Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được 15 nước ký kết sáng 15/11.
Bên cạnh những lợi ích từ RCEP, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại việc Việt Nam ký Hiệp định RCEP có thể làm tăng nguy cơ nhập siêu từ một số nước thành viên của Hiệp định. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ quan điểm qua cuộc trò chuyện với VTC News.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
- Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa Hiệp định RCEP đối với Việt Nam và ASEAN?
- Trong bối cảnh COVID-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định.
RCEP sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP gần 27 nghìn tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Với các cam kết về mở cửa thị trường, Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.
RCEP cũng giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN.
Ngoài ra, việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp..., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.
Cuối cùng, ý nghĩa quan trọng nhất là việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP sẽ góp phần đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong quá trình định hình cấu trúc khu vực.
Hiệp định RCEP là sáng kiến đầu tiên do ASEAN đề xuất và được các nước đối tác ủng hộ. Tuy nhiên, do mấy năm gần đây bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, RCEP cũng chưa thể kết thúc đàm phán.
Chính vì vậy, trong một vài năm gần đây, tất cả các nước Chủ tịch ASEAN đều đưa ra mục tiêu kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định. Kế thừa kết quả từ những năm trước, chúng ta đã cùng các nước ASEAN thuyết phục được các nước đối tác tham gia đồng thuận chung. Có thể nói, Việt Nam đã đóng góp tiếng nói của mình vào việc định hình cho các cơ chế hợp tác mới cũng như luật chơi của khu vực, tăng cường vị thế của đất nước.
- Theo ông, RCEP có thách thức gì với doanh nghiệp Việt hay không?
- Trước hết, Hiệp định RCEP cũng có thể mang đến sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP cho thấy có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn. Vì vậy, khi Hiệp định RCEP đi vào hiệu lực thì sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng.
Ngoài ra, hiện đầu vào sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế cũng như mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của Việt Nam còn khá khiêm tốn.
Tuy nhiên, kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua cho thấy khả năng của Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị mới thiết lập trong khu vực ngày càng tăng lên cùng với việc chúng ta có những đổi mới mạnh mẽ về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư.
Việt Nam có thể là một trong những quốc gia nhận nhiều lợi ích từ RCEP khi có các mặt hàng thế mạnh như nông, thủy sản.
- Cam kết của Việt Nam trong Hiệp định RCEP là thế nào, thưa ông?
- Các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định RCEP được xây dựng trên cơ sở các cam kết của của Việt Nam trong WTO và các hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối mà Việt Nam đã cùng ASEAN tham gia trong khi Hiệp định CPTPP và EVFTA là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Hiệp định RCEP được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia, đặc biệt là phù hợp với cả một số nước ASEAN vẫn còn là nước kém phát triển. Do vậy, mặc dù không gian kinh tế rộng hơn, dân số lớn hơn nhưng đồng thời Hiệp định RCEP cũng có nhiều linh hoạt cho các nước tham gia hơn. Các nước tham gia RCEP cũng xác định đây là bước đi ban đầu, hướng đến các mức độ hợp tác cao hơn khi các nước đã sẵn sàng.
Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán Hiệp định RCEP, các nước cũng đã nỗ lực và thống nhất được một số lĩnh vực mới chưa được cam kết trong các hiệp định FTA của ASEAN trước kia như: thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh, mua sắm của Chính phủ, với nội dung và mức cam kết phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam và các nước ASEAN khác.
Nhìn chung, Việt Nam đạt được mức độ cam kết hài hòa trong Hiệp định RCEP, có cao hơn các FTA ASEAN Cộng hiện có nhưng thấp hơn các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Nội dung Hiệp định RCEP ngay sau đây sẽ được công bố để các doanh nghiệp và các đối tượng khác có quan tâm nghiên cứu.
- Theo ông, liệu việc Việt Nam ký kết Hiệp định RCEP có làm tăng nguy cơ nhập siêu từ một số nước thành viên Hiệp định RCEP không?
- Trong suốt quá trình đàm phán Hiệp định RCEP, chúng tôi đều tham vấn chặt chẽ các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu kết quả đàm phán phải đảm bảo lợi ích cao nhất của Việt Nam.
Thực tế, Việt Nam đã tham gia với các nước ASEAN và 5 nước đối tác trong RCEP theo các hiệp định FTA giữa nội khối ASEAN, cụ thể là hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), và các FTA giữa ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trên (gọi là các hiệp định FTA ASEAN+1). Vì vậy, quá trình tự do hoá thuế quan với các nước ASEAN đã được thực hiện trong suốt hơn 20 năm qua và với 5 nước đối tác trên là trong vòng khoảng 15 năm qua. Việc thực hiện hiệp định RCEP sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam.
Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác với ASEAN trong một Hiệp định FTA. Ví dụ, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vì vậy, chúng ta không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu. Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do Hiệp định RCEP tạo ra nếu có thể khai tác triệt để lợi ích do Hiệp định này mang lại.
- Xin cám ơn ông!
Tác giả: Hoàng Hưng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy