Dòng sự kiện:
Liên tiếp xảy ra bạo hành trẻ mầm non: Tại sao không có bằng cấp lại được dạy?
30/11/2017 19:35:49
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của những địa phương để xảy ra bạo hành trẻ mầm non.


GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo

Vừa qua, rất nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra khiến dư luận hết sức bất bình. Điển hình nhất là sự việc trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) bị chủ cơ sở và hai bảo mẫu bạo hành, ném vào tường, đạp vào bụng, cầm dao dọa, đánh trẻ như đấu vật.

Trao đổi với PV về sự việc, GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo bức xúc: “Tôi thấy việc bạo hành trong nhà trường là chuyện rất đau khổ. Sứ mệnh của nhà giáo là giáo dục học sinh, nhất là giáo viên mầm non, các cô chỉ có trách nhiệm nuôi và dạy các cháu cho tốt, không được phép bạo hành các cháu”.

Theo GS.Viện sĩ Phạm Minh Hạc, ở nước ngoài hầu như không có chuyện trẻ bị cô giáo bạo hành trong khi đó ở Việt Nam thì nhan nhản các vụ bạo hành trẻ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, sở dĩ “hiện tượng” này vẫn xảy ra nhiều vì ở Việt Nam có nhiều trường tư thục tuyển chọn giáo viên lỏng lẻo, thậm chí có những người không học sư phạm, không được đào tạo bài bản cũng được nhận vào làm việc.

“Cần phải xem lại trách nhiệm của phường, của phòng và sở GD&ĐT. Tại sao những người không có bằng cấp gì lại được dạy ở cơ sở này? Tại sao lại cấp phép cho những cơ sở không đủ tiêu chuẩn giáo viên? Tại sao lại đặt bút ký bừa? Kiếm tiền, kiếm lợi nhuận như thế mà được à. Đấy là sai lầm của các nhà quản lý?”, GS.Viện sĩ Phạm Minh Hạc nói.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh đến vai trò của ngành giáo dục để xảy ra các vụ bạo hành trẻ; Đề nghị ngành giáo dục tuyển chọn người phải có chuyên môn, có đạo đức mới được dạy học.


Cơ sở mầm non có cô giáo đánh trẻ dã man

Bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, khi xảy ra sự việc, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nơi cấp phép cho cơ sở mầm non hoạt động.

Việc giám sát hoạt động của trường mầm non còn nhiều quy định lỏng lẻo. Về phía gia đình, bố mẹ đã không nắm bắt các biểu hiện tâm lý hay dấu hiệu bất thường của trẻ.

"Việt Nam mới ký công ước quốc tế về quyền trẻ em. Luật trẻ em cũng vừa được ban hành nhưng những vụ việc đáng tiếc này xảy ra khiến tôi vừa bất lực, vừa bức xúc", bà Hồng nói.

Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, việc cấp phép và quản lý các nhóm lớp mầm non trực tiếp ở các địa phương. Đơn vị giáo dục địa phương chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn.

“Quan điểm của Bộ là những vi phạm như tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh cần phải xử lý nghiêm. Để xảy ra rồi mới xử lý là hơi muộn. Đây là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý ở các địa phương, cũng như việc tăng cường kiểm tra, rà soát, cấp phép cho các nhóm lớp theo quy định để nâng cao hiệu quả, đồng thởi xử lý các sai phạm. Từ việc này, không chỉ TPHCM mà tại các địa phương cũng cần nghiêm túc chấn chỉnh”, bà Nguyễn Thị Nghĩa nói.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị ban hành chương trình hành động về phòng chống bạo lực học đường và bạo hành trẻ em gửi cho các địa phương, yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện.

Title đã được ANTT thay đổi.

Theo Dân Việt

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến