Dòng sự kiện:
Lãi suất giảm theo sức khỏe ngân hàng
09/08/2019 19:00:49
Sau tuyên bố giảm lãi suất của 4 NHTM quốc doanh, một số NHTMCP đã nhập cuộc. Nhưng theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia NH, việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào khả năng, 'sức khỏe' của các NH.

Ảnh minh hoạ

Ông đánh giá thế nào về làn sóng giảm lãi suất của các ngân hàng lần này?

Theo quan sát của tôi, hiện tại mới chỉ có những ngân hàng lớn giảm lãi suất đối với những lĩnh vực ưu tiên, còn trên toàn hệ thống vẫn chưa thấy dấu hiệu giảm nhiều. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, đây cũng là điều dễ hiểu bởi, lãi suất giảm liên quan đến vấn đề chi phí vốn của các ngân hàng.

Hiện tại, những ngân hàng hạng trung, nhỏ họ vẫn phải huy động vốn với lãi suất cao nhất là các kỳ hạn dài. Khi mà chi phí vốn của họ còn cao thì khó có thể giảm lãi suất cho vay. Đặc biệt, đối với những ngân hàng có room tín dụng thấp, muốn duy trì lợi nhuận bắt buộc phải giữ lãi suất cho vay cao.

Chưa kể, thị trường tài chính thế giới, nhất là từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến rất phức tạp sẽ tạo áp lực lên thị trường tiền tệ, tỷ giá. Các ngân hàng không muốn dòng tiền chảy ra khỏi ngân hàng thì phải giữ lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ chân khách hàng. Đây là những trở ngại khiến các ngân hàng này khó kéo lãi suất xuống.

Vậy thời gian tới liệu có cơ hội để các ngân hàng này giảm lãi suất không, thưa ông?

Các ngân hàng lớn vẫn luôn có lợi thế là có lượng khách hàng rất lớn nhất là từ tổ chức kinh tế nên lượng tiền gửi khá dồi dào, tạo điều kiện cho những ngân hàng này giảm chi phí đầu vào. Từ đó, tạo điều kiện để họ thực hiện giảm lãi suất cho DN, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Còn các ngân hàng hạng trung, nhỏ không có lợi thế này. Nhất là trong bối cảnh biến động tài chính thế giới đang phức tạp như hiện nay, theo tôi các ngân hàng càng phải thận trọng.

Vậy nên hãy để các ngân hàng họ điều chỉnh lãi suất theo khả năng tình hình tài chính của mình. Tất nhiên, NHNN vẫn còn có các công cụ khác để hỗ trợ tác động đến mặt bằng lãi suất như giảm lãi suất điều hành, tái cấp vốn, OMO… Nhưng quan điểm của tôi là không khuyến khích thay đổi lãi suất điều hành, vì nó không cần thiết. Bởi hiện tại mặt bằng lãi suất đang khá phù hợp với diễn biến thị trường hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tài chính biến động thế này chúng ta cần phải có bộ gối đệm dày dặn để chống đỡ, ứng phó với những rủi ro thách thức có thể xảy ra trong thời gian tới.

Theo ông, hoạt động kinh doanh ngân hàng trong những tháng tới có chịu nhiều sức ép từ diễn biến kinh tế thế giới không?

Chắc chắn là có. Nền kinh tế của Việt Nam là một  phần kinh tế thế giới. Mà kinh tế thế giới đang đi vào giai đoạn khủng hoảng nên mức độ rủi ro cao lên. Trong bối cảnh đấy, dĩ nhiên là chi phí vận hành, vốn… tất cả đều tăng lên, các DN Việt Nam sẽ đi vào khó khăn hơn trước. Nếu các DN gặp khó khăn thì ngân hàng không thể tránh khỏi tác động. Nhất là đối với các ngân hàng đang gặp khó về room tín dụng, hoặc một số ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cũng sẽ bị ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận kinh doanh. Vì thế, các ngân hàng phải đa dạng hóa hoạt động kinh doanh nhất là thu từ dịch vụ để duy trì đảm bảo lợi nhuận như mục tiêu đặt ra.

Ông đánh giá hiệu quả từ thu dịch vụ của các ngân hàng hiện nay ra sao?

Tôi nghĩ rằng, thời gian qua, thu từ dịch vụ có sự cải thiện. Các ngân hàng khai thác nguồn thu đáng kể từ dịch vụ liên kết ngân hàng – bảo hiểm, bảo lãnh thanh toán, dịch vụ ngân hàng số… Nhưng nói chung vẫn chưa thể bù đắp được nhiều cho sự thiếu hụt từ thu tín dụng. Bởi việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng của người dân cũng còn ở mức hạn chế. Phần lớn các khách hàng đến với ngân hàng là để gửi tiền hoặc là vay ngân hàng là chính. Cũng mới chỉ có khoảng 30% dân số là có tài khoản ngân hàng, nên nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng rất hạn chế, dù các ngân hàng cũng đang cố gắng thiết kế nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích hiện đại.

Thời gian tới, để nguồn thu dịch vụ như mục tiêu Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 phấn đấu đến cuối năm 2020 tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM lên khoảng 12 - 13% và lên khoảng 16 - 17% giai đoạn 2021 - 2025, cần phải có sự đột phá về chính sách cả từ phía ngân hàng lẫn Chính phủ để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến