wall, ngoài lộ trình tăng lãi suất hay biến số lạm phát, điều lo ngại còn là lộ trình thu hẹp bảng cân đối sau giai đoạn tăng mạnh gấp hơn 2 lần kể từ tháng 3/2020. Dù đây là một biến số cần theo dõi, nhưng ông tin tưởng, ảnh hưởng lan truyền tới Việt Nam sẽ không nhiều, nếu việc thu hẹp bảng cân đối của Fed được giảm thận trọng, vừa giúp nền kinh tế Mỹ phát triển vững, vừa bảo vệ uy tín khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang tới gần hơn.

Ngoài tác động từ các yếu tố quốc tế, việc tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng sau khi trải qua giai đoạn giảm khốc liệt cùng mục tiêu hoà vốn hay “về bờ” đã là tốt sẽ khiến thị trường đối diện áp lực cung lớn khi thị trường hồi phục trở lại, nhất là khi nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ tỷ trọng cao trên thị trường cổ phiếu.

Với các yếu tố trên, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, dù xu hướng của thị trường chứng khoán tháng 6 cơ bản là tăng, nhưng đà tăng không diễn ra với biên độ lớn. Cùng với đó, dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ không thể lớn như năm 2021, khi đã có nhà đầu tư rút khỏi thị trường cùng sự dịch chuyển sang một phần vào hoạt động sản xuất - kinh doanh hay kênh rủi ro ít hơn như trái phiếu.

Quân bài phòng thủ

Một đặc điểm khác của thị trường thời gian tới cũng được ông Minh nhấn mạnh là sự phân hoá dòng tiền sẽ rất lớn. Trong khi giai đoạn 2020 - 2021, dòng tiền tập trung nhiều vào nhóm tài chính như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, thì dòng tiền năm 2022 sẽ ưu tiên tìm đến nhóm hồi phục nền kinh tế hay cổ phiếu có tính phòng thủ hơn như ngành điện.

Sở dĩ cổ phiếu các doanh nghiệp điện được đưa vào nhóm phòng thủ là bởi loại cổ phiếu này thường mang lại cổ tức và thu nhập ổn định cho cổ đông, cũng như có dòng tiền kinh doanh khá ổn định, bất chấp tình hình biến động của thị trường chứng khoán.

Sở dĩ cổ phiếu các doanh nghiệp điện được đưa vào nhóm phòng thủ là bởi loại cổ phiếu này thường mang lại cổ tức và thu nhập ổn định cho cổ đông, cũng như có dòng tiền kinh doanh khá ổn định, bất chấp tình hình biến động của thị trường chứng khoán.
Giai đoạn năm 2020-2021, nhóm cổ phiếu điện nhìn chung khó khăn do bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông Minh kỳ vọng, đây là nhóm ngành hồi phục trở lại nhờ sự hồi phục của nền kinh tế cùng xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thực tế, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp điện ghi nhận mức tăng trưởng cao trong các quý gần đây.

Ngoài mang tính chất của nhóm cổ phiếu phòng thủ cùng bức tranh sáng hơn về kết quả kinh doanh, việc Việt Nam đưa ra cam kết phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) cũng tác động đến ngành điện. Với mục tiêu trung hòa carbon, mà tập trung vào giảm khí thải từ ngành năng lượng, chính sách và chiến lược vì vậy tập trung vào việc tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo.

Cùng quan điểm, ông Quan Đức Hoàng đánh giá, tiềm năng của ngành điện tái tạo là rất lớn. Sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo mỗi năm trung bình từ 12-15%. Nếu so số này với GDP của cả nước ở mức 6-7% một năm, thì ngành năng lượng tái tạo đã phát triển gấp đôi.

Quỹ Amber Fund Management - nơi ông Hoàng đang giữ vai trò thành viên Ban đại diện quỹ, định hướng đầu tư 85% vào lĩnh vực điện tái tạo (điện gió và mặt trời) thông qua mua cổ phần doanh nghiệp niêm yết trên sàn và cả đầu tư vốn cổ phần tư nhân để tạo dựng doanh nghiệp mạnh hơn trước khi niêm yết cổ phiếu.

Các công ty niêm yết đã tích cực phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong những năm gần đây. Bamboo Capital dù chỉ mới bước chân vào ngành điện vài năm, nhưng đã tích luỹ kinh nghiệm từ nhiều dự án với công suất đã được công nhận vận hành thương mại (COD) hiện là 500 MW và đặt mục tiêu nâng lên 2,5 GW. Kế hoạch đầu tư của các ông lớn ngành điện cũng bổ sung nhiều dự án đón đầu làn sóng này.

Tác giả: Tùng Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến