Nhen nhóm làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm trở lại
Ngân hàng TMCP Dầu khí Việt Nam (GPBank) vừa ban hành biểu lãi suất tiết kiệm mới tăng đáng kể tại nhiều kỳ hạn.
Theo đó, GPBank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ kỳ hạn 6-36 tháng với mức tăng trung bình 0,2-0,3%. Các kỳ hạn còn lại, ngân hàng này giữ nguyên lãi suất.
Biểu lãi suất tiết kiệm online tại GPBank cho thấy lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1-3 tháng giữ nguyên lần lượt ở mức 2,5%/năm và 3,02%/năm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng tăng thêm 0,2 điểm %, tương ứng với mức 4,35%/năm; 4,6%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,3 %, lên 5,15%/năm. Ngân hàng này điều chỉnh tăng 0,3% lên 5,25%/năm tại kỳ hạn 18-36 tháng.
Lãi suất tiết kiệm đang tăng trở lại sau 1 năm giảm liên tục.
Ngân hàng ACB cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn. Nhà băng này tăng 0,2% lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-3 tháng đối với tất cả các mức tiền gửi.
Riêng tháng 4 có tới 14 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Các ngân hàng tăng lãi suất trong thời gian này bao gồm: HDBank, MSB, PVComBank, CBBank, Eximbank, NCB, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, TPBank. Đây cũng là lần đầu tiên sau một năm, số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tăng mạnh.
Theo thống kê, mức lãi suất tiết kiệm thông thường hiện cao nhất trên thị trường dao động hơn 6%/năm, tại kỳ hạn 24-36 tháng. Đơn cử như OceanBank đang trả lãi suất ở kỳ hạn 24 tháng là 6%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất xoay quanh ngưỡng 5%/năm. Cụ thể, ngân hàng OceanBank giữ lãi suất tiết kiệm 12 tháng ở mức 5,4%/năm, tiếp đến VietBank là 5,2%/năm, Nam A Bank là 5,1%/năm,…
Ở kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất tiết kiệm tại các nhà băng cao nhất chưa tới 5%/năm. Một số ngân hàng trả lãi suất cao tại kỳ hạn này là Kienlong Bank (4,7%/năm), OCB (4,6%/năm), HDBank (4,5%/năm),…
Lãi suất tiết kiệm các ngân hàng tăng trở lại trong bối cảnh tiền gửi của người dân rút dần ra khỏi hệ thống ngân hàng. Cụ thể, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 1 năm nay là hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm hơn 165.000 tỷ so với cuối năm 2023, tương đương giảm 2,41%. Trước đó, tiền gửi của nhóm khách hàng này đã tăng đột biến hơn 457 nghìn tỷ đồng trong tháng 12/2023 lên mức kỷ lục hơn 6,84 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi của dân cư cũng giảm hơn 34.600 tỷ đồng trong tháng 1 xuống mức gần 6,5 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là tháng đầu tiên tiền gửi dân cư quay đầu sụt giảm, sau khi đã liên tục tăng trưởng dương 25 tháng liên tiếp trước đó.
Tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 1 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Lãi suất tiết kiệm còn tăng từ nay đến cuối năm?
Theo chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Trí Hiếu, có hai nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm tăng trong những ngày gần đây. Thứ nhất, khách hàng đang không hài lòng với các mức lãi suất tiết kiệm như thời gian trước. Khi mà lãi suất tiếp tục giảm trong khi đó những kênh đầu tư như vàng đang trở nên hấp dẫn hơn. Và để giữ chân khách hàng, các ngân hàng buộc phải nâng lãi suất.
Thứ hai, tại một số ngân hàng, có thể hoạt động tín dụng được khơi thông trở lại.
Ông Hiếu cho biết thêm, trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng rất thấp, thậm chí âm trong tháng đầu. Cuối tháng 4 và sang đến đầu tháng 5, có thể ngân hàng nhận thấy đầu ra của tín dụng đã trở nên khả quan hơn, vì vậy các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Với việc cho vay nhiều hơn này, họ phải huy động vốn nhiều hơn để cho vay.
Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng UOB Việt Nam, các chuyên gia dự đoán, lãi suất tiết kiệm sẽ có thể tăng lại 0,5%-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm.
Tại cuộc họp báo quý I của Ngân hàng Nhà nước mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023.
Hiện, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm so với cuối năm 2023. Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31/3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Ông Tú khẳng định: “Không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024”.
Tác giả: Ngọc Mai
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy