Dòng sự kiện:
Lĩnh vực bất động sản vẫn gây áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc
17/09/2022 07:24:34
Theo tính toán của hãng tin Reuters dựa trên dữ liệu chính thức, đầu tư bất động sản trong tháng 8 đã giảm 13,8%, tốc độ giảm nhanh nhất kể từ tháng 12/2021.

Tòa nhà của tập đoàn Evergrande (giữa) tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế Trung Quốc đã cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên trong tháng 8, trong đó sản lượng công nghiệp tăng nhanh hơn dự kiến và doanh số bán lẻ phục hồi nhẹ, tuy nhiên sự sụt giảm ngày càng sâu của thị trường bất động sản đã gây sức ép lên triển vọng.

Những số liệu tốt hơn dự kiến cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang tăng nhẹ, sau khi thoát khỏi tình trạng suy thoái trong quý kết thúc vào tháng 6 và triển vọng cho những tháng còn lại trong năm được nâng nhẹ.

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia (NBS), sản lượng công nghiệp đã tăng 4,2% trong tháng 8, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3/2022 và vượt dự báo tăng 3,8% mà các nhà phân tích của hãng tin Reuters đưa ra và mức tăng 3,8% trong tháng 7.

Doanh số bán lẻ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất trong sáu tháng và cũng vượt dự báo tăng 3,5% của các nhà phân tích và mức tăng 2,7% trong tháng 7.

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết điều này là số liệu để so sánh thấp hơn, đại dịch COVID-19 đã gây sức ép lên các hoạt động kinh tế từ tháng 8/2021. Bất chấp số liệu lạc quan của tháng 8, ông Julian dự kiến đà tăng này sẽ không duy trì đến tháng 9/2021.

Ngành công nghiệp ôtô là động lực chính thúc đẩy cả sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ, trong đó sản lượng xe năng lượng mới tăng 117%, nhờ các chính sách khuyến khích của chính phủ đối với ôtô “sạch."

Trong bối cảnh có ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ sớm nới lỏng các biện pháp, một số nhà phân tích dự báo nền kinh tế nước này sẽ chỉ tăng 3% trong năm nay, mức tăng chậm nhất kể từ năm 1976, không tính mức tăng 2,2% trong thời gian đại dịch bùng phát năm 2020.

Phát ngôn viên Fu Linghui của NBS cho biết kể từ đầu năm nay, tình hình kinh tế đang trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn so với năm 2020, cùng với nguy cơ suy thoái toàn cầu và những thách thức xung quanh các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho biết chính sách hỗ trợ gần đây của chính phủ đang có một số tác dụng.

Trái ngược với dữ liệu hoạt động tích cực, lĩnh vực bất động sản tiếp tục giảm trong tháng 8 do giá nhà, đầu tư và bán hàng ngày càng giảm.

Theo tính toán của hãng tin Reuters dựa trên dữ liệu chính thức, đầu tư bất động sản trong tháng 8 đã giảm 13,8%, tốc độ giảm nhanh nhất kể từ tháng 12/2021. Giá nhà mới giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8, tăng nhanh nhất kể từ tháng 8/2015.

Từng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thị trường bất động sản Trung Quốc đã lình xình từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác kể từ giữa năm 2020 sau khi các cơ quan quản lý vào cuộc nhằm cắt giảm những “chính sách hỗ trợ” dư thừa cho các nhà phát triển. Các nhà hoạch định chính sách hiện đang cố gắng ngăn chặn một cuộc suy giảm kéo dài.

Trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp suy yếu, các công ty đang thận trọng với việc mở rộng và thuê thêm nhân công. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm nhẹ xuống 5,3% trong tháng 8 so với mức 5,4% trong tháng 7. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn ở mức cao 18,7%, sau khi đạt mức kỷ lục 19,9% trong tháng 7.

Các nhà hoạch định chính sách đã công bố hơn 50 biện pháp hỗ trợ kinh tế kể từ cuối tháng 5 và nhấn mạnh quý này là thời điểm quan trọng để hành động chính sách.

Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ sụt giảm nhanh hơn so với đồng USD khiến các nhà hoạch định chính sách lo lắng.

Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang Lasalle, hy vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) sẽ không cắt giảm lãi suất trong thời gian tới./.

Tác giả: Minh Hằng

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến