Cả lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh sẽ tạo động lực cho tiêu dùng và đầu tư nhiều hơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hiện lãi suất cho vay bình quân đã về ngưỡng 8%/năm, tức là giảm 3% so với cuối năm 2022 đồng thời các ngân hàng kết hợp với đẩy mạnh và kích thích cho vay trở thành động lực để các doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường.
Lãi suất huy động và cho vay giảm sâu
Trong hai tháng qua, khoảng 30 ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Nếu hồi đầu năm, khách hàng có thể gửi tiết kiệm với mức lãi 10% hoặc hơn thì hiện nay, gần như không có ngân hàng nào niêm yết quá 7%/năm.
Điều này đã kéo mặt bằng lãi suất huy động toàn thị trường xuống, giúp các ngân hàng có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay. Bởi lẽ, đến cuối tháng Bảy, tín dụng vẫn tăng chậm (khoảng 4,56%), chưa bằng một nửa so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2022. Việc giảm thêm lãi suất sẽ tạo động lực cho tiêu dùng và đầu tư nhiều hơn.
Các ngân hàng đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay, với mức giảm 0,5%-3%/năm, tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới đồng thời cam kết giảm lãi suất cho vay từ 0,2%-2,5%/năm trong những tháng cuối năm 2023, tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực.
Việc liên tiếp hạ lãi suất điều hành, qua đó ép mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt hơn so với trước đã và đang có những tác động hữu hiệu. Bởi trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, áp lực về nguồn vốn ứ đọng đã khiến nhiều ngân hàng phải chịu áp lực giải ngân nguồn vốn đã huy động mà không cần sự thúc giục nào.
Chẳng hạn, Agribank dành 60.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1%/năm so với lãi vay thông thường dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; BIDV triển khai nhiều gói vay vốn ưu đãi với quy mô lên tới 140.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, với lãi suất chỉ từ 6,5%-9,5%/năm. Vietcombank và Vietinbank cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay với lãi suất ưu đãi từ 6,8%/năm…
Đặc biệt, TPBank vừa chủ động thực hiện hạ lãi suất cho vay cơ sở VND lần thứ 8 liên tiếp, nâng tổng mức giảm lên 1,5%-2,25%, áp dụng với tất cả các khoản vay hiện hữu đến kỳ điều chỉnh lãi suất. Hàng loạt khoản vay mới và cũ tại TPBank đều được giảm lãi, gia hạn.
Một số khoản vay đủ điều kiện, tính thêm một số ưu đãi với tùy từng khách hàng đủ đáp ứng, có thể được hưởng lãi suất thấp hơn tới gần 4% so với trước khi ngân hàng thực hiện giảm lãi suất lần đầu tiên.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ: “TPBank luôn sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng vượt khó với các chương trình hỗ trợ vay vốn, hạ lãi suất cho vay thiết thực và kịp thời. Bởi chúng tôi hiểu một khi lãi suất vay dễ chịu hơn, các quyết định đầu tư sẽ vững tâm hơn, từ đó tình hình sản xuất kinh doanh nói riêng sẽ có tín hiệu khởi sắc và thị trường nói chung sẽ sôi động trở lại.”
Một số ngân ngân hàng tư nhân như OCB, BAC A BANK, Sacombank, MSB cũng đã dành những gói tín dụng từ 3.000-30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất từ 7,5%-9%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Chính vì vậy, hoạt động của doanh nghiệp đã tăng trưởng trở lại, một phần nhờ hỗ trợ từ vốn vay.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa đã được giảm 2% từ ngân sách nhà nước, cộng thêm 1,5% từ ngân hàng đã giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Điều này đã giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất.
Nhờ tiết giảm chi phí, đổi mới công nghệ và nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng mới, doanh nghiệp đã duy trì lượng xuất khẩu ổn định từ 1.200-1.500 tấn ngao mỗi tháng.
Ông Lê Quý Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa cho biết: “Để được hỗ trợ vốn kịp thời, điều quan trọng là cần trao đổi thẳng thắn, minh bạch về tình hình kinh doanh để ngân hàng hiểu hơn và đồng hành cùng với mình giúp tháo gỡ các vướng mắc nhanh nhất có thể."
Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn rẻ từ ngân hàng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tương tự, ông Trần Văn Thường - Giám đốc Công ty Thiết bị Điện Sơn Đông cũng nhận định khi ngân hàng giảm lãi suất cho vay, doanh nghiệp được hưởng một số lợi ích, trong đó quan trọng nhất là giảm chi phí vay. Lãi suất thấp giúp doanh nghiệp trả ít tiền hơn cho khoản vay của mình. Điều này có thể làm giảm đi các chi phí tài chính và tăng lợi nhuận.
“Lãi suất thấp cũng giúp giảm áp lực tài chính lên doanh nghiệp, giúp họ dễ dàng hơn trong việc đầu tư vào các dự án mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị mới hoặc mở rộng quy mô kinh doanh,” ông Thường nhấn mạnh.
Không hạ lãi suất bằng mọi giá
Theo các chuyên gia kinh tế, các quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm lãi suất cho vay thường có mục tiêu hỗ trợ tăng cường hoạt động kinh doanh và phục hồi kinh tế sau những thách thức như dịch bệnh hay suy thoái. Với lãi suất thấp hơn, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí tài chính trong quá trình vay vốn. Điều này giúp giảm giá thành sản phẩm và tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cũng có thể gây ra một số tác động tiêu cực. Khi lãi suất giảm xuống thấp, ngân hàng sẽ khắt khe hơn với đối tượng vay để tránh rủi ro nợ xấu. Một số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn kém, có tài sản thế chấp không đủ hoặc không minh bạch tài chính có thể gặp khó khăn trong việc vay vốn.
Các chuyên gia cho rằng việc giảm lãi suất “quá liều” sẽ gây ra tác dụng phụ, tạo áp lực lên tỷ giá và rủi ro dòng vốn ngoại đảo chiều. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng phân tích giảm lãi suất là bức thiết nhưng giảm lãi suất quá sẽ dẫn đến mất tỷ giá. Mất tỷ giá sẽ ảnh hưởng tới niềm tin nhà đầu tư, quyền lợi của Chính phủ khi đi vay nợ nước ngoài. Doanh nghiệp, người dân sẽ nảy sinh tâm lý găm giữ ngoại tệ khiến đồng tiền nội tệ mất giá mạnh hơn, cả xuất nhập khẩu cũng bị đảo lộn.
"Do đó phải giữ tỷ giá, mà muốn giữ thì lãi suất phải hợp lý. Nếu lãi suất mà hạ nữa thì không ai gửi ngân hàng mà quay ra giữ USD. Nếu như không có niềm tin thì còn ai bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam. Người ta có thể sẽ rút vốn về nước, chính sách thay đổi họ sẽ tính toán lợi ích ngay,” Phó Thống đốc nói.
Đồng quan điểm Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định việc giảm lãi suất “quá liều” sẽ gây ra tác dụng phụ, tạo áp lực lên tỷ giá và rủi ro dòng vốn ngoại đảo chiều. Vì vậy, sau 4 lần giảm lãi suất điều hành, khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc việc nới lỏng thêm tiền tệ. Thực tế, tỷ giá tăng trong thời gian gần đây, ngoài các yếu tố mùa vụ cuối năm, chênh lệch giữa lãi suất trong nước và Mỹ không còn nhiều, thì việc giảm lãi suất cũng gây áp lực lên tỷ giá.
“Tôi muốn nhắc lại rằng, khi kê đơn thuốc thì liều lượng phải phù hợp, bởi uống thuốc quá liều sẽ gây tác dụng phụ. Tác dụng phụ của việc hạ lãi suất là áp lực lạm phát và tỷ giá có thể quay trở lại. Thứ hai là chính sách tiền tệ dường như đã bão hòa, nếu có giảm thêm lãi suất thì cũng không hỗ trợ nhiều đến tăng trưởng kinh tế,” ông Huân nhấn mạnh./.
Tác giả: Thúy Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy