Dòng sự kiện:
Lãi suất huy động tăng, đã đến mức đáng lo?
11/09/2019 07:35:32
Động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng TMCP gần đây gây lo ngại về xu hướng tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định, xu hướng tăng lãi suất huy động chỉ diễn ra cục bộ và còn nhiều yếu tố hỗ trợ việc kiềm giữ lãi suất cho vay.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Lãi suất huy động tăng mạnh

Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất tiền gửi. Nhóm có lãi suất cao ở mức trên 8% phải kể đến Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) với 8,6 - 8,7%/năm cho kỳ hạn 18 tháng trở lên. Hay Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 8,45 - 8,55%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên, còn kỳ hạn 6 tháng là 8%/năm và 9 tháng là 8,15%/năm.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, nhận lãi cuối kỳ cũng đang được niêm yết ở mức 8,1%/năm. Còn ở kỳ hạn 13 tháng, lãi suất được điều chỉnh ở mức 8,2%/năm.

Mức lãi suất còn được đẩy lên ở mức cao hơn thông qua hình thức chứng chỉ tiền gửi. Cụ thể, cao nhất ở mức 10,2%/năm cho riêng kỳ hạn 60 tháng do Viet Capital Bank phát hành. Còn đối với kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng, ngân hàng này trả lãi suất lần lượt là 9,5%, 9,8% và 10%/năm. Trước Bản Việt, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất năm tối đa 9,1%, áp dụng cho kỳ hạn 61 tháng.

Không chỉ tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn dài trên 13 tháng, nhiều ngân hàng TMCP có quy mô vừa và nhỏ cũng đang áp dụng mức lãi suất rất cao cho các kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.

Hiện lãi suất huy động kỳ hạn dài (trên 6 tháng) đã được đẩy lên mức cao từ  8,5 - 8,7%/năm, gây nhiều áp lực lên lãi suất cho vay trong thời gian tới. Không chỉ các khoản vay mới chịu tác động, các cá nhân, doanh nghiệp vay vốn theo lãi suất linh hoạt cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi trung bình 3 tháng, lãi suất sẽ bị điều chỉnh một lần.

Cuộc đua lãi suất huy động trong nhóm các ngân hàng TMCP có quy mô vừa và nhỏ đã manh nha từ khoảng giữa tháng 8. Theo Báo cáo vĩ mô tháng 8/2019 vừa được Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố, nguyên nhân cuộc đua lãi suất huy động bắt nguồn từ việc các ngân hàng đang phải chịu áp lực cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số CAR theo tiêu chuẩn Basel II và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải chuẩn bị nguồn vốn cho mùa kinh doanh cuối năm.

Một số yếu tố giúp ổn định lãi suất

Trước những diễn biến tăng của lãi suất huy động, đã có một số ý kiến lo ngại về khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng. 

Trong khi đó, nhận định về xu hướng lãi suất hiện nay, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, động thái tăng lãi suất huy động chỉ diễn ra cục bộ, từ phía các ngân hàng quy mô nhỏ nhiều hơn với mục đích để giữ thị phần, khách hàng. Mặt khác, các nhà băng này cũng chỉ tăng ở một vài kỳ hạn, chủ yếu là kỳ hạn dài, thậm chí ở kỳ hạn rất dài và yêu cầu một số điều kiện về giá trị rất lớn của khoản tiền gửi.

“Bên cạnh đó, có ngân hàng tăng lãi suất từ mặt bằng rất thấp trước đây, hoặc có ngân hàng trước giảm lãi suất giờ tăng trở lại theo xu hướng để giữ thị phần”, ông Hà nói.

Về xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm, theo vị Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, lãi suất sẽ ổn định. Bởi lẽ, các yếu tố tác động đến lãi suất đang diễn ra tích cực như: tín dụng tăng vừa phải, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt. Nhờ đó, lãi suất cho vay cũng sẽ duy trì ổn định từ nay đến cuối năm và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Động thái tăng lãi suất huy động chỉ diễn ra cục bộ, từ phía các ngân hàng quy mô nhỏ nhiều hơn với mục đích để giữ thị phần, khách hàng. Mặt khác, các nhà băng này cũng chỉ tăng ở một vài kỳ hạn, chủ yếu là kỳ hạn dài, thậm chí ở kỳ hạn rất dài.

Theo báo Đấu thầu

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến