Dòng sự kiện:
Lãi suất ngân hàng: Đà tăng khó cản
04/04/2022 14:39:39
Lãi suất huy động tăng dẫn đến lãi suất cho vay tăng được nhận định là điều tất yếu trong bối cảnh áp lực lạm phát, nợ xấu gia tăng…

Đà tăng khó cản

Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, một số ngân hàng lớn đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động 0,1 - 0,2%/năm trên thị trường 1, đặc biệt là kỳ hạn dài. Không ít ngân hàng quy mô vừa và nhỏ cũng tăng lãi suất huy động, ở mức cao hơn. Việc này phản ánh, chi phí vốn dài hạn sẽ tăng.

Được biết, ngày 22/3/2022, Bac A Bank đã tăng 0,1%/năm đối với lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng, lên 6,7%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 6,6%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 6,1%/năm. Lãi suất huy động cao nhất của Bac A Bank là 6,8%/năm dành cho khách hàng cá nhân gửi tiền kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.

OCB điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,2%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, lên tương ứng 5,4%/năm và 5,6%/năm. Ngân hàng cũng tăng thêm lãi suất 0,2%/năm đối với sản phẩm tích lũy điện tử. Theo đó, lãi suất huy động cao nhất là 6,75%/năm dành cho khách hàng gửi online trên ứng dụng OCB OMNI, kỳ hạn 36 tháng.

Xét toàn thị trường, lãi suất huy động cao nhất đang là 7,6%/năm tại SCB, tiếp theo là 7,1%/năm tại Techcombank, 7%/năm tại MSB, LienVietPostBank là 6,99%/năm, MB là 6,9%/năm, HDBank là 6,85%/năm.

Sự phục hồi của tín dụng trong giai đoạn đầu năm 2022 phản ánh nhu cầu tín dụng tăng dần của doanh nghiệp sau khi bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, trong khi các ngân hàng nỗ lực hỗ trợ bơm vốn giá rẻ thông qua các chương trình cho vay ưu đãi.

Lợi nhuận trên cơ sở biên lợi nhuận giữa lãi suất huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng không cao nếu nhìn vào nợ xấu của toàn ngành.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến ngày 21/3/2022 đạt 4,03% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều mức tăng cùng thời điểm năm 2021 là 1,47%. Với mức tăng 4,03%, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 10,82 triệu tỷ đồng.

Như vậy, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế xấp xỉ 420.000 tỷ đồng trong gần 3 tháng đầu năm 2022. Theo Tổng cục Thống kê, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,49%), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 2,15% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 0,54%). Tính đến ngày 21/3, tổng phương tiện thanh toán đạt 13,73 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng thêm hơn 300.000 tỷ đồng sau gần 3 tháng.

Trong tuần từ 21 - 25/3/2022, Ngân hàng Nhà nước đã bơm 715 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm, trong khi đó có 1.019 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tổng lượng tín phiếu đang lưu hành ghi nhận ở mức 1.440 nghìn tỷ đồng. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm nhẹ vào đầu tuần, nhưng tăng dần về cuối tuần và kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,28%/năm (tăng 0,02%/năm so với 1 tuần trước), kỳ hạn 1 tuần ở mức 2,44%/năm (không thay đổi).

Nhìn chung, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng trong quý I/2022 dưới áp lực thanh khoản trong hệ thống bị thiếu hụt trước Tết Nguyên đán. Hiện tại, thanh khoản tương đối ổn định, chỉ thiếu hụt cục bộ ở một số ngân hàng nhỏ, nhưng lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao trong bối cảnh tín dụng có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.

“Lãi suất liên ngân hàng đang thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021”, giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần nhận xét.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dữ liệu mới nhất về số liệu tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2), huy động và tín dụng trong hệ thống ngân hàng. Cụ thể, cập nhật đến cuối tháng 1/2022, M2 đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021 và tăng 12,7% so với cùng kỳ. Quy mô huy động vốn tăng 0,32% so với cuối năm 2021, trong đó, quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 1,21% do yếu tố mùa vụ (Tết Nguyên đán).

Đáng chú ý, tiền gửi của dân cư ghi nhận tăng 1,95%, cao hơn mức tăng trung bình 1,25% tháng 1 hàng năm trong giai đoạn trước dịch, từ năm 2015 đến 2020. Mặc dù số liệu huy động vốn cần phải quan sát thêm, tuy nhiên, mức tăng trưởng tiền gửi từ khu vực dân cư trong tháng 1/2022 cho thấy, dòng vốn có thể đang quay trở lại hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh lãi suất huy động tăng 0,25 - 0,5%/năm so với cuối năm 2021.

Nợ xấu trùm lên lợi nhuận

Ông Lưu Trung Thái chia sẻ, trước kỳ vọng về lạm phát trong 9 tháng tới, Ngân hàng sẽ phải giải quyết bài toán lãi suất ngắn hạn và trung hạn. Đặc biệt, kịch bản lạm phát phải tính toán đến mục tiêu giữ lãi suất cho vay đi ngang so với năm ngoái, giữ biên lãi ròng (NIM) ở mức cân đối giữa huy động và cho vay trong bối cảnh chịu sức ép lãi suất đầu vào, nhất là lãi suất trung hạn sẽ tăng.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhìn nhận, co kéo giữa lãi suất huy động đang trong đà tăng và làm sao để lãi suất cho vay giữ được như năm ngoái là bài toán khó giải.

“Thực tế, lợi nhuận trên cơ sở biên lợi nhuận giữa lãi suất huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng không cao nếu nhìn vào nợ xấu của toàn ngành”, vị tổng giám đốc nói.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (tăng 0,21% so với cuối năm 2020), nếu tính thêm nợ bán cho VAMC thì con số này là 3,9%. Tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) là 7,31% vào cuối năm 2021, tăng mạnh so với mức 5,1% cuối năm 2020 và tương đương con số cuối năm 2017 (7,4%) - là năm mà Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng là điều đã được dự báo trước, khi sự bùng phát của đại dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ tư với biến chủng Delta trong năm 2021 đã gây ra tổn thất nặng nề đối với các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của người dân.

Báo cáo tài chính năm 2021 được các ngân hàng công bố cho thấy, nợ xấu tại một số nhà băng tăng mạnh như VPBank (tăng 60% so với 2020), VietinBank (tăng 49%), VIB (tăng 58%), HDB (tăng 43%). Bình quân số dư nợ xấu của 28 ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch và Agribank tăng 17,3% so với năm 2020.

Trong khi đó, vị tổng giám đốc trên cho biết, hệ thống ngân hàng đã cắt giảm không ít lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, với các Thông tư 01, 03 và 14 nhằm thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lũy kế từ cuối tháng 1/2020 đến hết năm 2021 có khoảng 616.000 tỷ đồng nợ được cơ cấu lại; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2,26 triệu khách hàng với tổng dự nợ hơn 3,9 triệu tỷ đồng.

Số tiền ngành ngân hàng đã hỗ trợ nền kinh tế năm 2020 khoảng 30.600 tỷ đồng. Năm 2021, con số này ước tính là 52.900 tỷ đồng (chưa bao gồm trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 01, 03 và 14). Năm 2022, theo Thông tư 14, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục giảm lãi suất, phí, cơ cấu lại nợ… với tổng mức hỗ trợ khoảng 20.000 - 25.000 tỷ đồng. Ngược lại, Thông tư 01, 03 và 14 giúp hệ thống ngân hàng ghi nhận từ từ các khoản nợ xấu, tăng thời gian chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để có thể xử lý mà không gây ra cú sốc nợ xấu cho toàn ngành.

Được biết, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/12/2021 của 16 ngân hàng là 21.244 tỷ đồng, đạt 105,13% so với cam kết. Trong đó, số tiền lãi giảm của VPBank là 605 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 214.312 tỷ đồng cho 274.518 khách hàng. Tại SHB, số tiền lãi giảm cho khách hàng là 389 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 144.697 tỷ đồng cho 41.670 khách hàng. Tại HDBank, tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng là 302 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 53.350 tỷ đồng cho 18.835 khách hàng.

Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng tại TPBank là 246 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 49.121 tỷ đồng cho 32.697 khách hàng. Tại MSB, tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng là 185 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 55.080 tỷ đồng cho 4.233 khách hàng. Đối với LienVietPostBank, tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng là 158 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 50.289 tỷ đồng cho 12.236 khách hàng…

“MB hỗ trợ lãi suất do Covid-19 năm 2021 gần 700 tỷ đồng. Ngân hàng cam kết với Ngân hàng Nhà nước con số cao hơn, nên phần còn lại sẽ tính toán để triển khai hỗ trợ tiếp trong năm 2022”, ông Lưu Trung Thái nói.

Lãi suất điều hành: Nước lên, thuyền cũng phải lên?

“Thông tư 14 hay các Thông tư 01, 03 chỉ trì hoãn việc ghi nhận phân nhóm nợ và nợ xấu trong 3 năm (2021 - 2023), mà không phải là trực tiếp giải quyết nợ xấu cho các tổ chức tín dụng”, ông Lực nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này nhận định, bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới cùng với môi trường pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu trong năm 2022 không hoàn toàn thuận lợi cho vấn đề giải quyết nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (Thông tư 14 sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 30/6/2022, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 15/8/2022). Tuy hoạt động kinh tế tiếp tục phục hồi song dịch Covid-19 kéo dài khiến doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, dẫn tới nợ xấu có xu hướng gia tăng.

“Vấn đề nợ xấu có thể trở thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022, khi mà tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 - 2020. Do có độ trễ, nợ xấu nội bảng được dự báo tăng lên mức 2,3 - 2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022 và có thể ở mức cao hơn khi từ năm 2024, quy định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực (theo Thông tư 14), nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan”, ông Lực cảnh báo.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, Việt Nam sẽ tăng lãi suất sớm hơn kỳ vọng, với những áp lực toàn cầu cũng như trong nước. Theo đó, lãi suất điều hành dự kiến tăng vào cuối năm 2022. Mặc dù lạm phát tại Việt Nam hiện ghi nhận mức tăng nhẹ, nhưng áp lực lạm phát dự kiến gia tăng trong thời gian tới dưới các tác động: thứ nhất, diễn biến tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng; thứ hai, thặng dư thương mại thấp; thứ ba, các gói hỗ trợ kinh tế sắp được triển khai.

Trong diễn biến có liên quan, ngày 18/3/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định số 422/QĐ-NHNN ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của kế hoạch là điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ. Điều hành tín dụng đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất - kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán.

“Các chương trình phục hồi kinh tế được thực hiện sẽ khiến áp lực lạm phát tăng mạnh và tăng lãi suất là điều không thể tránh khỏi”, vị giám đốc nguồn vốn trên nói.

Tác giả: Nhuệ Mẫn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến