Dòng sự kiện:
Lãi suất rẻ, đầu tư vào đâu để sinh lời hiệu quả
22/07/2023 08:03:08
Lãi suất huy động đang rơi về vùng đáy, thị trường chứng khoán phục hồi, bất động sản bắt đầu khởi sắc ở một số phân khúc… khiến dòng tiền bắt đầu chảy từ ngân hàng sang các kênh đầu tư.

Việc tìm kiếm kênh rót vốn có thể mang lại lợi nhuận cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng đang là câu chuyện khiến không ít nhà đầu tư đau đầu. Ảnh: Đức thanh. Đồ họa: Thanh Huyền

Băn khoăn tìm kênh đổ vốn

Bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất sau phiên họp chính sách diễn ra ngày 25 và 26/7, mặt bằng lãi suất trong nước tiếp tục hạ nhiệt. Ngày 19/7, lãi suất liên ngân hàng chỉ còn 0,39% ở kỳ hạn qua đêm, thấp ngang thời điểm bắt đầu đại dịch Covid-19. Mặc dù tiền gửi vào ngân hàng của dân cư vẫn tăng cao, song dự kiến cuối năm nay, khi các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm bắt đầu đáo hạn, dòng tiền tái tục vào ngân hàng sẽ giảm và có xu hướng tìm đến các kênh đầu tư hấp dẫn hơn.

Theo ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia kinh tế, nếu năm 2022, tiết kiệm là kênh đầu tư hấp dẫn và hiệu quả nhất, thì nửa đầu năm nay, chứng khoán là kênh đầu tư sáng giá nhất trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, thị trường vàng, ngoại hối đứng yên, bất động sản chưa phục hồi.

Thực tế, thị trường chứng khoán hồi phục khá rõ ràng nửa đầu năm nay, một phần nhờ lãi suất rẻ, dòng tiền quay lại thị trường. Lượng tài khoản cá nhân mở mới tăng thêm hơn 105.000 tài khoản trong tháng 5/2023 và 146.000 tài khoản trong tháng 6/2023, cho thấy sự trở lại của dòng tiền. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nửa cuối năm nay, nếu mặt bằng lãi suất giảm, GDP phục hồi, thị trường chứng khoán sẽ đi lên dù mức độ không mạnh. Sang năm 2024, nếu kinh tế vĩ mô “ngấm” các chính sách hỗ trợ, thì chứng khoán sẽ bật tăng mạnh.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, rủi ro với thị trường chứng khoán đã giảm đáng kể nhờ lãi suất giảm và dòng tiền tham gia thị trường nhiều hơn. Dù vậy, chuyên gia này cảnh báo nhà đầu tư thận trọng với “con gió ngược” bởi một số công ty niêm yết sẽ phải đối mặt với kết quả kinh doanh kém khả quan quý II/2023. 

Về trung hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là hấp dẫn nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ thực hiện sớm hơn nhiều quốc gia khác, cộng thêm nhiều giải pháp hỗ trợ tài khóa (giảm thuế phí, thúc đẩy giải ngân đầu tư công…). Riêng với thị trường bất động sản, tình hình sẽ khó sôi động trở lại năm nay hoặc đầu năm tới, dù đã qua giai đoạn khó khăn nhất.

“Trong 6 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, thị trường bất động sản dự kiến vẫn còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro lớn, các dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý, chủ đầu tư chưa hoàn thiện xây dựng, bàn giao sản phẩm theo đúng kế hoạch, niềm tin của người mua nhà suy giảm”, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB nhận định. 

Điểm sáng của thị trường bất động sản là một số phân khúc đã phục hồi nhẹ sau một thời gian dài đóng băng. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng, chưa thể kỳ vọng thị trường bất động sản sớm rã băng khi tiền chảy vào thị trường này còn nhỏ giọt. Song với nhà đầu tư đang có sẵn tiền mặt nhàn rỗi, đây là thời điểm thích hợp để “xuống tiền” do nhiều bất động sản đã chiết khấu khá lớn.

Với bất động sản, nhà đầu tư có thể phải chấp nhận giá chưa thể tăng mạnh thời gian tới, dù thanh khoản thị trường cải thiện hơn. Hơn nữa, bất động sản không phải là lựa chọn với đa số nhà đầu tư vì đòi hỏi vốn lớn. Với nhà đầu tư có vốn nhỏ, đầu tư một phần vào chứng khoán là lựa chọn hợp lý thời điểm này.

 

Mạo hiểm xuống tiền hay nhờ chuyên gia tư vấn?

Mặc dù thị trường đang có nhiều cơ hội sinh lời hấp dẫn, song đầu tư vào đâu để đồng tiền sinh lời một cách hiệu quả đang là câu chuyện làm đau đầu các nhà đầu tư.

Ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) cho rằng, trong quá trình đầu tư, mọi hoạt động đầu tư đều hàm chứa rủi ro. Việc phân bổ theo các lớp tài sản sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro, có lợi nhuận đều đặn và ổn định theo thời gian. Để có kế hoạch phân bổ vốn hiệu quả, đầu tiên, nhà đầu tư cần phải hiểu rất rõ khẩu vị rủi ro của chính mình, từ đó lựa chọn phân bổ các kênh đầu tư.

Về các kênh đầu tư từ nay đến cuối năm 2023, ông Phan Lê Thành Long cho rằng, với vàng, nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ như một tài sản bảo vệ, song tỷ trọng nắm giữ tối đa chỉ 10%. Lãi suất tiết kiệm từ nay đến cuối năm tiếp tục giảm, sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán phục hồi, song về dài hạn nhà đầu tư cần lưu ý về tình hình sản xuất - kinh doanh thực sự của các doanh nghiệp.

Riêng thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng, song với môi trường lãi suất thấp, các bất động sản có dòng tiền ổn định, có mức giá chiết khấu tốt có thể mang lại hiệu suất đầu tư cao. Mỗi nhà đầu tư có thể tùy theo vốn, mục tiêu và khẩu vị rủi ro của mình để phân bổ đầu tư phù hợp.

Thay vì mạo hiểm đầu tư theo “hệ tâm linh” hoặc theo các hội nhóm, nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng tìm đến các cố vấn tài chính để giảm bớt rủi ro và mang lại hiệu quả sinh lời cao nhất. Điều này thúc đẩy ngành quản lý tài sản Việt Nam tăng trưởng mạnh.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, thực tế, các nhà đầu tư tìm đến AFA Capital là những người có công việc, sự nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, không có nhiều thời gian để tìm hiểu sâu về các kênh đầu tư. Nhu cầu quản lý tài sản, tư vấn đầu tư tài chính không chỉ ở các khách hàng sở hữu tiền tỷ, mà còn đến từ các khách hàng sở hữu tài sản 700 - 800 triệu đồng.

Được biết, tổng tài sản quản lý (AUM) của riêng các quỹ đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn 2017 - 2022 tăng trưởng bình quân 25%/năm, đạt 23,25 tỷ USD vào cuối năm 2022, tương ứng 2,44% GDP. Dư địa tăng trưởng ngành này còn rất lớn, vì sản phẩm của thị trường quản lý tài sản Việt Nam hiện còn ít, đối tượng tham gia còn nhỏ bé.

Báo cáo từ Allied Market Research dự đoán, thị trường quản lý tài sản tại Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 31,6% trong giai đoạn 2021 - 2030, nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh sự phát triển về số lượng các công ty quản lý quỹ lớn như Vina Capital, Dragon Capital..., các công ty chứng khoán như TCBS, VCBS, SSIAM, HSC, VNDirect... đã và đang đẩy mạnh dịch vụ quản lý tài sản, phát triển mô hình tư vấn, cung cấp các giải pháp đầu tư đa dạng, được cá nhân hóa cho từng khách hàng. Đi cùng với nhu cầu đầu tư tài chính lớn dần của người dân, ngành quản lý tài sản ở Việt Nam ngày càng mở rộng và còn nhiều dư địa phát triển.

Trong tương lai, dịch vụ quản lý tài sản tiếp tục phát triển mạnh với các sản phẩm đa dạng hơn. Với lớp khách hàng trung lưu và khách hàng VIP, quản lý gia sản sẽ trở thành một lựa chọn vì có thể cung cấp cho nhà đầu tư một kế hoạch tài chính an toàn, bền vững, theo sát và điều chỉnh trước các biến động của thị trường.

Theo quan điểm của các chuyên gia tài chính, với nhà đầu tư, tiếp cận dịch vụ quản lý gia sản càng sớm càng tốt vì sẽ giúp mỗi người nâng cao khả năng quản lý tài chính cá nhân của mình. Các bạn trẻ chưa có vốn đầu tư vẫn có thể tiếp cận ngành quản lý gia sản bằng cách trang bị kiến thức để có phương pháp gây dựng tài sản cho mình sớm nhất có thể, như cách tạo nên tài sản vô hình hay cách tích lũy tài sản đầu tư chỉ từ vốn 2-3 triệu đồng/tháng.

“Còn với nhà đầu tư sở hữu tài sản lớn, tiếp cận quản lý gia sản càng cần thiết vì sẽ giúp họ hoạch định kế hoạch lâu dài mà không mất nhiều chi phí so với cơ hội nhận về”, ông Phan Lê Thành Long đưa ra lời khuyên.

Tác giả: Hà Tâm

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến