Dòng sự kiện:
Licogi vay tiền Xuân Cầu Group để trả nợ đến hạn ngân hàng
09/04/2019 06:01:05
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 vừa công bố, công ty mẹ Tổng công ty Licogi đã ký hợp đồng vay tiền với CTCP Đầu tư Xuân Cầu để thanh toán nợ đến hạn ngân hàng và các khoản nợ đến hạn khác.

Hợp đồng ký ngày 18/12/2017, thời hạn vay 9 tháng kể từ ngày giải ngân. Lãi suất cho vay tại ngày ký hợp đồng là 8%/năm, tài sản đảm bảo là 12 triệu cổ phiếu CTCP Cơ khí Đông Anh. Số dư nợ vay đến cuối năm 2018 là 85 tỷ đồng.

Ngoài ra, Licogi cũng đã ký hợp đồng vay VPBank với hạn mức gần 540 tỷ đồng để thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt. Lãi suất thả nổi, thời hạn vay là 60 tháng. Số dư giải ngân đến ngày 31/12/2018 là 248,6 tỷ đồng.

Khu đô thị mới Thịnh Liệt quy mô 35,16ha ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) là dự án lớn nhất hiện nay của Licogi. Cựu thành viên Bộ Xây dựng năm 2016 đã thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH MTV Nhà ở và đô thị Licogi.

Tổng công ty Licogi lỗ nhiều năm liên tiếp

Liên quan đến dự án này, Licogi đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh BĐS Khu Đông từ năm 2014, và hiện đang giữ khoản đặt cọc 60 tỷ đồng của đối tác, ngoài ra còn nhận 165 tỷ đồng của một pháp nhân có liên hệ với Khu Đông là Công ty TNHH Đầu tư và Tư vấn Hải Dương để thực hiện giải phóng mặt bằng.

Công ty Khu Đông là cổ đông chiến lược, nắm 35% vốn Licogi. Một doanh nghiệp cùng "group" là Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường cũng sở hữu 19,24%. Sau khi nhận chuyển giao phần vốn Nhà nước từ Bộ Xây dựng cuối năm ngoái, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện là cổ đông lớn nhất, chiếm 40,71% vốn của Licogi.

Công ty mẹ - Tổng công ty Licogi có lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 âm hơn 100 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ cũng giảm hơn 122 tỷ đồng so với 2016. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do doanh thu kinh doanh bất động sản giảm mạnh gần 10 lần (năm 2016 đạt 158 tỷ đồng thì năm 2017 chỉ còn 16,7 tỷ đồng).

Sang năm 2018, doanh thu công ty mẹ 6 tháng 2018 tiếp tục giảm hơn 77,8 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2017.

Đánh giá tình hình toàn Tổng công ty Licogi, Bộ Tài chính cho hay, doanh thu năm 2017 giảm 200 tỷ đồng so với 2016. Lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 âm hơn 58,7 tỷ đồng.

“Kết quả kinh doanh thua lỗ năm 2017 dẫn đến hệ số bảo toàn vốn và mức độ bảo toàn vốn của công ty mẹ năm 2017 lần lượt là 0,83 và 0,56; hệ số bảo toàn vốn và mức độ bảo toàn vốn của tổng công ty năm 2017 lần lượt là 0,79 và 0,49”, Bộ Tài chính phân tích.

Kết quả trên, theo Bộ Tài chính, tổng công ty “chưa bảo toàn vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp”. Cho nên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có báo cáo nguyên nhân việc doanh thu liên tục giảm và có giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

Phân tích hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của công ty mẹ Licogi tại thời điểm ngày 31/12/2017 và 30/6/2018, Bộ Tài chính thấy rằng hệ số này đều là 4,48 lần. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của tổng công ty trong 6 tháng năm 2018 âm 96,7 tỷ đồng.

“Kết quả cho thấy công ty mẹ - Tổng công ty Licogi đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là các khoản nợ có kỳ hạn dưới 4 tháng. Lý do là tài sản ngắn hạn của tổng công ty chủ yếu là nợ phải thu và hàng tồn kho, số dư tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm ngày 30/6/2018 chỉ khoảng 40 tỷ đồng”, Bộ Tài chính đánh giá.

Trước đó, theo báo cáo tài chính kiểm toán của Tổng công ty-công ty mẹ Licogi, năm 2016, Licogi đạt 498 tỷ đồng doanh thu bán hàng nhưng bị giảm trừ gần 18 tỷ đồng còn 480,5 tỷ đồng doanh thu thuần. Mức doanh thu này chỉ đạt hơn một nửa con số 922 tỷ đồng đạt được cả năm 2015. Công ty mẹ Licogi lỗ gộp 15 tỷ đồng năm 2016. Cùng kỳ năm 2015, công ty đạt lãi gộp 15,4 tỷ đồng.

Dù vay Xuân Cầu Group để trả nợ đến hạn, song nợ vay tài chính của Licogi vẫn có xu hướng tăng lên, với số dư tới cuối năm 2018 là 1.209 tỷ đồng, cao hơn 12% so với đầu năm. Trong đó, ngoài Xuân Cầu và VPBank, Licogi còn hợp tác với Agribank, BIDV...

Nói thêm về Xuân Cầu Group, tập đoàn này được thành lập năm 2006, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối thương hiệu xe Piaggo của Ý, sau đó dần mở sang các mảng bất động sản, năng lượng, vật liệu xây dựng, hiện nay hoạt động theo mô hình Holding.

Trong lĩnh vực bất động sản, Xuân Cầu được biết đến nhiều với dự án Xanh Villas quy mô 50ha tại Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội. Tập đoàn cho biết sẽ tiếp tục triển khai các dự án tại nhiều tỉnh thành phố trên cả nước như khu shophouse tại Hưng Yên với dự án Xuân Phú Hưng, khu biệt thự mang phong cách resort tại Yên Bình, Khu đô thị Phượng Hoàng - Phú Yên, Văn Giang, Khu resort mang phong cách nghỉ dưỡng (Xuân Phú Hải, Mercure Cát Bà, MP Resort - Phú Quốc, Hoà Sơn, Gành đá đĩa – Phú Yên, Sân Golf Phượng hoàng – Phú Yên), Dự Án Khu du lịch tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ngoài ra Xuân Cầu còn giới thiệu Văn Phòng và Trung tâm thương mại (Cầu Giấy, TTTM Trương Định), Khu Công nghiệp đang phát triển tại Hưng Yên….

Ở mảng năng lượng, Xuân Cầu giữa năm ngoái đã ký hợp đồng với Tập đoàn B. Grimm Power Public của Thái Lan để triển khai 2 dự án Điện mặt trời Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 tại Tây Ninh, với tổng mức đầu tư lên tới 9.100 tỷ đồng.

Trước đó, Xuân Cầu từ năm 2016 đã mua 40% vốn để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 (FICO), chính thức tham gia vào thị trường sản xuất vật liệu xây dựng và tiếp tục khẳng định sức mạnh thương hiệu và hoàn thiện sứ mệnh “ cống hiến giá trị đích thực” của mình.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến