Dòng sự kiện:
Lễ hội Nàng Han được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
14/02/2024 21:01:05
Lễ hội Nàng Han của đồng bào dân tộc Thái huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Sáng 14/2 (tức ngày mùng 5/1 Tết), tại thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, UBND huyện Thường Xuân đã tổ chức lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và Lễ hội Nàng Han năm 2024.

Lễ hội Nàng Han là lễ hội truyền thống của đồng bào 16 xứ Thái mường Chiềng Bán (hay Chiềng Ván) - nay thuộc thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân. Lễ hội diễn ra vào những ngày đầu xuân, chính hội được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội phản ảnh đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người Thái nói chung và người Thái mường Chiếng Bán nói riêng.

Nhảy sạp của đồng bào Thái huyện Thường Xuân

Chính lễ diễn ra hai phần gồm: Tế lễ trong hang Mường và phần hội. Phần tế lễ, thầy mo cùng nhân dân địa phương rước lễ vật từ nhà văn hóa thôn Lùm Nưa vào trong hang Mường để thực hiện lễ tế Nàng Han và các thần linh cai quản bản mường, cầu mong ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt. 

Phần hội diễn ra ở ngoài hang Mường trên bãi đất bằng phẳng. Mọi người vui chơi, múa hát quanh cây hoa và tham gia các trò chơi dân gian gồm: đánh cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp, kéo co, đẩy gậy, tò lẹ, tung còn... Đây là nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái xã Vạn Xuân. Thông qua lễ hội, nhân dân trong xã được giao lưu văn hóa, tăng thêm tình đoàn kết trong cộng đồng.

Lễ hội Nàng Han là dịp để đồng bào Thái xã Vạn Xuân tỏ lòng biết ơn đối với nàng Han - người con gái dân tộc Thái của bản Lùm Nưa, với lòng dũng cảm, sự mưu trí đã bảo vệ quê hương và người dân vùng tổng Trịnh Vạn, có ý nghĩa giáo dục các thế hệ con, cháu về lòng yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm, đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái xã Vạn Xuân.

Cồng chiêng cũng là nhạc cụ truyền thống được ưa chuộng trong văn hóa Thái

Bên cạnh những giá trị lịch sử về sự phát triển của người Thái ở Vạn Xuân được phản ánh rõ nét trong việc xây dựng bản làng, khai phá đất đai, lễ hội còn mang tính nhân văn và tính nguyên hợp cao; là một hình thức lễ hội đặc biệt, vừa có lễ, vừa có hội kết hợp với diễn xướng, múa hát tập thể.

Chính vì lẽ đó lễ hội đã tích hợp được nhiều giá trị văn hóa phi vật thể của tộc người Thái, với gần như đầy đủ các loại hình như ngữ văn truyền khẩu (truyền thuyết Nàng Han); các tập quán xã hội và tín ngưỡng (thờ cúng, làm đồ tế lễ); các tri thức, văn hóa dân gian về ẩm thực được thể hiện qua các lễ vật cúng...

Lễ hội nàng Han thu hút đông đảo nhân dân tham gia

Lễ hội thể hiện khát vọng hòa bình, mong ước mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, bản làng yên vui, được gặp gỡ giao lưu sau những ngày lao động vất vả của đồng bào Thái mường Chiềng Bán. Từ những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học nêu trên, Lễ hội Nàng Han đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Nàng Han là biểu tượng của người phụ nữ anh hùng của dân tộc Thái nói riêng và của đồng bào dân tộc nói chung. Những năm gần đây, huyện Thường Xuân duy trì hoạt động lễ hội, đề nghị Bộ Văn hoá công nhận là di sản văn hoá phi vật thể. Đây sẽ là động lực đối với chính quyền và Nhân dân tiếp tục giữ gìn phát huy truyền thống".

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến