Tin liên quan
Lãi suất huy động tăng mạnh
Theo tìm hiểu của ANTT.VN, lãi suất huy động của một loạt ngân hàng đã bật tăng trong nhiều ngày qua. Cụ thể, kỳ hạn tiền gửi 1 tháng ở VP Bank vừa được điều chỉnh tăng từ 4,9% lên 5,2%, kỳ hạn 12 và 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,9%/năm, ngoài ra còn cộng thêm 0,1%/năm so với gửi tại quầy đối với các khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên. Các khoản tiền gửi online còn được VPBank cộng thêm 0,2% lãi suất so với biểu lãi suất gửi tại quầy. Mức lãi suất online cao nhất hiện là 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng và các khoản tiền trên 5 tỷ.
Trong khi đó, Sacombank cũng tăng lãi suất huy động đối với tiền gửi kỳ hạn 2 tháng từ 4,9% lên 5%; kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng tăng từ 5,9% lên 6%/năm. Riêng sản phẩm tiết kiệm Tích tài, ngân hàng tăng lãi suất 6 tháng và 9 tháng từ 5,2 - 5,3% lên 5,5%/năm. Các kỳ hạn dài từ 15 tháng trở lên được ngân hàng áp dụng lãi suất 7%/năm. Đối với kỳ hạn 13 tháng, Sacombank áp dụng lãi suất lên đến 7,55%/năm nhưng với điều kiện các món tiền phải là gửi mới từ 500 tỷ đồng trở lên. Nếu sổ tiết kiệm tái tục có số dư nhỏ hơn 500 tỷ đồng thì ngân hàng áp dụng lãi suất kỳ hạn 12 tháng nhận lãi cuối kỳ ở mức 6,8%/năm.
Các ngân hàng khác như Eximbank, Techcombank, PVCombank cũng đều có động thái tương tự, với biên độ từ 0,1 – 0,4% tùy từng đơn vị. Việc tăng lãi suất huy động vào đợt cuối năm là diễn biến có tính chu kỳ, khi mà các ngân hàng phải giữ khách trong bối cảnh nhu cầu rút tiền mặt của người dân tăng cao, mặt khác nhằm thu hút thêm khách hàng mới khi nguồn lương, thưởng, kiều hối dịp cuối năm rất dồi dào. Tuy nhiên, ẩn sau đó có thể còn những nguyên nhân sâu xa, phần nào phản ánh bản chất nền kinh tế.
Lãi suất tăng mạnh phản ánh điều gì?
Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, mặt bằng lãi suất ở các kỳ hạn trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 11 tăng tới 1-1,6% so với tháng 10. Cùng với việc tăng cường huy động tiền gửi từ người dân cho thấy các ngân hàng đang rất khát vốn ở thời điểm hiện tại. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, cuối các kỳ tài chính, nhất là thời điểm cuối năm, các ngân hàng thường đẩy mạnh huy động để tạo đầu ra cho tín dụng. Tín dụng tăng cao sẽ đẩy tỉ lệ nợ xấu giảm xuống nhằm làm đẹp các bản báo cáo tài chính cũng như phù hợp với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
“Dấu hỏi nợ xấu chưa bao giờ bớt nóng đối với hệ thống tín dụng Việt Nam trong những năm qua. Các ngân hàng thường tìm mọi cách để hạ thấp tỉ lệ nợ xấu, ít nhất là trên sổ sách, qua đó có thể giữ hình ảnh với khách hàng, giảm trích lập dự phòng, đồng thời tránh những hình thức xử lý từ NHNN”, vị chuyên gia cho hay. Giả thiết này đúng với một số ngân hàng tăng lãi suất huy động vừa qua. Tỉ lệ nợ xấu tính tới cuối quý III của VPBank là 3,1% so với 2,7% đầu năm. Sacombank là 2,4% so với 1,85%, Eximbank (3,4%; 1,86%); Techcombank (1,81%; 1,67%).
Có một điểm đáng chú ý là lãi suất huy động ở các kỳ ngắn hạn chỉ tăng từ 0,1-0,2%, trong khi dài hạn tăng lên tới 0,3-0,6%, phản ánh nhu cầu vốn trung và dài hạn của ngân hàng vẫn đang rất cao. Còn nhớ thời điểm cuối tháng 2, lãi huy động cũng đồng loạt tăng mạnh, và diễn biễn tương tự như đợt vừa qua (dài hạn tăng từ 0,5-0,8%, ngắn hạn ở mức 0,2-0,3%).
Ở Việt Nam, tâm lý người dân có xu hướng gửi tiền trong ngắn hạn, nhằm mong chờ mức lãi suất cao hơn trong tương lai (đồng thời lo sợ lạm phát). Trong khi đó, các khoản tín dụng dài hạn áp dụng cho vay mua nhà, mua xe, phát triển bất động sản...thường có kỳ hạn rất lâu, từ 5-10 năm, thậm chí 20 năm. Nên áp lực vốn trung và dài hạn của các nhà băng là rất lớn. Sức ép trên càng lớn hơn khi Thông tư 06 của NHNN hồi giữa năm đã đặt ra lộ trình rõ ràng cho việc giảm tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, từ mức 60% cuối năm 2016 về 40% đầu năm 2018.
Trong lúc này, câu hỏi đặt ra là ai được lợi khi lãi suất tăng mạnh? Theo Ủy ban GSTCQG, lạm phát trong năm nay nhiều khả năng sẽ lên tới 5%, điều này có nghĩa rằng mức lãi suất huy động xấp xỉ 5% áp dụng đối với các kỳ hạn ngắn hiện nay không có nhiều ý nghĩa đối với người gửi tiền, một vài điểm phần trăm tăng lên thì người gửi cũng không được lợi hơn nhiều.
Trong khi đó, việc tăng lãi suất huy động, nhất là trong dài hạn có thể giúp ngân hàng “lợi đơn, lợi kép”. Bởi chắc chắn là lãi cho vay sẽ tăng theo. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của ngân hàng có thể tăng không nhiều do lãi suất huy động ngắn hạn chỉ nhích nhẹ, còn lãi suất trung và dài hạn tăng cao song lại chỉ thường được áp dụng với khách hàng có lượng tiền gửi lớn, trong khi thói quen gửi tiền trong ngắn hạn của người dân Việt khó lòng thay đổi trong nay mai.
Ngoài ra, với việc phần lớn các hợp đồng tín dụng bất động sản, mua nhà, mua xe...hiện nay đều áp dụng chính sách lãi suất thả nổi, tức là bằng lãi suất huy động tại thời điểm điều chỉnh (mỗi 3-6 tháng) cộng với một biên độ cố định, thì lãi huy động càng tăng, lợi nhuận của ngân hàng đối với các khoản tín dụng đã ký càng lớn.
Nghi Điền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy