Dòng sự kiện:
Lãi suất tiết kiệm tăng: Tình thế ngắn hạn hay xu thế tất yếu?
28/08/2018 12:33:22
Dù lãi suất huy động tăng nhưng hầu hết các chuyên gia đều cho rằng không có áp lực tăng lãi suất cho vay ở thời điểm cuối năm.

Những ngày qua, nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, trong đó có tổ chức tín dụng được cho là đã áp mức 8,5%/năm.

Đâu là những nguyên nhân dẫn đến động thái này? Lãi suất tiết kiệm tăng chỉ là tình thế ngắn hạn hay xu thế tất yếu? Lãi suất cho vay có đứng trước áp lực điều chỉnh ở những tháng cuối năm?...

Dưới đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế, tài chính xoay quanh những vấn đề trên.

Lãi suất tiết kiệm tăng do yếu tố mùa vụ

(TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV)

Lý do khiến một số ngân hàng đã và đang đẩy nhanh nguồn huy động vốn trung hạn là do trong 7 tháng qua, tín dụng đã tăng trưởng nhanh hơn so với huy động vốn, khoảng 8%, trong đó huy động vốn tăng khoảng 6%. Điều này cho thấy, các ngân hàng đang cần đẩy mạnh huy động vốn để có thể theo kịp tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Lý do thứ 2, các ngân hàng cần chuẩn bị cho nguồn vốn vào các tháng cuối năm, bởi đây là thời điểm nhu cầu tín dụng, nhu cầu sử dụng vốn tăng cao.

Lý do thứ 3 là để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 06, từ ngày 1/1/2019, các ngân hàng được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, vì vậy cần phải chuẩn bị trước nguồn vốn trung và dài hạn nhiều hơn.

Hiện chưa có áp lực tăng lãi suất cho vay, bởi thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá tốt. Nhưng muốn giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Bởi với quyết tâm của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục ổn định.

Lãi suất trên thế giới đang tăng mạnh. Ngân hàng Trung ương các nước, ngân hàng Mỹ cũng đang tăng lãi suất. Cùng với đó, áp lực lạm phát năm nay vẫn còn khá lớn, nhu cầu huy động vốn tương đối cao; việc xử lý nợ xấu hiện nay đã diễn biến tốt hơn nhưng cũng cần có thời gian để xử lý tiếp...

Để đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng, các nhà băng vẫn tranh thủ đẩy mạnh hoạt động tín dụng, nhất là khi thị trường bất động sản ấm dần lên. Vì thế, việc cạnh tranh huy động, trong đó có cộng thêm biên độ lãi suất tiền gửi là khó tránh… Tuy nhiên, việc lãi suất tiết kiệm tăng có tính chất mùa vụ, không phải lâu dài.

Thời điểm này lãi suất cho vay được duy trì ổn định

(TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng)

Lãi suất tăng chủ yếu ở kỳ hạn trung và dài hạn, vì còn mấy tháng nữa tỷ lệ dùng vốn cho vay trung và dài hạn rút từ 45% xuống 40% nên để tuân thủ quy định đó các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất nhưng chủ yếu ở kỳ hạn dài. Kỳ hạn ngắn tình trạng tăng lãi suất huy động đơn lẻ của một số ngân hàng cần vốn.

Bên cạnh đó, hiện tượng room tín dụng tại một số ngân hàng đã hết mà Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận cho nới room tín dụng, nhu cầu về vốn giảm đi nên kỳ hạn ngắn hạn một phần do room tín dụng sử dụng hết rồi nên không có nhu cầu tăng lãi suất cho kỳ hạn ngắn.

Tôi không nghĩ lãi suất cho vay tăng, tại thời điểm này lãi suất cho vay được duy trì ổn định. Tuy nhiên, không ngoại trừ lãi suất cho vay tăng thời gian tới vì vấn đề huy động vốn, tăng lãi suất kỳ hạn dài và nhiều món cho vay là trung và dài hạn.

Vấn đề tăng lãi suất có nhiều nguyên do và có thể không phải động thái tức thì mà từ nay đến cuối năm còn tiếp diễn ở kỳ hạn trung và dài hạn.

Ngoài ra còn phụ thuộc vào vấn đề tỷ giá, hiện có nhiều áp lực đẩy tỷ giá lên, với tỷ giá tăng như thế này có thể áp lực lên mặt bằng lãi suất, đặc biệt lãi suất phải duy trì ở mức tương đối cao để hạn chế áp lực lên tỷ giá. Tỷ giá thời gian tới FED có thể tăng lãi suất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng tạo áp lực, phải duy trì chênh lệch lãi suất tiền USD và VND, nếu tỷ giá tăng người ta có thể rút tiền đồng và mua vào USD.

Không có áp lực tăng lãi suất trong giai đoạn cuối năm

(Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông - OCB)

Tôi không nhìn thấy mức lãi suất 8,5 - 8,6% như báo chí đề cập ở đâu cả. Về góc độ của tôi thì thực sự tôi cũng hơi ngạc nhiên. Ví dụ đề cập Techcombank nâng lãi suất lên 8,5%. Nhưng tôi thấy biểu lãi suất của ngân hàng này với kỳ hạn dưới 12 tháng thì áp mức 6,5%. Kỳ hạn 18 tháng khoảng 6,6 - 6,8%. Mà nay đọc báo thấy 8,5%, tôi cho là không cao đến mức đó.

Thực tế hiện nay các ngân hàng đang hoạt động ổn định thì thanh khoản rất là tốt mà thậm chí dư thanh khoản rất nhiều. NHNN cũng mới ra Chỉ thị 04 liên quan đến việc kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng để phục vụ cho việc kiểm soát lạm phát, tỷ giá cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng tín dụng hệ thống. Có nghĩa là đầu ra tín dụng bị hạn chế, cộng với việc mức huy động của các ngân hàng trong thời gian qua tốt nên tôi cho rằng các ngân hàng dư thanh khoản.

Dĩ nhiên ở các ngân hàng công tác huy động luôn luôn quan trọng, phải phát triển mở rộng khách hàng cũng như tăng trưởng huy động để đảm bảo mục tiêu hoạt động dài hạn cho ngân hàng. Thế nhưng tăng lãi suất đột biến để huy động trong giai đoạn này thì chúng tôi không có quan điểm đó. Và tôi nghĩ nhiều ngân hàng cũng như vậy. Do đó tôi thấy đề cập tăng lãi suất cao thì thấy hơi ngạc nhiên.

Có thể nhu cầu tín dụng trên thị trường tăng do tính chất mùa vụ vào cuối năm nhưng những năm gần đây tính mùa vụ không cao nữa. Bởi hoạt động kinh doanh ngân hàng hiện nhắm vào hai đối tượng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Mà cá nhân nói chung dàn trải đều trong năm chứ không tập trung vào cuối năm như mọi khi nữa.

Thứ 2 với chỉ đạo của NHNN trong kiểm soát tăng trưởng tín dụng thì các ngân hàng không thể tăng tự nhiên được. Thế nên theo quan điểm của tôi thì không có sự tăng đột biến về nhu cầu tín dụng cuối năm.

Về lãi suất thì tiền đồng của mình đang bị áp lực đối với tỷ giá. Nhưng trong giai đoạn vừa rồi NHNN kiểm soát rất tốt tình hình và hiện đang ở giai đoạn ổn định. Tuy nhiên do lức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) định hướng nâng cho nên là lãi suất tiền đồng cũng sẽ phải giữ mức độ nhất định, ít nhất là cao hơn lãi suất của FED. Trên thị trường liên ngân hàng thì lãi suất tăng nhưng ở mức hợp lý. Nhưng tôi nghĩ không có áp lực tăng lãi suất trong giai đoạn cuối năm.

Nâng lãi suất lặp lại như là chu kỳ

(Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng)

Thật ra từ đầu năm tới giờ theo báo cáo của NHNN cho thấy dư nợ của các tổ chức tín dụng tăng cao. Thậm chí một số tổ chức room dư nợ đã gần tới trần rồi. Việc cho vay tăng trưởng nhiều vậy nên để đảm bảo thêm thanh khoản thì họ phải thu hút huy động. Càng về cuối năm thì nhu cầu về cho vay càng tăng cao nữa do đó các ngân hàng buộc tăng huy động để đảm bảo thanh khoản.

Lý do thứ hai là về vĩ mô thì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới tỷ giá. Khuynh hướng của một bộ phận người dân là giá USD mà có xu hướng tăng thì có khuynh hướng rút tiền Việt để mua USD tích trữ.

Ngoài ảnh hưởng bởi tỷ giá như trên thì càng về cuối năm các doanh nghiệp càng có nhu cầu mua USD để thanh toán. Năm nào cũng vậy cuối năm USD có xu hướng tăng thì người dân rút tiền mua USD.

Tôi cho rằng việc nâng lãi suất gần như nó lặp lại như là chu kỳ. Nhu cầu đảm bảo thanh khoản cao thì ngân hàng tăng lãi suất huy động. Tới lúc nào đó nhu cầu không cao nữa thì lãi suất lại giảm. Do đó từ nay tới cuối năm nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho dịp cuối năm, các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng cho cuối năm thì nhu cầu vay vẫn còn, các doanh nghiệp làm việc với nước ngoài phải chuẩn bị USD để thanh toán… làm cho tỷ giá USD có thể thay đổi. Người dân khi thấy tỷ giá rục rịch lại rút tiền VND đi mua USD.

Thêm nữa, thời gian vừa rồi thị trường bất động sản, đặc biệt là đất nền có ấm lên dù giờ đã bình lặng nhưng người ta vẫn có nhu cầu mua bất động sản. Về phía ngân hàng cho vay bất động sản cũng nhiều. Khi cho vay thì tiếp tục cần thanh khoản thì cần tăng huy động.

Về lãi suất cho vay, để thu hút huy động với lãi suất cao thì lãi suất cho vay cũng có mức độ gia tăng nào đó.

Xu hướng nâng lãi suất huy động là tất yếu

(Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Chứng khoán Maybank KimEng VN)

Động thái tăng lãi suất đã bắt đầu "nhẹ nhàng" từ đầu năm nhưng có lúc tăng giảm xen kẽ nhưng hiện nay tốc độ và mức độ đều tăng nhanh hơn. Điều này được lý giải bởi nhiều lý do như việc các NHTW trên thế giới đang tăng lãi suất rất nhanh, đồng USD tăng giá mạnh đẩy nhiều đồng tiền khác giảm giá, việc thắt chặt tiền tệ đang là xu hướng trên thế giới, VND đang mất giá với USD…

Các NHTM phải tăng lãi suất để thu hút vốn và để người gửi thấy được lợi ích so với việc mất giá của VND, cạnh tranh trong ngành với nhau.

Tôi cho rằng xu hướng nâng lãi suất huy động là tất yếu do nhiều nước trên thế giới tăng lãi suất, USD tăng quá mạnh làm áp lực lên nhiều đồng tiền khác. Việt Nam khó mà đứng ngoài xu hướng này nhất là VND cũng mất giá khá nhanh với USD khiến dòng tiền vào ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

Theo đó xu hướng này nhiều khả năng còn tiếp tục, tùy thuộc vào kinh tế vĩ mô trong nước và độ ổn định của kinh tế quốc tế mà mức độ này mạnh hay ít. Nhưng rõ ràng tác động của điều này là tiêu cực cho kinh tế quốc tế và Việt Nam. Thị trường chứng khoán của nhiều nước đi xuống, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nhiều hơn và tác động tiêu cực đến tăng trưởng chung.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến