Dòng sự kiện:
Nguy cơ lạm phát tăng cao
10/05/2016 12:32:58
ANTT.VN – Các chuyên gia cho rằng kinh tế thế giới hồi phục sẽ khiến giá hàng hóa trong nước tăng mạnh năm nay.

Tin liên quan

 

 

Các đại biểu tham dự hội thảo. 

Sáng nay (10/05), tại khách sạn Sheraton, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016 với chủ đề ‘Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng’.

Tại đây, cơ quan tổ chức – Viện nghiên cứu kinh tế, chính sách (VEPR) đã chỉ ra nguy cơ tăng trưởng không đạt mục tiêu và lạm phát tăng mạnh trong năm nay.

VEPR nhấn mạnh sau khi duy trì ở mức rất thấp (0,62% trong năm 2015), lạm phát đang có xu hướng tăng cao trở lại, với tốc độ 1,25% trong quý I.

Cơ quan này dự báo chỉ số lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở quanh mức 5% với áp lực lớn từ tổng cầu. Trong kịch bản thận trọng, lạm phát vào khoảng 4,2%.

Tuy nhiên, do mặt bằng giá trong năm nay có thể sẽ có những diễn biến phức tạp đến từ nhiều yếu tố ngoại sinh như thị trường thế giới và biến đổi khí hậu (gây xáo trộn trên thị trường lương thực), và nội sinh như khả năng kiểm soát cung tiền của NHNN và biến động của tổng cầu, không loại trừ việc lạm phát 2016 sẽ vượt qua mức mục tiêu 5% của Chính phủ.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nhận định: “Tốc độ lạm phát gắn chặt với tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 sẽ ở mức 6% cho kịch bản thấp, và dưới 6,5% ngay cả trong trường hợp có nhiều điều kiện thuận lợi hơn”.

Báo cáo của tiến sĩ Thành và các cộng sự cho thấy các mục tiêu kinh tế năm 2016 mà Quốc hội đã đặt ra cuối năm ngoái dường như đang mâu thuẫn nhau. Bởi với kịch bản tăng trưởng 6,38%, lạm phát đã vượt lên 5,17%, cao hơn mục tiêu 5%. Trong khi đó mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đặt ra trong năm nay là 6,7%.

Vị chuyên gia cũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay khó có thể đạt được:

“Chúng tôi nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2016 do Quốc hội đề ra nhiều khả năng không thể đạt được. Chỉ trong trường hợp có những nỗ lực cải cách đột phá của Chính phủ mới, mang lại hiệu ứng kích thích mạnh mẽ tâm lý người tiêu dùng và tạo niềm tin cho nhà đầu tư (cả trong khu vực tư nhân lẫn nước ngoài) thì tăng trưởng mới có thể đạt trên 6,5% và hướng tới mục tiêu của Quốc hội. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá trong năm 2016, khả năng này là thấp”.

2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2016 được VEPR đưa ra.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối Chính sách Giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cũng cho rằng xét theo các điều kiện vĩ mô trong nước cũng như thế giới, lạm phát trong nước năm nay sẽ tăng cao hơn nhiều so với năm ngoái, dự báo ở mức 3-4%, tuy nhiên lại có ý kiến trái ngược về yếu tố tác động tới lạm phát:

“Khác với báo cáo của VEPR, tôi không cho rằng lạm phát năm 2016 phụ thuộc lớn vào tổng cầu, bởi tổng cầu trong nước đã bắt đầu đi xuống từ giữa năm ngoái, thể hiện qua tỉ lệ lạm phát thấp và ổn định trong cả năm 2015, cho thấy nền kinh tế đang đạt được trạng thái cân bằng cung – cầu tương đối tốt”.

“Đặc thù của kinh tế Việt Nam là tốc độ lạm phát phụ thuộc rất lớn vào giá hàng hóa thế giới. Chẳng hạn năm 2011, lạm phát của chúng ta ở mức 18% khi mà giá hàng hóa nhập khẩu tăng tới 20%. Trong khi đó, lạm phát ở mức 0,62% trong năm ngoái chủ yếu bởi giá hàng hóa thế giới giảm mạnh, khiến giá nhập khẩu giảm 8,5%, qua đó tác động trực tiếp tới giá hàng hóa cũng như chi phí sản xuất trong nước. Theo nghiên cứu của chúng tôi, tốc độ thay đổi giá cả hàng nhập khẩu giải thích tới 90% tỉ lệ lạm phát trong nước”, vị chuyên gia nói.

Bình luận về ý kiến cho rằng chi phí dịch vụ y tế và giáo dục được điều chỉnh tăng đáng kể sẽ khiến lạm phát tăng mạnh trong năm nay, tiến sĩ Tú cho rằng chưa thể kết luận được như trên bởi chi phí dịch vụ y tế và giáo dục tăng lên sẽ khiến lạm phát tăng đột biến ở tháng đó, nhưng giảm giảm dần ở các tháng tiếp theo, khi mà người dân bắt đầu thay đổi hành vi tiêu dùng.

Vị tiến sĩ nhận định chính sách tỉ giá sẽ là một công cụ đắc lực của NHNN với mục tiêu lạm phát 5% trong năm nay.

“Bởi lạm phát trong nước phụ thuộc lớn vào giá hàng hóa nhập khẩu, để đạt được mục tiêu lạm phát, NHNN sẽ phải điều chỉnh linh hoạt chính sách tỉ giá, hấp thụ hiệu quả các cú ‘shock’ từ bên ngoài. Ví dụ, nếu giá hàng hóa thế giới giảm mạnh, thì tỉ giá nên điều chỉnh tăng, để mức độ giảm giá nhập khẩu ít đi. Ngược lại, nếu giá thế giới tăng, thì tỉ giá nên điều chỉnh giảm để mức tăng của giá nhập khẩu là ít hơn. Bằng cách này chúng ta sẽ ổn định được lạm phát ở trong nước, qua đó duy trì được mức lãi suất thực an toàn trong năm 2016”.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến