Theo ông Nguyễn Xuân Định, Phó trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), mặt bằng giá trong nước 6 tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng do áp lực từ biến động tăng cao của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, nhất là mặt hàng năng lượng và vật tư chiến lược. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12.2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
CPI tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, LPG tăng theo giá thế giới, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI 2,44% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, giá các mặt hàng thực phẩm giảm trong đó có thịt lợn; giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu… cũng góp phần kìm giữ lạm phát ở mức không đáng lo ngại.
“Về cơ bản, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào đã góp phần quan trọng trong kiểm soát mặt bằng giá thời gian qua. Đặc biệt, Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân”, ông Nguyễn Xuân Định nói.
Dự báo CPI năm 2022 từ 3,3 - 4%
Dự báo về mức lạm phát cho 6 tháng cuối năm năm 2022, PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, thị trường giá cả ở Việt Nam có nhiều nhân tố làm tăng chỉ số tiêu dùng. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là giá nhiều loại nguyên liệu, nhiên vật liệu, đặc biệt là giá xăng dầu, khí đốt, phân bón trên thị trường thế giới còn đứng ở mức cao và có khả năng tăng thêm. Điều này sẽ dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá của hầu hết các hàng hóa trên thị trường.
Ngoài ra, tình hình thiên tai, dịch bệnh ở nước ta vẫn còn những diễn biến phức tạp, trong đó dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng hay bão lũ cực đoan… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
“CPI của Việt Nam bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3% - 3,9%”, PGS.TS Nguyễn Bá Minh dự báo
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, với mức lạm phát hiện nay, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn.
Theo TS Nguyễn Đức Độ, trong trường hợp lạm phát trung bình cả năm nay vượt mức 4%, thì lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là trong giai đoạn còn lại của năm 2022 CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Tuy nhiên, xác suất xảy ra kịch bản này không cao, bởi bất chấp giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng.
“Hiện nay, giá xăng dầu và giá nhiều nguyên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và Fed tăng lãi suất mạnh với tần suất cao. Bởi vậy, kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới và tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ ở mức thấp hơn 0,5%/tháng”, TS Nguyễn Đức Độ phân tích và dự báo theo kịch bản này, lạm phát trung bình trong năm nay sẽ trong tầm kiểm soát, ở mức dưới 3,5%.
Còn theo TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), chỉ số CPI hiện nay khá thấp (2,44%) nhưng có lẽ chưa phản ánh đúng bởi thực tế là giá nhiều mặt hàng hóa tăng khá mạnh.
TS Lê Quốc Phương đưa ra 2 dự báo về kịch bản kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm. Theo đó, ở kịch bản 1, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dư địa kiềm chế lạm phát, nguồn cung hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm dồi dào, không gây biến động lớn về giá thì dự báo CPI 6 tháng cuối năm không tăng mạnh, CPI bình quân cả nước sẽ dưới 4%.
Ở kịch bản 2, nếu giá hàng hóa thế giới vẫn tăng, đặc biệt là giá xăng dầu và lương thực kéo giá thành sản phẩm trong nước tăng theo, kinh tế Việt Nam phục hồi kéo theo cầu nội địa tiếp tục tăng, cộng thêm việc tăng lương tối thiểu vùng, tín dụng tăng cao do nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đều tăng thì CPI 6 tháng cuối năm có thể tăng cao hơn 6 tháng đầu năm, khả năng CPI bình quân cả năm sẽ vượt 4%.
Để kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm, TS Lê Quốc Phương cho rằng, cần thực hiện biện pháp kiểm soát lạm phát linh hoạt, chủ động, ổn định giá để tháo gỡ khó khăn sản xuất và đời sống nhân dân; kết hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tránh gây tác động động hưởng lên lạm phát khi phải đồng thời thực hiện nới lỏng cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, không đồng thời tăng giá các mặt hàng trong bối cảnh hiện nay. Xem xét giảm thuế (bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng) đối với mặt hàng xăng dầu nhằm kìm giá mặt hàng này. Ngoài ra, cần chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng đột biến”, TS Lê Quốc Phương kiến nghị./.
Tác giả: Cẩm Tú
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy