Dòng sự kiện:
Trình Chính phủ phê duyệt dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú hơn 8.300 tỷ
10/05/2022 06:35:53
Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP có tổng mức đầu tư Dự án là 8.365 tỷ đồng.

Bộ GTVT vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức Đầu tư hợp tác công tư (PPP).

Theo đó, Dự án có điểm đầu tại Km 0+000, giao với Quốc lộ 1 (tại khoảng Km 1829+500), trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; và điểm cuối tại Km 60+100, giao cắt với Quốc lộ 20 (tại khoảng Km 69+400), thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc). Tuyến đường này đi qua các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và Tân Phú.

Quy mô của tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là cao tốc 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24,75m. Tuy nhiên, căn cứ nhu cầu vận tải, đánh giá hiện trạng hệ thống giao thông hiện hữu trong khu vực Dự án và khả năng cân đối nguồn lực, để bảo đảm hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 100km/h.

Qua tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư Dự án là 8.365 tỷ đồng, riêng chi phí xây dựng là 4.962 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là 1.287 tỷ đồng…

Về phương án huy động vốn, Bộ GTVT đề xuất vốn Nhà nước hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 1.300 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư huy động (nguồn vốn đầu tư BOT) là 7.065,651 tỷ đồng.

Theo phương án trình Chính phủ, thời gian thu phí hoàn vốn đối với cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dự kiến khoảng 20 năm 3 tháng.

Để hoàn vốn, nhà đầu tư được thu phí dịch vụ trong thời gian 20 năm 3 tháng với giá khởi điểm là 1.700 đồng/CPU/km và sẽ tăng lên đến 3.400 đồng/CPU/km vào năm 2042.

Nếu Dự án được phê duyệt sẽ thực hiện chuẩn bị đầu tư từ năm 2021 – 2022; lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2022 đến 2023; giải phóng mặt bằng, tái định cư từ năm 2022 đến 2023; thi công xây dựng công trình từ năm 2023 đến 2025.

Ngoài các cơ chế ưu đãi đầu tư, Dự án còn áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức PPP trong quá trình kinh doanh, khai thác công trình.

Mục tiêu của Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao, rút ngắn thời gian đi lại và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 20; đồng thời, góp phần phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung; phù hợp với quy hoạch phát triển đường cao tốc đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bên cạnh đó, đây còn là dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên kết các tỉnh Đông Nam Bộ với khu vực Tây Nguyên, nhất là Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến