Dòng sự kiện:
NHTW New Zealand, Ấn Độ và Thái Lan đồng loạt giảm lãi suất mạnh hơn dự báo
08/08/2019 09:01:24
Các ngân hàng trung ương ở New Zealand, Ấn Độ và Thái Lan đồng loạt hạ lãi suất mạnh hơn dự báo trong ngày thứ Tư (07/08), củng cố thêm cho xu hướng chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu.

Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) hạ lãi suất 35 điểm cơ bản và đây là lần giảm lãi suất thứ 4 trong năm 2019. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) bất ngờ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản lần đầu tiên trong năm 2015.

Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) gây sốc khi giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, gấp 2 lần so với dự báo, và đẩy mức lãi suất chuẩn xuống 1%, thấp nhất mọi thời đại. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục sau khi cắt giảm trong tháng 6 và 7/2019.

Từ hàng loạt động thái nới lỏng chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương thể hiện những lo ngại khôn nguôi về triển vọng tăng trưởng kinh tế, đồng thời dùng đến các đợt hạ lãi suất mạnh để ngăn chặn suy thoái. Các ngân hàng trung ương thường sử dụng công cụ hạ lãi suất trong các môi trường như thế này để thúc đẩy cung tiền trong nền kinh tế, khơi dậy nhu cầu và tạo động lực cho tăng trưởng. 

Rabbani Wahhab, Giám đốc danh mục đầu tư trái phiếu tại London & Capital, nói với CNBC hôm thứ Tư (07/08) rằng thời gian và quy mô cắt giảm lãi suất từ New Zealand, Thái Lan và Ấn Độ gửi một thông điệp rõ ràng đến nền kinh tế của họ và phần còn lại của thế giới.

 Theo ông, các ngân hàng trung ương đang muốn nói “không chỉ là các khối kinh tế lớn như Mỹ và khu vực đồng Euro cần nới lỏng chính sách tiền tệ, mà là các nền kinh tế khác cũng vậy”.

 Các yếu tố chính thôi thúc NHTW nới lỏng chính sách là triển vọng kinh tế nội địa ảm đạm hơn, tăng trưởng hàng năm suy giảm, lạm phát thấp, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng dần vụn vỡ.

Cùng với đó, lãi suất dài hạn trên toàn cầu đã giảm xuống các mức thấp trong lịch sử và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đề cập đến những lo ngại này khi họ báo hiệu có thể giảm lãi suất sau đó trong năm 2019. Tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Những “cơn gió ngược” trong khu vực ngày càng nhiều tại thời điểm này, khi rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng tăng.

Theo FILI

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến