Ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp đã có cải thiện so giữa năm 2023. Liệu cầu vốn của doanh nghiệp có tăng mạnh trong những tháng còn lại của năm, thưa ông?
Tôi cho rằng, cầu vốn của doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp xuất khẩu, có khả năng tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm 2023. Cơ sở là nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng phục hồi rõ nét trên cả 3 động lực là đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Trước áp lực giải ngân đầu tư công, lượng vốn đáp ứng nhu cầu thi công công trình sẽ tăng trong giai đoạn cuối năm nay.
Tuy nhiên, các ngành như bất động sản và sản xuất có liên quan đến bất động sản sẽ vẫn trầm lắng. Bên cạnh đó, do bất ổn chính trị và lạm phát cao tại các nước, doanh nghiệp có xu hướng thận trọng trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh, nên tín dụng khó tăng trưởng mạnh.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu thì thế nào?
Xuất nhập khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2023 khởi sắc hơn so với tháng trước đó. Ngoài ra, thị trường chính như Mỹ, EU hạ nhiệt lạm phát, lượng hàng trong kho giảm cũng dẫn đến nhu cầu hàng hóa tăng cao. Đặc biệt, các dịp lễ cuối năm như Lễ Tạ ơn, Giáng sinh, Tết Dương lịch… cũng góp phần kích thích nhu cầu tiêu dùng tăng lên.
Các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại, linh kiện, máy móc, thiết bị, dệt may, da giày, gỗ, nông sản… đang có kim ngạch xuất khẩu lớn hoặc có xu hướng tăng trưởng tốt. Đây là yếu tố giúp doanh nghiệp xuất khẩu có thêm nguồn thu nhập để trả nợ vay và tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.
Nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách đưa ra hiện nay mới tập trung kích cung, dẫn đến tình trạng ngân hàng “tồn kho, thừa tiền”, trong khi để có thể khơi được dòng chảy tín dụng, cần tập trung nhiều hơn vào kích cầu?
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành. Theo đó, các ngân hàng thương mại cũng liên tục đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng, đồng thời thực hiện rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa cao khi đầu ra sản phẩm không có do sức tiêu thụ của thị trường yếu.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2023, có 4.124 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 5.273 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể; 1.441 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 10/2023, cho thấy, sức khỏe của ngành sản xuất vẫn suy giảm.
Lãi suất cho vay sẽ còn phải giảm thêm để kích cầu dòng chảy tín dụng, thưa ông?
Đúng vậy. Mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo tiếp tục giảm thêm 1-1,5%/năm trong các tháng tiếp theo. Tuy nhiên, theo tôi, đây chỉ là một khía cạnh để kích cầu tín dụng, nên cần đến các trợ lực khác, như chính sách tài khóa, chính sách đầu tư, thương mại, nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, qua đó thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác và tạo hiệu ứng lan tỏa sang nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách đầu tư công. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và quốc tế, nhằm kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam với nhà mua hàng; quảng bá sản phẩm, duy trì thị trường truyền thống, khai mở thị trường mới cho xuất khẩu.
Tín dụng tăng chậm, trong khi nợ xấu có xu hướng đi lên do sức khỏe doanh nghiệp yếu trước bối cảnh kinh tế khó khăn, bất động sản ảm đạm. Liệu nợ xấu có là vấn đề đáng ngại trong những tháng cuối năm nay và đầu năm tới khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ hết lực vào 30/6/2024?
Nợ xấu vẫn là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong những tháng cuối năm 2023, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản chưa phục hồi. ABBank đang tích cực triển khai đồng thời các biện pháp phân tích, cảnh báo sớm đối với danh mục tín dụng, thu hồi và xử lý nợ xấu, xử lý rủi ro để đảm bảo kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng chủ động xác định chân dung khách hàng, lựa chọn tăng trưởng tín dụng thận trọng.
Tác giả: Thùy Vinh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy