Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa có thông tin với giới đầu tư về những diễn biến kinh doanh thời gian qua và triển vọng cuối năm, cũng như sức khỏe tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp.
Giám đốc Tài chính (CFO) Vũ Đăng Linh cho biết trước bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều vấn đề bất ổn, MWG chủ trương thực hiện chiến lược thận trọng và phòng thủ trong cả thời điểm hiện tại và thời gian tới.
Thận trọng hơn
Chiến lược thận trọng bao gồm việc thu gọn Bách Hoá Xanh, ban lãnh đạo công ty đã tập trung kiểm soát kỹ hơn về hàng hoá tồn kho, cũng như tập trung nhiều cho kiểm soát chi phí hoạt động.
Tập đoàn còn có mối quan hệ rất tốt với hầu hết ngân hàng lớn ở Việt Nam và trên thế giới. Thậm chí, những ngân hàng thận trọng nhất đến từ Nhật Bản, tập đoàn có đặt quan hệ tín dụng tốt với cả ba ngân hàng lớn nhất đất nước này.
Lãnh đạo MWG chủ trương thận trọng trong điều hành và đầu tư thời gian tới. Ảnh: T.L.
"MWG không có bất cứ khó khăn nào về tài chính hay dòng tiền. Chúng tôi cảm thấy rất tự tin với dòng tiền lành mạnh của mình", CFO khẳng định dựa trên các mối quan hệ tốt với ngân hàng.
Tập đoàn này mới nhận được khoản đầu tư 250 triệu USD từ các tổ chức tài chính, ngân hàng thế giới với chi phí vay hợp lý. Thậm chí, các ngân hàng còn muốn cung cấp khoản vay đến 350 triệu USD nhưng MWG chỉ có nhu cầu vay 250 triệu USD.
Trong tuần vừa trước, doanh nghiệp bán lẻ còn tiến hành tất toán khoản vay trái phiếu từ 5 năm trước với giá trị 1.135 tỷ đồng. Ngày 21/1, tập đoàn cũng thanh toán xong khoản vay hợp vốn 120 triệu USD do HSBC thu xếp 2 năm trước.
MWG có tổng nợ vay khoảng 22.825 tỷ đồng với gần 6.000 tỷ là các khoản vay dài hạn tại cuối quý III. Cơ cấu nợ vay chủ yếu đến từ ngân hàng và vay nợ trái phiếu chỉ có 1.135 tỷ đồng tại ngày 30/9 (như vậy doanh nghiệp hiện không còn nợ trái phiếu).
Ông Linh nói thêm, trong môi trường lãi suất cao, doanh nghiệp đã chủ động giảm các khoản vay nợ. Các khoản vay bằng USD đã tất toán toàn bộ (khoản vay 250 triệu USD mới phát sinh có kỳ hạn 3 năm) và các khoản vay bằng VND có lãi suất rất tốt so với thị trường.
Còn đối với các khoản đầu tư tài chính, vị CFO khẳng định không mua trái phiếu sơ cấp từ tổ chức phát hành. Các trái phiếu MWG đang đầu tư là từ các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán lớn.
Đây là các trái phiếu có tài sản đảm bảo và chỉ đầu tư với kỳ hạn ngắn 3-6 tháng. Hơn nữa, tại thời điểm đầu tư, MWG cũng đều có hợp đồng bán lại cho các tổ chức và thu được tiền đều đặn. Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn nói tâm lý trên thị trường trái phiếu đang suy yếu nên cũng sẽ thận trọng hơn.
Một năm lạ lùng
Theo báo cáo kinh doanh tháng 10, doanh thu tập đoàn chứng kiến mức suy giảm 11% so với cùng kỳ ở mức 10.900 tỷ đồng. Qua đó, doanh thu lũy kế từ đầu năm chỉ còn tăng trưởng 15% lên trên 113.700 tỷ đồng, thực hiện 81% chỉ tiêu cả năm.
Lợi nhuận sau thuế 10 tháng đầu năm đạt mức 3.839 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ và mới thực hiện được 60% kế hoạch năm.
Báo cáo kinh doanh 10 tháng của MWG. Nguồn: MWG.
Trước diễn biến trên, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài dự báo chỉ tiêu doanh thu có thể đạt được theo kế hoạch nhưng con số lợi nhuận chỉ bằng khoảng 90% so với năm trước.
"Tức là chúng ta đang đi lùi thực sự so với năm trước. Trong bối cảnh khó khăn chung, tôi không biết đây là kết quả tệ hay đáng khích lệ so với nhiều doanh nghiệp lớn khác", người đứng đầu tập đoàn nhìn nhận.
Ông Tài lý giải thế giới có nhiều vấn đề lớn và đã tác động đến thị trường trong nước. Kinh tế Việt Nam thường có độ trễ 3-6 tháng, nên khi thế giới xuất hiện lạm phát trước đó thì đến nay đã ảnh hưởng vào Việt Nam.
Thu nhập người lao động giảm nên sức mua có vấn đề và qua đó tác động lên ngành bán lẻ. Người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, những thứ không cần thiết sẽ hạn chế, còn những sản phẩm thiết yếu sẽ mua hàng có giá rẻ hơn.
"Đây là một năm rất lạ lùng, thay vì bây giờ công nhân phải tăng ca thì lại phải chia ca, thu nhập giảm. Ai không chịu nổi thì xin về quê, thậm chí một số công ty còn chủ động cho nghỉ việc”, theo quan sát của ông Tài.
Theo báo cáo từ tập đoàn bán lẻ này, doanh thu Bách Hóa Xanh ở các cửa hàng gần khu công nghiệp đang có sức mua yếu đi bởi công nhân bị mất việc hoặc giảm thu nhập khi các nhà máy thiếu đơn hàng.
Cụ thể, doanh thu cửa hàng ở nội đô TP.HCM vẫn tiếp tục tăng trưởng nhẹ so với tháng 9, trong khi số liệu các cửa hàng ở khu vực tỉnh đang đi ngang hoặc giảm nhẹ.
Câu chuyện khó khăn của ngành bán lẻ dự kiến còn kéo dài. Nhà sáng lập MWG nói rằng rất khó để dự báo chính xác thời điểm kết thúc những khó khăn, sớm nhất phải hết quý I/2023 và trường hợp bi quan phải đến hết quý III/2023.
"Tuy nhiên, tình hình từ quý IV/2023 sẽ dễ thở hơn rất nhiều. Đây là lúc những người lái máy bay cần tỉnh táo để đi qua vùng thời tiết xấu, hướng tới tương lai ngon lành", ông Tài ví von chiến lược điều hành sắp tới.
Đây là lúc những người lái máy bay cần tỉnh táo để đi qua vùng thời tiết xấu, hướng tới tương lai ngon lành Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài. |
Bởi vấn đề hiện tại của ngành bán lẻ không đến từ một vấn đề như giai đoạn chống Covid mà là một chuỗi các vấn đề phức tạp. Người đứng đầu MWG nói không nên lạc quan quá mức rằng những khó khăn sẽ đi qua nhanh trong 1-2 tháng tới.
Tính đến cuối tháng 10, tập đoàn này đang sở hữu hệ thống 5 chuỗi kinh doanh (điện thoại, điện máy, bách hoá, nhà thuốc, đồ cho mẹ và bé) với tổng cộng 5.760 cửa hàng.
Tác giả: Huy Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy