Làm gì để tiền gửi trong ngân hàng không 'bốc hơi'
27/09/2016 15:05:23
Gửi tiền trực tiếp tại quầy, tuyệt đối không ký sẵn chứng từ, kiểm tra số dư định kỳ hay thận trọng khi giao dịch trực tuyến... là những giải pháp giúp tránh nguy cơ mất toàn bộ tiền gửi trong ngân hàng.

Tin liên quan

Nhiều trường hợp tiền gửi của khách tại ngân hàng "không cánh mà bay" được ghi nhận thời gian gần đây với nhiều hình thức khác nhau, trong đó gây xôn xao nhất là vụ mất 32 tỷ trong sổ tiết kiệm. Dưới đây là những chia sẻ của Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Khoa quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM liên quan đến vấn đề này.

Liên quan đến gửi tiền tại ngân hàng, sẽ có hai loại đối tượng là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Với khách hàng cá nhân thực hiện gửi tiết kiệm theo hình thức tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn (được cấp sổ tiết kiệm) hoặc tiền gửi thanh toán (được cấp số tài khoản thanh toán).

Trong khi đó, khách hàng doanh nghiệp được thực hiện gửi tiền gửi có kỳ hạn (được cấp hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn) hoặc gửi tiền vào tài khoản thanh toán (có nhận hợp đồng mở tài khoản).

Với các hình thức gửi tiền trên, khách hàng cần lưu ý các vấn đề sau nhằm đảm bảo an toàn cho tiền gửi của mình tại ngân hàng và hạn chế tối đa các trường hợp "bỗng dưng tiền bốc hơi".

Khách hàng không nên gấp gáp mà bỏ qua quy trình dễ dẫn đến rủi ro mất tiền trong ngân hàng.

Trước hết là phải gửi tiền trực tiếp tại quầy.

Theo quy chế về tiền gửi, các ngân hàng đều quy định rất rõ là khách hàng phải gửi tiền trực tiếp tại ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, đặc biệt với khách hàng VIP, họ thường nhờ các nhân viên quan hệ khách hàng hay nhân viên quen biết để hỗ trợ mở tài khoản tiền gửi mà không phải đến ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định.

Hoặc khi là khách hàng VIP thường họ không cần phải mở tài khoản và nộp tiền tại quầy giao dịch mà hay được vào phòng VIP hoặc phòng giám đốc để thực hiện các thủ tục cho giao dịch gửi hoặc rút tiền gửi, cũng như ký các giấy tờ có liên quan. Việc này là vô cùng nguy hiểm, vì trong nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng không nộp tiền vào tài khoản của khách hàng hoặc không đưa đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng ký hoặc sau khi ký xong giấy tờ giao dịch thì nhân viên ngân hàng vẫn có thể tráo hồ sơ giả. Hơn nữa, khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng rất tốt khi có sự cố xảy ra sau này.

Tuyệt đối không nên ký sẵn chứng từ

Khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, trong bất cứ trường hợp nào thì khách hàng cũng không được ký vào các tờ giấy trắng, như trường hợp khách báo mất 32 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng BIDV vừa qua. Tại vì, tất cả các mẫu giấy tờ giao dịch về gửi và rút hay chuyển tiền của ngân hàng đều có nội dung rõ ràng và nhân viên nhà băng phải tuân thủ theo đúng quy trình của ngân hàng để giao dịch với khách.

Hơn nữa, với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên ngân hàng vẫn có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau và thậm chí tin nhắn rút tiền cũng không được gửi đến số điện thoại mà khách hàng đã đăng ký, vì có thể đã có sự thông đồng tại các bộ phận khác nhau.

Phải kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kỳ
 
Việc kiểm tra nên thực hiện hàng tuần, hoặc hàng tháng, nhằm trong trường hợp nếu bị mất tiền thì khách hàng có thể nhanh chóng báo ngay với ngân hàng và cơ quan chức năng để có biện pháp khẩn cấp phối hợp giải quyết. Nếu không chú ý việc này, khách hàng khó có thể thu hồi được số tiền của mình.

Vì lúc đó, các cơ quan chức năng và ngân hàng phải tốn nhiều thời gian trong việc điều tra, truy tố, xét xử, kể cả thi hành án cũng rất nhiêu khê, đặc biệt là khi người lấy cắp tiền không còn tiền để trả lại cho khách hàng. Việc kiểm tra số dư này có thể được thực hiện nhanh chóng qua tài khoản Internet Banking hoặc Mobile Banking đã được đăng ký với ngân hàng.

Bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận

Bên cạnh mẫu chữ ký và giấy tờ tuỳ thân thì sổ tiết kiệm là giấy tờ quan trọng chứng minh số tiền khách hàng đã gửi vào ngân hàng. Do đó, người gửi phải cất giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, khi mất phải thông báo ngay cho ngân hàng. Trong vòng 24 tiếng sau khi thông báo bằng điện thoại, khách hàng phải trực tiếp đến ngân hàng để làm giấy báo mất sổ tiết kiệm. Nếu không thông báo kịp thời, lại bị kẻ gian giả mạo chữ ký và các loại giấy tờ tuỳ thân thì khách hàng có thể sẽ chịu thiệt hại về số tiền gửi của mình.

Ngoài ra, khách hàng không được cho bất kỳ ai mượn sổ tiết kiệm của mình, vì trong nhiều trường hợp họ có thể giả chữ ký, giấy chứng minh nhân dân và cấu kết với nhân viên ngân hàng để rút tiền từ tài khoản của khách hàng. Song song đó, người gửi tiền cũng không nên cho các nhân viên ngân hàng “nợ” sổ tiết kiệm sau khi đã mở tài khoản và gửi tiền vào. Vì khi đó, nhân viên ngân hàng có thể đã không gửi tiền vào tài khoản của khách mà đã gửi tiền vào tài khoản của họ hoặc người thân của họ như trường hợp nhân viên của Eximbank tại Nghệ An rút 50 tỷ đồng từ tài khoản của khách hàng mới đây.

Kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi

Khách hàng có thể gặp rủi ro khi nhân viên ngân hàng vô tình nhập nhầm số tiền bạn gửi hoặc cố ý chiếm đoạt tiền nếu khách hàng không phát hiện ra do không kiểm tra sổ tiết kiệm hoặc là sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đó không có đầy đủ thông tin.

Khi nhận sổ tiết kiệm, bạn cần kiểm tra các thông tin về: tên ngân hàng, loại tiền, số tiền; kỳ hạn gửi tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn; lãi suất; phương thức trả lãi; họ tên và địa chỉ của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm, của đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm; số CMND hoặc hộ chiếu; số thẻ, con dấu, chữ ký của Trưởng đơn vị (hoặc người được ủy quyền);…

Cố gắng duy trì một chữ ký cố định

Dù không đến nỗi bị vô hiệu hóa sổ tiết kiệm nhưng việc thay đổi chữ ký liên tục lại là sai lầm rất phổ biến và gây phiền toái nhiều nhất cho không ít khách hàng. Hãy nhớ khi giao dịch với ngân hàng, từng nét chữ, bút tích bạn để lại đều có giá trị. Do đó, bạn không nên thấy làm quá phiền lòng khi bị nhân viên ngân hàng yêu cầu ký đi ký lại chữ ký nhiều lần để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro.

Do vậy, việc duy trì một chữ ký trong suốt quá trình giao dịch với ngân hàng là điều cần thiết nhằm giúp khách hàng thuận tiện và nhanh chóng khi gửi hay rút, chuyển tiền từ tài khoản của mình.

Cẩn trọng khi giao dịch trực tuyến

Khách hàng không nên vào các trang web lạ và có tính bảo mật kém trên máy tính hoặc điện thoại. Ngoài ra, bạn nên thường xuyên có chương trình quét virus của các hãng phần mềm uy tín và luôn cập nhật phiên bản mới; luôn tiếp nhận kịp thời các thông báo của ngân hàng nơi mở tài khoản về các cảnh báo rủi ro trong giao dịch trực tuyến… Điển hình như trường hợp vừa xảy ra tại Ngân hàng Vietcombank vừa qua là một bài học cần ghi nhớ đối với tất cả các khách hàng khi có tài khoản và giao dịch trực tuyến.

Theo Vnexpress

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến