Lãi suất rẻ đang dần thẩm thấu vào nền kinh tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bước vào quý cuối cùng của năm, theo quy luật thông thường lãi suất huy động sẽ có xu hướng tăng dần nhằm hút nguồn vốn nhàn rỗi về ngân hàng phục vụ nhu cầu cho vay người dân và doanh nghiệp. Nhưng năm nay lại khác, lãi suất huy động tại phần lớn các ngân hàng đều neo ở mức thấp, một số vẫn đang tiếp tục điều chỉnh giảm, thậm chí còn thấp hơn trước đại dịch.
Vì vậy, lãi suất cho vay cũng đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm từ 1%-3% so với năm trước. Các chuyên gia hy vọng, với mức lãi suất hấp dẫn như hiện nay, dòng vốn sẽ được thẩm thấu vào các doanh nghiệp để nền kinh tế tiếp tục phục hồi.
Lãi suất giảm nhanh
Tính đến ngày 21/9, tín dụng tăng 5,91%, đến hết tháng 9 ước tăng khoảng 6,1%-6,2% so với cuối năm 2022, tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 12,63 triệu tỷ đồng.
Các chuyên gia đánh giá dù con số này so với cùng kỳ năm ngoái vẫn chậm hơn nhưng cũng đã tăng theo từng tháng từ đầu năm đến nay.
Ông Lý Hiệp ở ấp 8, xã Hoà An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết hiện tại đang vay vốn tại Vietinbank Hậu Giang dư nợ 9 tỷ đồng với lãi suất rất ưu đãi chỉ 5,5%/năm kỳ hạn 6 tháng. So với thời điểm cuối năm 2022, lãi suất cho vay đã giảm 2,5%-3%/năm.
Trang trại nuôi cá của gia đình ông Hiệp có diện tích hơn 40.000 m2 gồm 8 ao nuôi cá thát lát và cá sặc rằn mỗi năm thu về 300-500 tấn. Trung bình mỗi ngày ông phải chi trả khoảng 110-120 triệu đồng tiền thức ăn. Dòng tiền từ ngân hàng rót đều đặn với lãi suất hợp lý 10 năm nay giúp ông Hiệp giảm bớt gánh nặng tài chính để duy trì chuỗi sản xuất.
"Trong giai đoạn hiện nay, được vay vốn với lãi suất 5,5%/năm là may mắn đối với người nông dân như chúng tôi. Có được sự may mắn hỗ trợ từ phía ngân hàng tôi cố gắng làm sao sử dụng đồng vốn hiệu quả, phát triển," ông Lý Hiệp bày tỏ.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật, khách hàng của Vietcombank Cần Thơ 17 năm cho biết việc tiếp cận vốn của Công ty từ khi thành lập đến nay không hề khó khăn. Doanh nghiệp quy mô doanh thu trên dưới 1.000 tỷ đồng này hiện có dư nợ vay 170 tỷ đồng, lãi suất ban đầu là 6,5%/năm, nhưng từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã 3 lần thông báo giảm lãi vay, với mức giảm mỗi lần 0,5%/năm. Ngoài Vietcombank, ông Hoàng Minh Nhật cũng được nhiều ngân hàng khác mời gọi vay vốn với lãi suất hợp lý.
Tuy nhiên dù lãi suất đã giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn mong muốn lãi suất được giảm thêm, đặc biệt ở những khoản đầu tư cho máy móc.
Ông Trần Phước Hưng, Giám đốc Công ty lương thực Phước Hưng (Cần Thơ) cho biết công ty có khoản vay 45 tỷ đồng để thu mua sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Đầu năm nay, lãi suất cho vay là 9,5%/năm, rồi xuống 8%/năm và từ ngày 8/9 mới hạ xuống còn 6,5%/năm. Nhưng đây là lãi suất vay áp cho vốn lưu động có thời gian vay ngắn, chỉ 5 tháng.
Sản xuất gạo tại doanh nghiệp Phước Hưng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Với khoản vay đầu tư có thời hạn dài hơi, lãi suất vẫn ở mức rất cao. Ông Hưng cho biết nhìn thấy cơ hội ở thị trường xuất khẩu lúa gạo trong những năm tới và cần vay ngân hàng thêm 130 tỷ đồng vốn trung, dài hạn để đầu tư máy móc, hệ thống công nghệ sấy và xay xát lúa gạo cho dây chuyền sản xuất có quy mô 6ha. Nhưng khoản vay này ngân hàng chào đến 9%-9,5%/năm.
"Tôi mong mỏi lãi suất cho vay khoảng 7%/năm chứ với mức lãi mà ngân hàng đang chào, doanh nghiệp không dám vay để mở rộng sản xuất kinh doanh hay tính chuyện làm ăn bài bản, lâu dài," ông Hưng bày tỏ.
Tín hiệu tích cực về tăng trưởng tín dụng cuối năm
Chia sẻ tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tính đến 26/9 đạt 7%, cao hơn bình quân toàn hệ thống, tuy nhiên trên một số địa bàn như Bắc Ninh dư nợ chỉ tăng 1,7%.
Bà Giao cho hay BIDV đã tập trung giảm lãi suất cho vay, thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn theo Thông tư 02 và hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn. Tính lũy kế đến hết tháng 8 BIDV cho hay đã có 580.000 tỷ đồng dư nợ được giảm lãi suất và mức lợi nhuận mà ngân hàng đã giảm để hỗ trợ khách hàng là 3.258 tỷ đồng.
Tương tự, ông Phan Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Techcombank cũng cho hay đến cuối tháng Tám ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng gần 11% và sẽ cố gắng đạt chỉ tiêu tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước cấp từ giờ đến cuối năm.
Ông Sơn nhận định lãi suất không phải là vấn đề cốt yếu khiến tăng trưởng tín dụng thấp mà là do rủi ro từ môi trường kinh doanh và những yếu tố khác ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết sách đầu tư. Từ đầu năm Techcombank đã 4 đợt giảm lãi suất cả cho khách hàng mới và cũ, tổng dư nợ áp dụng là 21.000 tỷ đồng.
Phó Tổng Techcombank kỳ vọng sự song hành của chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá sẽ hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng trong những tháng cuối năm, từ đó tác động tích cực lên nhu cầu tín dụng.
Techcombank sẽ cố gắng đạt chỉ tiêu tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước cấp từ giờ đến cuối năm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các chuyên gia dự báo dự báo từ nay đến cuối năm mặt bằng lãi suất sẽ giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm. Lãi suất huy động sẽ giảm chậm hơn lãi suất cho vay vì lãi suất này đã giảm mạnh liên tục trong thời gian qua và hiện gần đến tận cùng.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết một xu thế đang diễn ra trên thị trường tài chính và sẽ tiếp diễn đến cuối năm đó là lãi suất huy động tiếp tục giảm.
“Nhờ một loạt chính sách hỗ trợ kinh tế đã được ban hành, tăng trưởng tín dụng đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn khá chậm do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp. Tuy vậy, lãi suất cho vay khó giảm sâu tương ứng với lãi suất huy động vì còn phải đảm bảo cho sự an toàn của toàn hệ thống,” ông Hiếu nhấn mạnh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá mặc dù tín dụng mới tăng 5,91% tuy nhiên với tín hiệu phục hồi của sản xuất, kinh doanh và tín dụng thường tăng cao những tháng cuối năm, chỉ số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Cùng với đó, một số gói tín dụng ưu đãi đang được triển khai tích cực như gói tín dụng thủy sản 15.000 tỷ đồng, triển khai từ giữa tháng 7 đến nay đạt khoảng 5.500 tỷ đồng; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã có 40 dự án được công bố, tổng nhu cầu vay khoảng 16.000 tỷ đồng và các ngân hàng giải ngân khoảng gần 90 tỷ đồng.
"Nếu trong kỳ họp tháng Mười này, Quốc hội phê chuẩn Luật kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, cho phép doanh nghiệp được mua nhà ở cho công nhân thì khả năng nhu cầu vay vốn từ gói này sẽ tăng lên," Thống đốc kỳ vọng./.
Tác giả: Thúy Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy