Dòng sự kiện:
Lấy của dân thì dễ, trả dân thì khó (!)
18/03/2016 12:06:30
ANTT.VN – Câu chuyện người tiêu dùng đang bị “móc túi” hàng trăm tỉ đồng mỗi tháng do chênh lệch thuế xăng dầu hiện vẫn chưa có hồi kết khi mà chưa quy được trách nhiệm cho ai, chưa tìm ra giải pháp và tiền của dân chưa có cơ chế trả lại cho dân!

Tin liên quan

Sau khi bản kết luận chưa chính thức của Thanh tra Chính phủ hé lộ những sai phạm của “ông lớn” ngành xăng dầu Việt Nam Petrolimex trong lĩnh vực tài chính kinh doanh, người dân được dịp “ngã ngửa” khi biết hàng tháng mình bị “móc túi” hàng trăm tỉ đồng do cách tính giá cơ sở xăng dầu chưa hợp lý.

Cụ thể, từ tháng 5/2015, các doanh nghiệp xăng dầu đã hưởng lợi khoản tiền chênh lệch nhờ chính sách thuế nhập khẩu bất nhất giữa các thị trường.

Với sản phẩm nhập từ ASEAN, thuế áp dụng trong năm 2015 với dầu diesel và madút là 5% và từ 1/1/2016 là 0% (thuế với xăng vẫn là 20%, tương tự các thị trường khác). Và từ đầu năm nay, thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam cũng giảm về 5%, thuế xăng về 10% (thấp hơn thị trường khác 10%).

Thế nhưng, tại Thông tư 78 được Liên bộ Công Thương - Tài chính ban hành tháng 5/2015, giá cơ sở xăng dầu (căn cứ để tính giá bán lẻ) vẫn được tính dựa trên thuế suất nhập khẩu 20% với xăng, 10% với dầu diesel và madút là 10%.

Cách tính giá cơ sở này tạo ra một khoảng “vênh” 5-10% tiền thuế với diesel và 10% với xăng giữa đầu vào (doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách) và đầu ra (người tiêu dùng phải trả cho doanh nghiệp).

Và đây chính là khoản tiền mà các nhà buôn xăng dầu được hưởng suốt từ tháng 5/2015 đối với diesel nhập từ ASEAN và từ đầu năm 2016 đến nay với xăng nhập từ Hàn Quốc.

Về bản chất, hàng trăm tỉ đồng hàng tháng người dân bị “móc túi’ chính là khoản thuế người dân phải trả cho doanh nghiệp xăng dầu mà doanh nghiệp xăng dầu không phải nộp cho Nhà nước.

Người dân đang bị "móc túi" hàng trăm tỉ đồng mỗi tháng làm lợi cho doanh nghiệp xăng dầu (ảnh minh họa)

Điều đáng nói là “quả bóng trách nhiệm” này đang được đá qua đá lại giữa các doanh nghiệp, bộ ngành khi doanh nghiệp xăng dầu cứ vô tư bỏ túi mà không băn khoăn gì vì giá cơ sở áp cho xăng dầu là do đơn vị khác ban hành.

Liên bộ Tài chính - Công thương là đơn vị chịu trách nhiệm xác định và ban hành văn bản quy dịnh giá cơ sở xăng dầu, nhưng ngày 14/3/2016, trong thông cáo gửi báo chí, Bộ Công thương cho rằng đơn vị này chỉ có chức năng phối hợp với Bộ Tài chính trong vấn đề xác định giá cơ sở bán lẻ xăng dầu, còn thực chất quản lý giá xăng dầu là chức năng của Bộ Tài chính.

Với trách nhiệm của mình, trong thông cáo phát đi một ngày sau đó (15/3/2016), Bộ Tài chính xác nhận có chênh lệch trong cách tính giá cơ sở song không nêu ra phương án cuối cùng để khắc phục khoản chênh này, mà cho biết vẫn đang trong giai đoạn "nghiên cứu" giải pháp.

Trần tình cho mức giá cơ sở thiếu hợp lý do mình ban bố, Bộ này lý giải: giá cơ sở xăng dầu không phải là giá do Nhà nước ấn định hoặc phê duyệt cho từng doanh nghiệp đầu mối mà chỉ là mức trần để thương nhân căn cứ chỉnh giá.

Tuy nhiên, ai cũng biết rằng: các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu luôn bám sát mức trần này để niêm yết giá và chẳng dại gì tự điều chỉnh nếu cơ quan quản lý không yêu cầu.

Vấn đề tưởng chừng đã rõ nhưng hóa ra lại vô cùng phức tạp khi mà sáng nay, trả lời trên báo chí, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội – ông Bùi Đức Thụ cho rằng: “cụ thể hóa trách nhiệm thuộc về ai lại rất khó”!

Bởi vì cả Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đều được giao nhiệm vụ xác định giá cơ sở và ban hành văn bản. Ngoài ra, thực tế trong thời gian qua, nhiều văn bản ban hành chỉ sau một thời gian đã không còn phù hợp, thậm chí có văn bản ban hành còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Vì chưa quy được trách nhiệm cho ai nên cuối cùng trách nhiệm vẫn thuộc về … Nhà nước. “ Trách nhiệm của Nhà nước là tiếp tục sửa đổi để hoàn thiện thể chế cho phù hợp tình hình thực tiễn” - ông Thụ nói.

Cuối cùng, người dân nhiều khả năng sẽ phải “bắc thang lên hỏi ông Trời”, bởi vì vị đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khẳng định: việc hoàn trả tiền cho dân là “không có cơ sở pháp lý”.

Thế mới biết, lấy của dân thì dễ, nhưng trả lại dân thì khó trăm đường.

HÀN.

 

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến