Tin liên quan
Nỗi lo lạm phát trở lại
Trong sáu tháng đầu năm nay, CPI của Việt Nam tăng trở lại khá rõ nét với mức tăng theo tháng dao động từ 0,22-0,57%. Tổng mức tăng của lạm phát trong hai quí là 2,54%, đưa chỉ số CPI so với cùng kỳ năm ngoái tính đến cuối tháng 6-2016 đạt mức 2,4% - tăng mạnh so với mức 0,6% vào thời điểm cuối năm ngoái.
Chỉ số lạm phát cơ bản (không tính nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm giao thông; nhóm giáo dục và y tế) tăng thấp hơn so với chỉ số lạm phát toàn phần, chỉ ở mức 1,88%.
Điều này được lý giải do nhóm hàng y tế có mức tăng đột biến (24%) trong tháng 3 sau quyết định điều chỉnh giá viện phí của Bộ Y tế. Ước tính chỉ riêng tác động từ quyết định này đã khiến chỉ số CPI toàn phần trong sáu tháng đầu năm tăng khoảng 0,86%. Điểm thuận lợi là giá nhóm hàng giao thông mặc dù bật tăng trở lại trong giai đoạn từ tháng 4-6 nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì vẫn đang giảm 10%. Điều này đã giúp kiềm chế đáng kể đà tăng của chỉ số lạm phát toàn phần so với cùng kỳ năm trước.
Với đà tăng được khởi động ngay trong hai quí đầu năm, diễn biến lạm phát trong các tháng còn lại của năm nay được dự báo sẽ khó lường và chịu sức ép bật tăng mạnh trở lại so với năm 2015. Rủi ro có thể đến từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, giá dịch vụ y tế dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng lần hai với mức tăng cũng rất lớn. Ví dụ: giá dịch vụ khám bệnh từ ngày 1-3-2016 được tính ở mức 7.000-200.000 đồng nhưng sẽ tăng lên từ 29.000-200.000 đồng (gồm chi phí trực tiếp và tiền lương); giá dịch vụ ngày giường bệnh từ ngày 1-3-2016 được tính ở mức 31.000-354.000 đồng nhưng sẽ tăng lên từ 108.000-677.000 đồng (gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp thường trực và tiền lương) trong lần điều chỉnh kế tiếp. Theo công văn mới nhất của Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được chia ra theo từng đợt vào tháng 8, tháng 10, tháng 11 và tháng 12 tới với sự điều chỉnh lần lượt tại các tỉnh thành, nhằm tránh gây áp lực cục bộ lên lạm phát tại cùng một thời điểm. Quyết định trên mặc dù có thể không gây ảnh hưởng tới lạm phát cơ bản nhưng sẽ có tác động khá lớn tới chỉ số lạm phát toàn phần, cho dù mức tăng sẽ được dàn trải đều trong các tháng diễn ra sự điều chỉnh.
Thứ hai, đối với dịch vụ giáo dục, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ, thời gian qua, một số tỉnh đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm hàng giáo dục trong sáu tháng đầu năm tăng 4,61% so cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,22%. Tháng 9 tới, học kỳ đầu tiên của năm học 2016-2017 bắt đầu, lộ trình tăng học phí sẽ được tiếp tục tiến hành nên dự kiến cũng gây tác động nhất định tới CPI trong nửa cuối năm nay.
Thứ ba, giá xăng dầu thế giới hiện đang có xu hướng tăng trở lại, đẩy giá xăng trong nước tăng theo. So với thời điểm cuối năm 2015, giá xăng RON 92 hiện vẫn thấp hơn khoảng 600 đồng/lít nhưng khoảng cách này dự kiến sẽ ngày càng thu hẹp trong thời gian tới nếu giá dầu thế giới vượt qua được vùng cản 50-52 đô la Mỹ/thùng. Khi đó, giá nhóm hàng giao thông chắc chắn sẽ tiếp tục tăng và không còn tác dụng hỗ trợ giảm CPI như trong cả năm 2015.
Thứ tư, độ trễ của chính sách tiền tệ có phần nới lỏng trong năm 2015, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao (17,3% trong khi mục tiêu ban đầu chỉ là 15%) và mặt bằng lãi suất duy trì ở mặt bằng thấp trong cả năm ngoái (6-9% cho các khoản vay ngắn hạn; 10-13% cho các khoản vay trung và dài hạn) sẽ có sự ảnh hưởng nhất định tới diễn biến CPI trong nửa cuối năm 2016.
Thách thức cho việc điều hành chính sách tiền tệ
Trước tình hình này, NHNN sẽ phải rất thận trọng trong việc điều tiết cung tiền cũng như hướng tín dụng tăng trưởng vào những lĩnh vực sản xuất thực thay vì những lĩnh vực mang tính đầu cơ, dễ tạo ra sự tăng giá “thái quá” như chứng khoán, bất động sản nhằm giảm rủi ro lạm phát. Khi kỳ vọng lạm phát quay trở lại, mặt bằng lãi suất sẽ có xu hướng dâng lên theo, dễ thấy nhất là lãi suất huy động. Mới đây, trên thị trường đã ghi nhận đợt tăng lãi suất mới của một số ngân hàng thương mại như VP Bank (tăng lãi suất thêm 0,3%/năm ở các kỳ hạn 5-12 tháng), VIB Bank (tăng lãi suất huy động kỳ hạn một tháng từ 4,75%/năm lên 4,9%/năm), Eximbank (áp dụng mức lãi suất huy động tăng thêm 0,1%/năm ở kỳ hạn bảy tháng và 15 tháng...).
Lý do khiến các ngân hàng thương mại tăng lãi suất ở khu vực dân cư và doanh nghiệp có thể xuất phát từ nhu cầu dự trữ thanh khoản, chuẩn bị nguồn vốn cho mục tiêu tăng tốc tín dụng thời điểm sáu tháng cuối năm, nhưng không thể phủ nhận sức ép từ việc chỉ số CPI liên tục tăng cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng tới quyết định trên.
Ngoài yếu tố lạm phát thì những bất định trên thị trường vàng và ngoại tệ cũng sẽ khiến nhà điều hành phải hết sức thận trọng trong việc nới lỏng cung tiền (nếu muốn). Cơn sốt vàng trong tuần vừa qua đã tạm thời lắng dịu nhưng không ai chắc nếu giới đầu tư quốc tế tiếp tục tìm đến kênh trú ẩn an toàn là vàng sau sự kiện Brexit, giá vàng trong nước sẽ không nhảy múa theo. Ảnh hưởng tiếp theo có thể sẽ là tỷ giá, nhất là trong bối cảnh các đồng tiền chủ chốt như đô la Mỹ, euro, yen, nhân dân tệ... được dự báo sẽ có diễn biến khó lường trong thời gian tới. Do vậy, nếu vẫn muốn ổn định giá trị tiền đồng, có lẽ NHNN không nên quá “mạo hiểm” với việc dùng chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho tăng trưởng GDP sáu tháng cuối năm.
Nên đọc
Theo TBKTSG
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy