Tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do người lao động đóng một phần và người thuê lao động đóng một phần.
Dự kiến, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra sẽ xem xét, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Một trong những thay đổi đáng chú ý của dự thảo luật là mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH - cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật) cho rằng, luật hiện hành còn bỏ sót một số nhóm lao động có nhu cầu, khả năng đóng BHXH bắt buộc, nhưng chưa được luật hoá, như người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.
Từ đó, cơ quan soạn thảo luật đề xuất bổ sung nhóm tham gia BHXH bắt buộc với người lao động làm việc không trọn thời gian (làm theo chế độ linh hoạt). Với điều kiện, những người này có thu nhập và tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.
Nếu Dự thảo Luật BHXH sửa đổi được thông qua, thời gian tới, lao động làm thêm theo giờ có thu nhập ổn định theo tháng sẽ tham gia đóng BHXH bắt buộc (Ảnh minh họa).
Cũng theo dự luật trên, mức lương tính đóng BHXH thấp nhất bằng 50% tiền lương tối thiểu vùng cao nhất (lương tối thiểu vùng 1). Hiện, lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng, theo quy định trên, người làm việc bán thời gian nhận lương từ 2,34 triệu đồng/tháng trở lên sẽ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Việc bổ sung lao động bán thời gian tham gia BHXH bắt buộc, theo Bộ LĐ-TB&XH, nhằm hướng tới nhóm lao động có thu nhập ổn định, có khả năng, nguyện vọng được tham gia BHXH với đầy đủ chế độ (thay vì đóng BHXH tự nguyện). Điều này cũng thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ BHXH bắt buộc, đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc của nhóm lao động làm việc bán thời gian cũng tương tự như các nhóm khác, tổng mức đóng bằng 25% tiền lương tháng. Với mức lương tính đóng bằng 50% tiền lương tối thiểu vùng 1, theo mức lương hiện hành, thì tổng tiền đóng này tương ứng bằng gần 600.000 đồng/người/tháng. Trong đó, quỹ hưu trí và tử tuất người lao động đóng bằng 8% tiền lương tháng, người sử dụng lao động đóng bằng 14%; đóng vào quỹ ốm đau thai sản bằng 3% do người sử dụng lao động đóng. Đổi lại, người lao động sẽ nhận được các chế độ trên khi gặp rủi ro trong công việc và cuộc sống.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, khi mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, sẽ giúp tăng thu và chi quỹ trong ngắn và trung hạn, nhưng trong dài hạn cần xem xét, đánh giá cụ thể hơn theo từng quỹ thành phần, đặc biệt là đối với quỹ hưu trí, tử tuất.
Mở rộng đóng BHXH bắt buộc sang nhóm lao động làm bán thời gian cũng đặc biệt tích cực với nữ giới, vì ngoài chế độ hưu trí, tử tuất, còn hưởng thêm chế độ ốm đau, thai sản.
Số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, hiện tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người lao động là 5,73 triệu đồng/tháng, bằng khoảng 75% thu nhập bình quân thực tế của người lao động làm công, hưởng lương. Theo lương tối thiểu vùng 1 hiện hành, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất là 2,34 triệu đồng/tháng (50% lương tối thiểu vùng 1), cao nhất là 37,44 triệu đồng/tháng (tối đa bằng 8 lần lương tối thiểu vùng 1). Với tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc bằng 25% tiền lương tính đóng, mức đóng thấp nhất gần 600 nghìn đồng/tháng, cao nhất bằng 9,54 triệu đồng/tháng. |
Tác giả: Lê Hữu Việt
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy