Dòng sự kiện:
Lại bàn về nới room ngoại của nhà băng
03/12/2018 16:03:48
Cân đối việc nới room ngoại để không chỉ thể hiện cam kết mở cửa trong hội nhập, mà vẫn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Ngày 23/11, TPBank chính thức nâng room ngoại từ 24,9% lên 30%. Ngay lập thức, khối ngoại đã mua thoả thuận 3 triệu cổ phiếu TPBank trong phiên buổi sáng 23/11 với giá trị giao dịch gần 88 tỷ đồng. Trước đó, BIDV đã thông qua việc phát hành hơn 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc. Tỷ lệ cổ phần phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là 15% quy mô vốn điều lệ sau khi phát hành (tương đương tỷ lệ 17,65% vốn điều lệ hiện tại).

Thời điểm này, các ngân hàng đang cố gắng tăng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước để chuẩn bị cho việc áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 41, bởi đảm bảo hệ số CAR tối thiểu 8% theo tiêu chuẩn Basel II là một thách thức thực sự. Thêm nữa, trong bối cảnh CPTPP sắp có hiệu lực cũng đòi hỏi các ngân hàng phải có một sức khoẻ tài chính để tăng cường khả năng cạnh tranh của mình với các ngân hàng đến từ các quốc gia khác có thể tham gia vào thị trường Việt Nam. “Các ngân hàng muốn đầu tư vào CNTT, hạ tầng cơ sở để đón đầu sự cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài thì việc tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu là vô cùng quan trọng”, chuyên gia chia sẻ.

Cân đối việc nới room ngoại để không chỉ thể hiện cam kết mở cửa trong hội nhập, mà vẫn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia

Tuy nhiên lộ trình tăng vốn vẫn gặp rất nhiều thách thức. Dù cổ phiếu ngân hàng đã tương đối sáng sủa và khả quan hơn lúc trước, nhưng cũng chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề đang phải tích cực khắc phục như nợ xấu, sở hữu chéo...

Vốn trong nước hạn chế, tất yếu sẽ dẫn tới nhu cầu hướng ngoại tìm vốn tăng cao. Cùng với việc một số ngân hàng gần đây đã bán được một lượng vốn tương đối cho khối ngoại, những quy định xung quanh tỷ lệ này nóng trở lại. Thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam trong giới hạn tỷ lệ được quy định (tỷ lệ sở hữu tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam; tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD trong nước không được vượt quá 30%).

Song hiện trạng việc đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ mang tính chất đầu tư tài chính, chứ chưa có sự tham gia mạnh mẽ vào việc quản trị, quản lý và điều hành ngân hàng. Bởi theo chuyên gia, với một tỷ lệ khống chế như vậy chưa đủ hấp dẫn các đối tác ngoại, khi tiếng nói của họ không thật sự có đủ trọng lượng để có thể hỗ trợ hoặc cải thiện tình hình tài chính của các nhà băng. Trong bối cảnh này, mong muốn của các nhà đầu tư ngoại, cũng như bản thân ngân hàng trong nước là nới thêm room. Mức đề nghị là 35 - 40%, thậm chí một số nhà băng mong muốn được nới room lên 49% hoặc 51%.

Có quan điểm lo ngại việc nới lỏng cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dẫn tới những hệ quả khó kiểm soát, trong khi ngân hàng là một trong những lĩnh vực nhạy cảm với an ninh tiền tệ quốc gia. Tuy nhiên, khi trao đổi với các chuyên gia, phần lớn đều nhận định: Việc hút vốn ngoại sẽ giúp các ngân hàng trong nước tăng nguồn vốn trung dài hạn, cũng như để đáp ứng các tỷ lệ an toàn, còn với lo lắng nêu trên là không có cơ sở, vì “cởi mở chứ không phải là thả lỏng”.

Theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu từ 10% vốn điều lệ của TCTD Việt Nam trở lên phải đảm bảo có xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức quốc tế có uy tín, tổng tài sản của nhà đầu tư nước ngoài tối thiểu là 10 tỷ USD. Còn tại Điều 10, đối với các tổ chức nước ngoài muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có tổng tài sản tối thiểu tương đương 20 tỷ USD vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ mua cổ phần, có kinh nghiệm hoạt động quốc tế trong lĩnh vự tài chính ngân hàng từ 5 năm trở lên... “Với những điều kiện như vậy, rõ ràng Chính phủ và NHNN có thể kiểm soát được những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Chính phủ và NHNN có những công cụ kiểm soát hoạt động của các ngân hàng, nên cũng có thể xem xét tới việc nới room thêm cho các đối tác ngoại, sau khi đã cân nhắc kỹ càng. Chúng ta phải thừa nhận, các ngân hàng Việt đang rất cần sự hỗ trợ tài chính và công nghệ, cách thức quản trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế trong bối cảnh sắp tới áp dụng quy định tại Thông tư 41, Basel II và khi CPTPP có hiệu lực”, một chuyên gia nêu ý kiến.

Vị này cũng chia sẻ thêm, “không thể một sớm một chiều mà có thể nới room cho các đối tác ngoại, nhưng cũng nên xem xét để có những cơ chế phù hợp, không vuột mất đi cơ hội cho sự phát triển của hệ thống tài chính – ngân hàng. Ví dụ như với nhóm NHTM Nhà nước, tỷ lệ này sở hữu của đối tác ngoại có thể nâng lên 30 - 40%, còn với nhóm NHTMCP có thể linh hoạt theo quy mô, điều kiện của từng ngân hàng”.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến