Xung quanh diễn biến của thị trường chứng khoán thời gian gần đây, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS).
Bà Trần Thị Khánh Hiền
PV: Thưa bà, thị trường chứng khoán trong nước thời gian gần đây đang cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực trở lại. Bà đánh giá thế nào về diễn biến thị trường giai đoạn này? Đâu là nguyên nhân giúp thị trường tích cực hơn?
Bà Trần Thị Khánh Hiền: Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam dần khởi sắc từ cuối tháng 4 cả về điểm số và thanh khoản. Tính đến ngày 9/6 thì chỉ số VN-Index đã tăng gần 10% kể từ đầu năm và tăng 17,6% từ đáy của năm 2022. TTCK Việt Nam hiện cũng đang có diễn biến tốt nhất trong số các TTCK châu Á từ đầu năm đến nay.
Tôi cho rằng, đà tăng của TTCK trong thời gian qua được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô như lãi suất có xu hướng giảm, cũng như hàng loạt các biện pháp tháo gỡ khó khăn, kích thích tăng trưởng mà Chính phủ đã thực hiện trong thời gian qua.
Cụ thể như, Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 03/2023/TT-NHNN ban hành ngày 27/4/2023, các ngân hàng thương mại (NHTM) được cung cấp các công cụ cần thiết để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và các khoản cho vay bất động sản. Qua đó, các doanh nghiệp đi vay cũng có thêm thời gian để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi chậm. Bên cạnh đó, các NHTM cũng được giãn áp lực trích lập dự phòng nợ xấu, qua đó thêm dư địa để tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng.
Về chính sách tài khóa, việc triển khai Nghị định 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, cũng như giảm thuế giá trị gia tăng theo đề xuất của Chính phủ đang trình Quốc hội thông qua, dự kiến áp dụng từ ngày 1/7/2023… sẽ là những quyết sách quan trọng thúc đẩy tiêu dùng và giảm áp lực cho sản xuất trong bối cảnh lực cầu trong và ngoài nước đều yếu.
Dòng tiền nội đang tạo động lực giúp chỉ số VN-Index. Ảnh: Minh họa.
PV: Không chỉ có điểm số, điều đáng quan tâm nhất là dòng tiền nội đang vào khá tốt. Bà đánh giá thế nào dòng tiền trên thị trường hiện nay? Liệu có cơ sở kỳ vọng về độ bền của dòng tiền đợt này hay không, thưa bà?
Bà Trần Thị Khánh Hiền: Chuỗi đà tăng của chỉ số còn được hỗ trợ bởi sự cải thiện về mặt thanh khoản. Thanh khoản trung bình tháng 5 cả 3 sàn vào khoảng 14 nghìn tỷ đồng/phiên; tăng hơn 5% so với tháng 4, đặc biệt thanh khoản tăng mạnh khi bước vào những phiên đầu tiên của tháng 6 với nhiều phiên trên 20 nghìn tỷ đồng.
Xu hướng lãi suất giảm đã hình thành khá rõ nét, cụ thể, theo quan sát của tôi, sau các đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì các NHTM cũng đã giảm lãi suất huy động xuống dưới 8%. Vì vậy, dòng tiền có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở kênh đầu tư có hiệu suất tốt hơn như chứng khoán.
Tuy nhiên, để nhận định về độ bền của dòng tiền, tôi cho rằng cần thêm thời gian kiểm nghiệm. Trước mắt, cuối tháng 6 sẽ là giai đoạn cao điểm đáo hạn TPDN với khối lượng gần 36 nghìn tỷ đồng, gấp đôi so với các tháng vừa qua. Đây sẽ là bài kiểm tra về năng lực thanh toán của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh thị trường này vẫn đang trầm lắng. Vì vậy, tôi cho rằng, cần vượt qua tháng 6 để trả lời cho câu hỏi trên.
PV: Bà dự báo thế nào về diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 6 này và thị trường 6 tháng cuối năm 2023? Đâu sẽ là yếu tố sẽ hỗ trợ, cũng như các yếu tố rủi ro cho thị trường chứng khoán nửa cuối năm nay?
Bà Trần Thị Khánh Hiền: Tôi vẫn giữ quan điểm cẩn trọng khi đánh giá triển vọng thị trường trong tháng 6 do các chính sách tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, cũng như các chính sách thúc đẩy tăng trưởng cần thời gian để phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, như đã nêu trên, năng lực của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng sẽ được kiểm nghiệm trong tháng này.
Ngoài ra, rủi ro về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục thắt chặt lãi suất vẫn còn đó. Mặc dù FED dường như đã sẵn sàng chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp của ngân hàng trung ương Mỹ vào cuối tháng này, nhưng vẫn để ngỏ khả năng có thể tiếp tục tăng trong tương lai khi số liệu việc làm công bố vào ngày 31/5 vẫn tốt hơn dự kiến. Vì vậy, đây là biến số lớn nhất ảnh hưởng đến triển vọng của thị trường trong tháng 6.
Tôi lạc quan hơn về triển vọng của TTCK Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2023. Hàng loạt các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường TPDN, cũng như các chính sách thúc đẩy tăng trưởng sẽ đồng thời thẩm thấu đến TTCK trong nửa sau 2023.
Bức tranh kết quả kinh doanh kém hiệu quả trong quý I/2023 đã phản ánh hầu hết vào diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian gần đây. Nhìn chung lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường sẽ tìm lại đà tăng trưởng dương từ quý III/2023 trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, xu hướng lãi suất hạ nhiệt rõ nét sẽ giúp cho TTCK dần trở thành một kênh đầu tư có hiệu quả sinh lời hấp dẫn hơn.
PV: Xin cảm ơn bà!
Tác giả: Duy Thái