Dòng sự kiện:
Làm thế nào để có 65.000 tỷ đồng đầu tư 3 dự án cao tốc?
16/05/2022 09:05:33
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đòi hỏi tổng vốn đầu tư lớn với thời hạn xây dựng chỉ gần 3 năm.

Chính phủ và Bộ GTVT đang gấp rút hoàn thiện tờ trình 3 dự án cao tốc theo phương thức đầu tư công gồm Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 dự kiến khai mạc cuối tháng 5.

Trước khi chính thức trình Quốc hội, 3 dự án đã trải qua quá trình thẩm tra, cho ý kiến của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại các buổi làm việc này đã xuất hiện ý kiến băn khoăn về tính khả thi khi dự án ngốn gần 3 tỷ USD và hoàn thành chỉ sau 3 năm.

Dự toán đầy biến số

Tổng mức đầu tư của 3 dự án là 84.463 tỷ đồng (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột 21.935 tỷ đồng; đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu 17.837 tỷ đồng và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là 44.691 tỷ đồng). Riêng giai đoạn 2022-2025, số vốn cần bố trí là 67.576 tỷ đồng.

Theo tính toán của Bộ GTVT, nếu áp dụng cơ chế chỉ định thầu (tiết kiệm 5%), tổng nhu cầu vốn cho 3 dự án giai đoạn 2022-2025 sẽ giảm còn 65.269 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền mà Bộ GTVT và Chính phủ trình Quốc hội bố trí cho 3 dự án.

Tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (màu xanh dương) trong tổng thể quy hoạch giao thông miền Tây. Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.

Về câu hỏi huy động từ đâu nguồn tiền 65.269 tỷ đồng, Bộ GTVT đã nêu ra 5 nguồn vốn gồm: 33.447 tỷ đồng từ vốn trung hạn 2021-2025 phân bổ cho Bộ GTVT; 9.620 tỷ đồng từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 8.406 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cam kết cho dự án và 13.796 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021.

Vấn đề đặt ra là tính khả thi của phương án huy động vốn nêu trên. Tại cuộc họp cho ý kiến về 3 dự án cao tốc sắp trình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu một loạt câu hỏi.

Trước hết, người đứng đầu Quốc hội cho rằng việc giảm tổng mức đầu tư nhờ cơ chế chỉ định thầu là chuyện ở tương lai, chưa thể khẳng định ở hiện tại. Ông đề nghị ghi đầy đủ tổng mức đầu tư theo dự toán.

Các nguồn tiền từ vốn đầu tư công trung hạn phân bổ cho Bộ GTVT, nguồn vốn từ ngân sách địa phương, nguồn vốn từ tăng thu và tiết kiệm chi... cũng là con số chưa xác định, chưa chắc chắn, cần cam kết cụ thể hơn.

Riêng về nguồn vốn địa phương, đến nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cam kết bố trí khoảng 670 tỷ đồng; 6 tỉnh có văn bản cam kết bố trí khoảng 5.088 tỷ đồng (khoảng 50% GPMB); riêng tỉnh Đồng Nai chưa có văn bản cam kết, mới có văn bản xin ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân bố trí khoảng 1.200 tỷ đồng (thấp hơn so với mức tối thiểu 50% chi phí GPMB là 2.648 tỷ đồng).

Áp lực ngân sách khi từ bỏ phương thức BOT

Ban đầu, ba dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đều được nghiên cứu đầu tư theo phương thức BOT.

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, cả ba dự án được Bộ GTVT chuyển sang đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, sử dụng nguồn vốn từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và áp dụng cơ chế chỉ định thầu theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được kỳ vọng giải tỏa áp lực giao thông cho quốc lộ 51. Ảnh: Ngọc Tân.

Trao đổi với Zing, PGS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), cho biết trong 3 dự án cao tốc mà Chính phủ đang xin chủ trương đầu tư công từ Quốc hội, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm và hoàn toàn có thể đầu tư theo phương thức BOT, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.

"Vấn đề là phải giảm bớt khó khăn về mặt thủ tục để đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư, thậm chí sẵn sàng cơ chế chỉ định nhà đầu tư BOT cho dự án", ông Chủng chia sẻ.

Đối với tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, chủ tịch VARSI góp ý Bộ GTVT cần cân nhắc kỹ mục tiêu hoàn thành dự án trong 3 năm (2022-2025) có khả thi hay không. Đây là dự án đi qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với đặc thù nền đất yếu, suất đầu tư cao và nguyên vật liệu khan hiếm.

"Tôi khẳng định riêng xử lý nền đất yếu tại đó cũng phải mất ít nhất 12 tháng. Nói làm xong trong 3 năm là duy ý chí", ông Chủng khẳng định.

Cũng giống như việc đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025, 3 dự án cao tốc mới này được thiết kế làn đường rộng 17 m với 2 làn xe mỗi chiều, không có làn dừng khẩn cấp dọc tuyến. Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư sẽ thu phí để hoàn vốn dự án.

Bộ GTVT và Chính phủ sẽ phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để các phương án trên được khả thi. Cụ thể, hiện nay ở Việt Nam chưa có cơ sở để thu phí hoàn vốn các dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư. Bộ GTVT đang xây dựng đề án cho việc này.

Việc thiết kế đường cao tốc không có làn dừng khẩn cấp cũng không đúng với tiêu chuẩn quốc gia về đường cao tốc được ban hành năm 2012. Tổng cục Đường bộ đang phải xây dựng thêm tiêu chuẩn cơ sở để có căn cứ khoa học cho "cao tốc 17 m".

Nếu coi trục cao tốc Bắc - Nam là tuyến giao thông kết nối đất nước theo chiều dọc thì 3 dự án cao tốc này có điểm chung là kết nối các địa phương theo trục ngang.

Trong đó, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ với biển Vũng Tàu; tuyến Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột kết nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải; tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ tạo ra trục đường kết nối thủ phủ Tây Nam Bộ với cửa khẩu biên giới Campuchia và cảng biển Trần Đề.

Tác giả: Ngọc Tân

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến