Ảnh minh họa.
Trước sự tăng nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là khi các ngân hàng thương mại đang “ôm” khối lượng lớn, trong đó chủ yếu là của doanh nghiệp bất động sản, thậm chí nhiều loại trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán..., Ngân hàng Nhà nước vừa phải ban hành quy định mới để siết chặt vấn đề này.
Lo ngại rủi ro
Một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư của 16/2021/TT-NHNN vừa được ban hành quy định tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư 16 cũng quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp: Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Tổ chức tín dụng cũng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Ngoài ra, các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu của công ty phát hành không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất; doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu…
Đây không phải lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước lên tiếng cảnh báo và siết lĩnh vực này. Trên thực tế, từ 2019 đến nay, có không ít đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng xuất hiện và ôm trọn lô, trong đó có rất nhiều trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Một số ngân hàng thương mại không mua trực tiếp nhưng lại thông qua các công ty chứng khoán thành viên để mua.
Giữa năm 2019, Ngân hàng Nhà nước ra công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại siết chặt hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy một số ngân hàng thương mại tiếp tục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành. Cơ quan này cho hay sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhưng vẫn chưa xử lý được.
Câu chuyện về "bom nợ Evergrande" xảy ra gần đây chính là hồi chuông cảnh báo cho những rủi ro "bong bóng" đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu "ba không" là không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán. Đáng chú ý, có tới 26% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong các ngành này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần hoặc không được thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập và điều này gây nên những nghi ngại về rủi ro vỡ nợ không kiểm soát được trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Gây rủi ro cho nền kinh tế
Trên thực tế, có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đã phát hành trái phiếu để huy động vốn thanh toán nợ cho tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng mua trái phiếu này thì rủi ro là quá rõ ràng vì đây chỉ là hình thức đảo nợ xấu thành nợ tốt.
Theo thống kê của SSI, tính đến hết tháng Chín, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 443.100 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2020. Dẫn đầu danh sách phát hành vẫn là các doanh nghiệp bất động sản, đạt 201.900 tỷ đồng, chiếm 45,5%.
Tiếp đến là các ngân hàng, đạt 136.400 tỷ đồng, chiếm 30,8%; năng lượng và khoáng sản phát hành 21.900 tỷ đồng, chiếm 5%; định chế tài chính phi ngân hàng đạt 20.900 tỷ đồng, chiếm 4,7%; phát triển hạ tầng đạt 17.500 tỷ đồng, chiếm 3,9%; còn lại là các doanh nghiệp khác.
Theo chuyên gia của SSI, trong thời gian qua, các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán; một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng do vậy không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này.
Chuyên gia SSI cũng chỉ ra rằng trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ các doanh nghiệp này là chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn sẽ rơi nhiều vào năm 2023-2024. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện tại sẽ đẩy nhanh nguy cơ vỡ nợ từ các doanh nghiệp này khi không thể kiểm soát được dòng tiền khiến dòng tiền bị mất cân đối.
Các chuyên gia cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang tiềm ẩn rủi ro đối với một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Khi doanh nghiệp bất động sản gặp trục trặc thì ngân hàng và cả nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ nắm giữ các trái phiếu đều có thể bị vạ lây.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua không loại trừ mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay nhau dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ.
Ông Hiếu khuyến cáo các doanh nghiệp không nên sử dụng những đòn bẩy tài chính như vậy để xóa nợ xấu của mình. Các ngân hàng cũng không nên tìm cách đảo nợ qua mua trái phiếu, bởi làm như thế sẽ có rất nhiều nợ xấu lại được “trưng” lên như nợ tốt, làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế./.
Thông tư 16 tác động không đáng kể?
Ở góc nhìn khác, theo Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy định mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ có tác động không đáng kể do trước đây các ngân hàng không tham gia vào các hoạt động này.
Đối với quy định các ngân hàng không được bán và mua lại trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết trong vòng 12 tháng, VCSC cho rằng các ngân hàng trước đây kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng cách bán trái phiếu doanh nghiệp vào cuối năm và sau đó mua lại vào năm mới, tuy nhiên, hành vi này hiện đã bị cấm bởi quy định trước đó.
Với quy định các ngân hàng không được chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp cho các công ty con của họ, VCSC lấy ví dụ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), điều khoản này hiện không cho phép Techcombank chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp cho Công ty cổ phần chứng khoán Kỹ thương (TCBS). Tuy nhiên, Techcombank cho biết số lượng này là rất nhỏ và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của ngân hàng.
Do đó, VCSC đánh giá Thông tư 16 sẽ có tác động làm giảm lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường liên ngân hàng.
Tác giả: Thúy Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy