Dòng sự kiện:
Lạm dụng chủ trương xây dựng NƠXH để hưởng lợi là hành vi đã xảy ra trong thực tiễn!
04/07/2019 09:51:01
Bộ Xây dựng cho biết, chưa có số liệu cụ thể về hành vi chủ đầu tư lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để hưởng lợi, tuy nhiên, có thể khẳng định đây là hành vi đã xảy ra trong thực tiễn.

Tại phiên chất vấn ngày 6/6/2019 trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Tất Thắng (Đoàn Vĩnh Long) đã đặt ra một số câu hỏi liên quan đến chủ trương phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Phạm Tất Thắng hỏi: “Luật Nhà ở 2014 đã luật hóa một chủ trương rất nhân văn là xây dựng nhà ở xã hội. Nghị định phát triển và quản lý nhà ở xã hội quy định các dự án khu đô thị mới từ 10ha trở lên phải dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy có trường hợp lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để một số đơn vị đứng lên làm chủ đầu tư hưởng lợi không đúng quy định; đối tượng được mua nhà ở xã hội thực tế sử dụng với số lượng ít.

Với thực trạng này thì trách nhiệm của Bộ đến đâu? Quan điểm, giải pháp của Bộ trưởng để tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới”.

Ảnh minh họa.

Bộ Xây dựng trả lời như sau: Trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, chương trình phát triển nhà ở xã hội trong những năm qua đã đạt được một số kết quả quan trọng: Theo báo cáo của các địa phương, đến thời điểm tháng 5/2019 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành được 204 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 85.000 căn, với tổng diện tích hơn 4.250.000m2. Đang tiếp tục triển khai 220 dự án, quy mô xây dựng khoảng 179.000 căn, với tổng diện tích khoảng 8.950.000m2.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá, kết quả phát triển nhà ở xã hội nêu trên vẫn còn hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 33,9% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (đến năm 2020 phải đạt 12,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội).

Cụ thể, công tác quản lý phát triển nhà ở xã hội tại một số địa phương còn có một số hạn chế, trong đó có một số trường hợp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, sử dụng nhà ở xã hội sai mục đích, vi phạm quy định của pháp luật... như đại biểu Thắng phản ánh.

"Hiện nay, Bộ Xây dựng chưa có số liệu cụ thể về hành vi của các chủ đầu tư lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để hưởng lợi không đúng quy định như Đại biểu phản ánh. Tuy nhiên có thể khẳng định đây là hành vi đã xảy ra trong thực tiễn", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết.

Nguyên nhân chủ yếu là do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng, dẫn đến tình trạng thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp. Lợi dụng việc mất cân đối cung - cầu lớn trong phân khúc nhà ở này, một số đối tượng đã có các hành vi lạm dụng chính sách trong quá trình phát triển nhà ở xã hội để trục lợi.

Đồng thời, các cơ quan quản lý, thanh tra chưa làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, dẫn đến tình trạng lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để hưởng lợi không đúng quy định, một số đối tượng được mua nhà ở xã hội nhưng thực tế sử dụng không đúng mục đích; công tác xử lý các hành vi vi phạm chưa hiệu quả, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Đại diện Bộ Xây dựng thừa nhận, các tồn tại, bất cập trong công tác phát triển, quản lý nhà ở xã hội có trách nhiệm của Bộ, cụ thể là: Chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền để chấn chỉnh đối với các trường hợp lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để trục lợi, cũng như các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không đúng quy định; Chưa kịp thời đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và báo cáo cơ quan quản lý theo quy định.

 

Qua đó, Bộ đã nêu ra một số giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương phát triển nhà ở xã hội như: Các bộ, ngành và địa phương cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội cho phù hợp tình hình thực tế trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê; công khai, minh bạch các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Đồng thời tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, bố trí vốn từ nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại và bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Đặc biệt, tập trung triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; bố trí đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trái quy định pháp luật.

Theo Reatimes

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến