Lỗ trăm tỷ ở PVFI: Ông Vũ Quang Hải bị hoàm oan?
16/06/2016 10:33:27
ANTT.VN – Đầu năm 2011, ông Vũ Quang Hải chuyển công tác từ chuyên viên tại Tổng công ty Tài chính dầu khí sang làm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư tài chính công đoàn Dầu khí, PVFI bắt đầu lộ rõ bất cập vì những khoản hợp đồng hợp tác đầu tư với SMEs và WSS.

Tin liên quan

Ông Vũ Quang Hải (sinh năm 1986) hiện đang là Phó Tổng giám đốc Sabeco

Thừa kế khoản lỗ 42 tỷ và hàng trăm tỷ phải thu khó đòi

Chiều qua, trả lời báo chí về câu hỏi chất vấn của Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) về việc được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư tài chính công đoàn Dầu khí (PVFI) khi mới 25 tuổi và “chẳng có thành tích kinh doanh gì, chẳng có tài năng gì”, ông Vũ Quang Hải cho biết: “Tôi có thể tự tin nói là các khoản lỗ đó không phải do tôi gây ra mà tôi chỉ kế thừa và xử lý các khoản lỗ đó. Chúng tôi làm tất cả mọi thứ, đến năm 2012 số lỗ đã ít đi rất nhiều, còn khoảng 70 tỉ đồng, chứ không phải như VAFI nói là “hai năm lỗ hơn 200 tỉ đồng”.  

Quay lại thời điểm đầu năm 2011, báo cáo tài chính được kiểm toán đầu tiên được ông Vũ Quang Hải khi đó mới nhận nhiệm vụ là Tổng giám đốc đặt bút ký cũng là lúc mà công ty con của Tập đoàn Dầu khí lộ nhiều khó khăn, bất cập.

Đến hết năm 2010, PVFI báo lỗ 42,5 tỷ đồng sau trích lập dự phòng, đáng chú ý hơn là hàng trăm tỷ đồng phải thu quá hạn do các hợp đồng hợp tác đầu tư được kiểm toán lưu ý.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2010, PVFI có khoản hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết với CTCP Chứng khoán phố Wall (WSS) bị quá hạn từ tháng 3/2010, tuy nhiên PVFI khi đó mới trích lập dự phòng khoản lãi 12,2 tỷ đồng nhưng chưa trích lập dự phòng cho dư nợ gốc quá hạn là 74,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, PVFI còn ủy thác quản lý vốn cho CTCP Chứng khoán SME và Công ty tài chính CP hóa chất Việt Nam (VCFC) với số tiền lần lượt là 106 tỷ và 50 tỷ đồng – đều hết hạn vào tháng 2/2011 tuy nhiên PVFI vẫn chưa thu hồi được toàn bộ số tiền ủy thác trên.

Khoản hợp tác đầu tư giữa PVFI với CTCP chứng khoán SME và CTCP Chứng khoán phố Wall (WSS) phát sinh trước khi ông Vũ Quang Hải làm Tổng giám đốc

Gồng gánh trách nhiệm của quá khứ

Trước tình hình khó khăn trên, ông Vũ Quang Hải được PVFI mời về để tham gia tái cơ cấu toàn diện PVFI và “mục đích là để xử lý tồn tại, chứ không phải để kinh doanh”.

Lãnh đạo PVFI đã tiến hành thực hiện hàng loạt các biện pháp bao gồm tái cấu trúc các doanh mục đầu tư, chuyển nhượng dự án khách sạn Sao Phương Bắc (Sapa – Lào Cai), tái cấu trúc bộ máy tổ chức.

Các biện pháp tiết kiệm chi phí cũng được áp dụng triệt để khi công ty cắt giảm 40% nhân sự, lương bình quân cũng cắt giảm một nửa so với năm 2010 chỉ còn 5,5 triệu đồng/người. Thù lao trả cho HĐQT, ban kiểm soát và giám đốc cũng được tiết giảm với tổng mức chi trả từ 1-1,2 tỷ đồng mỗi năm, chi phí hoạt động được khoanh vùng trong hạn mức 20 tỷ đồng.

Vấn đề thu hồi công nợ được đặt lên hàng đầu, PVFI đã tiến hành cung cấp hồ sơ cho cơ quan điều tra, khởi kiện và đàm phán hai đối tác lớn là SMEs và WSS để cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.

Tình hình các công nợ phải thu càng khó khăn hơn khi khoản hợp tác đầu tư với SME quá hạn trong năm 2011 đã là 313 tỷ đồng và công ty chứng khoán này cũng bị đình chỉ giao dịch và lưu ký chứng khoán 3 lần kể từ tháng 11 năm 2011 đến tháng 2 năm 2012 vì mất khả năng thanh toán, nên PFI buộc phải trích lập dự phòng 156.7 tỷ đồng nợ khó đòi (chiếm 50% tổng giá trị khoản phải thu).

Kết quả, việc trích lập dự phòng cho các khoản hợp tác đầu tư trước đây vẫn đè nặng lên vai những người kế nhiệm, lợi nhuận sau thuế của PFI trong năm 2011 vẫn âm 155 tỷ đồng sau khi trích lập dự phòng, cao hơn nhiều so với mức lỗ 42 tỷ đồng của năm trước, nâng mức lỗ lũy kế lên 197 tỷ đồng. 

Nếu không tính việc phải chịu hậu quả do các khoản hợp tác kinh doanh trong quá khứ thì PVFI đã lãi tới 52,3 tỷ ngay trong năm 2011.

Khoản nợ ngắn hạn của PFI cuối năm 2011 bắt đầu vượt quá tài sản ngắn hạn là 87 tỷ đồng, lỗ lũy kế 197,5 tỷ đồng, cộng với khoản nợ phải trả một cổ đông lớn lên đến 115 tỷ đồng chưa được thanh toán và gia hạn. Vì vậy, đơn vị kiểm toán Deloitte lưu ý khả năng tiếp tục hoạt động của PFI phụ thuộc khá nhiều vào kết quả kinh doanh trong thời gian tới và việc tiếp tục hỗ trợ từ phía các cổ đông.

Bước sang năm 2012, tình hình có vẻ khả quan hơn khi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đã lãi được 5,3 tỷ đồng trước trích lập dự phòng – cao hơn kế hoạch đặt ra lãi 2 tỷ đồng. Khoãn lỗ sau khi trích lập dự phòng cũng đã giảm đi đáng kể khi năm 2012 lỗ 67,5 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến cuối năm 2012 là 265 tỷ đồng – gần bằng mức vốn điều lệ 300 tỷ của PVFI.

Như vậy, có thể thấy rằng trong khoảng thời gian 2 năm ông Vũ Quang Hải ngồi ghế giám đốc PVFI có nhiệm vụ chính là xử lý khủng hoảng hàng trăm tỷ đồng và nguy cơ mất vốn của mà người tiền nhiệm để lại.

Tuy rằng những hành động quyết liệt của thạc sỹ tài chính 25 tuổi trong thời gian ngắn chưa thể coi là vực dậy PVFI từ “vũng lầy quá khứ” trước khi được điều chuyển sang vị trí mới tại Bộ Công thương nhưng “lời cáo buộc” ông Vũ Quang Hải phải “chịu trách nhiệm khi làm mất vốn của Nhà nước và trên 4.700 cổ đông tại PVFI?” mà văn bản mà VAFI nêu ra còn cần các Bộ ban ngành và những người có liên quan đưa ra câu trả lời thỏa đáng.

Hoa Liên

 
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến