Theo giới chuyên gia, động thái này một mặt để đón đầu việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng tiếp lãi suất tại cuộc họp sắp tới, song sâu xa hơn là để gỡ “thế kẹt” khi mức độ mất giá nhẹ so với USD đang khiến VND định giá cao so với nhiều đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là đồng nhân dân tệ (NDT).
Với lượng dự trữ ngoại hối lớn, NHNN vẫn có thể ổn định được thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm
Tỷ giá trong nước ngược chiều thế giới
Sáng ngày 11/12, tỷ giá trung tâm của VND đối với USD được NHNN tăng tiếp 9 đồng lên 22.775 đồng/USD. Giá bán ra USD tại Sở Giao dịch NHNN cũng được nâng lên 23.408 đồng/USD, còn giá mua vào vẫn được giữ nguyên ở mức 22.700 đồng/USD. Tại các ngân hàng thương mại, giá giao dịch "đồng bạc xanh" không có nhiều biến động. Chẳng hạn, Vietcombank vẫn giữ nguyên giá mua - bán USD ở mức 23.265-23.355 đồng/USD như cuối ngày hôm trước. Tương tự, BIDV cũng giữ nguyên mức giá 23.260-23.350 đồng/USD.
Nhìn chung, tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng kể từ đầu tháng 12, song mức tăng của mỗi phiên là không lớn. So với cuối tháng 11, hiện tỷ giá trung tâm đã tăng 25 đồng/USD. Giá bán ra đồng USD tại Sở Giao dịch NHNN cũng được điều chỉnh tăng tương ứng và luôn giữ khoảng cách với mức trần tỷ giá 50 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá tại các ngân hàng khá ổn định khi giá mua vào USD biến động trong khoảng 23.265-23.275 đồng/USD, còn giá bán ra trong khoảng 23.355-23.365 đồng/USD.
Trên thị trường thế giới, USD có xu hướng điều chỉnh nhẹ sau khi Mỹ và Trung Quốc thỏa thuận tạm ngưng cuộc chiến thương mại trong thời hạn 90 ngày. Trong phiên giao dịch châu Á sáng 11/12, chỉ số USD so với giỏ 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,06% xuống 97,14 điểm, nếu so với mức đỉnh 17 tháng được thiết lập trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung, chỉ số này giảm gần 0,6%.
Lý giải về động thái tăng dần tỷ giá của NHNN, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà quản lý đã phát tín hiệu ra thị trường, đó là VND đang chịu áp lực nên NHNN điều chỉnh tỷ giá dần dần để không gây ra sự xáo động mạnh.
“Hiện tượng các thành phần kinh tế trục lợi trong việc NHNN không tăng tỷ giá đã xuất hiện. Cụ thể, nhiều thành phần ra ngoài thị trường tự do bán USD giá cao rồi vào trong ngân hàng thương mại và NHNN mua USD với giá rẻ. Do đó, NHNN buộc phải tăng dần tỷ giá, nếu cứ cưỡng lại sẽ rơi vào thế kẹt”, TS. Hiếu phân tích.
Một nguyên nhân khác khiến NHNN tăng dần tỷ giá trung tâm được TS. Hiếu cho biết là nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh NDT đang rớt giá mạnh so với USD. Điều này có thể khiến hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam khi cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ leo thang.
“Việc điều chỉnh từ từ có nghĩa là phá giá từ từ để giảm áp lực tâm lý và tránh xáo trộn thị trường. Theo tính toán của tôi, tỷ giá đã tăng khoảng 2,4% từ đầu năm đến ngày 7/12/2018, vẫn thấp hơn biên độ được dự trù là 3%”, TS. Hiếu nói.
Bổ sung thêm lý do, một chuyên gia ngân hàng cho biết, NHNN liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm là để đón đầu việc Fed có thể tăng tiếp lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 12 này.
“Trước mỗi lần Fed dự định tăng lãi suất, NHNN đều tăng tỷ giá trung tâm để đón đầu, bởi động thái tăng lãi suất của cơ quan này sẽ hỗ trợ USD mạnh lên. Do vậy, việc điều chỉnh dần tỷ giá của NHNN là hợp lý. Nếu đợi đến khi Fed tăng lãi suất và giá trị USD trên thị trường thế giới tăng mạnh mới điều chỉnh thì mức độ điều chỉnh sẽ rất lớn, tác động không tích cực tới tâm lý thị trường”, vị chuyên gia này phân tích.
Không phá giá NDT sẽ giảm áp lực lên VND
Trên thực tế, từ giữa năm đến nay, tỷ giá trong nước chịu nhiều sức ép. Bên cạnh USD có xu hướng tăng mạnh trên thị trường thế giới, còn là NDT sụt giảm mạnh. Trong khi đó, việc VND chỉ mất giá nhẹ so với USD vô hình chung đã khiến tiền đồng tăng giá khá mạnh so với NDT. Điều này có thể khiến tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc trầm trọng thêm.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ của HSBC Việt Nam cho biết, chính sách tiền tệ dần thắt chặt của Fed và NDT yếu hơn sẽ vẫn là thách thức đối với VND trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định, dự báo thị trường ngoại hối trong tháng 12 sẽ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN, tỷ giá sẽ dao động trong biên độ 23.280-23.350 đồng/USD với 2 yếu tố hỗ trợ, đó là chính sách điều hành linh hoạt của NHNN và áp lực từ thị trường ngoại hối quốc tế dự kiến giảm bớt. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng tỷ giá có thể biến động mạnh trong điều kiện cung - cầu ngoại tệ bớt thuận lợi hơn và tâm lý thị trường trở nên lo ngại.
Lãnh đạo BIDV cho biết, cán cân thương mại trong tháng 12 dự kiến thâm hụt 500-600 triệu USD khi nhập khẩu tăng để phục vụ cho các nhu cầu sản xuất - tiêu dùng dịp cuối năm. Ngoài ra, nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước, trả nợ vay… thường đạt cao điểm trong cuối năm có thể gây áp lực lên tỷ giá trong một số thời điểm trong tháng. Đó là chưa kể tâm lý thị trường cũng chịu tác động không nhỏ khi nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao vào dịp cuối năm, dẫn tới hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, từ đó gây thêm áp lực lên tỷ giá.
Cũng theo vị lãnh đạo trên, về mặt chính sách điều hành, NHNN dự kiến tiếp tục điều hành thị trường chủ động, linh hoạt và chưa có thay đổi lớn về mặt chính sách. Theo đó, NHNN được kỳ vọng tiếp tục định hướng điều hành ổn định thị trường ngoại hối với mức biến động hợp lý, phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và diễn biến thị trường quốc tế. Xu hướng trên thị trường ngoại hối quốc tế cũng đang ủng hộ ổn định tỷ giá khi kết quả phiên họp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bên lề Hội nghị G20 kết thúc tốt đẹp, tác động tích cực lên thị trường này…
“Việc Fed dự kiến tăng lãi suất trong tháng 12 không còn nhiều bất ngờ, trong khi những diễn biến tại châu Âu đang dần trở nên tích cực hơn. Dự báo trong tháng này, chỉ số DXY dao động quanh ngưỡng 95-97 điểm, còn tỷ giá giữa USD và CNY ở mức 6,8-6,9 USD/CNY”, vị lãnh đạo BIDV thông tin.
Đồng quan điểm, TS. Hiếu cho rằng, từ nay đến cuối năm, NHNN vẫn có thể ổn định được thị trường ngoại hối bởi có lượng dự trữ ngoại hối lớn và sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết. Mặt khác, dù Fed gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới, nhưng động thái này đã được dự báo từ sớm và đã phản ánh vào diễn biến USD thời gian qua, trong khi cơ quan này vẫn do dự với lộ trình tăng lãi suất trong năm 2019. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã dịu lại và Trung Quốc cũng đang thể hiện có đôi chút nhượng bộ thông qua việc không có động thái phá giá NDT. Điều này giúp giảm áp lực lên VND.
“Nếu không có biến động lớn, NHNN đủ sức giữ tỷ giá biến động trong biên độ 3%”, TS. Hiếu nhận định.
Theo Đầu tư chứng khoán
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy