Dòng sự kiện:
Loạt bệnh viện ở TPHCM bỗng thành 'con nợ trăm tỷ' sau đại dịch Covid-19
04/01/2022 09:33:51
Chưa được giải ngân hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng chi phí chống dịch, một số bệnh viện ở TPHCM phải xuống nước "năn nỉ" các công ty tiếp tục cung ứng thuốc, vật tư điều trị,… để lo cho bệnh nhân Covid-19.

Tính từ đầu đợt dịch thứ 4, TPHCM đã có hơn nửa năm chống chọi với Covid-19, với bao đau thương, mất mát cũng như hao tổn rất nhiều về nhân, vật lực. Đỉnh điểm là khi dịch bùng phát mạnh, hàng loạt bệnh viện (BV) dã chiến, khu điều trị Covid-19 được lập khẩn cấp để tiếp nhận hàng chục ngàn F0, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng.

Đến nay, dù TPHCM đã mở cửa - bình thường mới được hơn 2 tháng, nhiều cơ sở y tế vẫn đau đầu, không biết khi nào thoát cảnh "con nợ".

Hàng loạt BV dã chiến được TPHCM thành lập khi tình hình dịch căng thẳng (Ảnh: Hoàng Lê).

Chống dịch tốn 240 tỷ, nhận… 101 tỷ

Đó là tình cảnh của BV Lê Văn Thịnh sau thời gian dài tham gia chống dịch. Trước đó, vào tháng 7, khi tình hình dịch Covid-19 căng thẳng, nơi này được giao nhiệm vụ quản lý BV dã chiến số 3, các khu cách ly, điều trị ở ký túc xá trường Cao đẳng Công thương và Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (nằm tại TP Thủ Đức). Lúc cao điểm, các BV phải tiếp nhận, điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân F0, khiến các chi phí điều trị, chăm sóc đội lên rất cao.

Bà Hoàng Thị Thanh Kiều, Trưởng phòng Tài chính kế toán, BV Lê Văn Thịnh cho biết, tổng kinh phí chống dịch mà BV tiêu tốn đến nay khoảng 240 tỷ đồng. Các chi phí bao gồm tiền vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, tiền phụ cấp cho y bác sĩ chống dịch, xử lý môi trường, điện nước… Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước mới cấp cho BV 101 tỷ đồng.

Riêng tiền suất ăn cho nhân viên y tế và bệnh nhân Covid-19 trong thời gian dài lên đến 25 tỷ đồng. Trong đó, BV dã chiến số 3 chiếm 20 tỷ.

"Có lúc BV nợ đơn vị cung ứng suất ăn đến hơn 10 tỷ, vì đầu tháng 7 bắt đầu hoạt động BV dã chiến nhưng cuối tháng 7 tiền ngân sách mới bắt đầu về. Hiện tại sau 20 đợt giải ngân, BV chỉ còn nợ hơn một tỷ tiền ăn. Ngoài ra, tiền nhu yếu phẩm, sinh hoạt cho bệnh nhân và nhân viên y tế chưa thanh toán cho bên cung ứng khoảng 100 triệu đồng" - bà Kiều nói.

Theo đại diện BV Lê Văn Thịnh, trong tình hình chung, ngân sách Nhà nước có hạn nên không thể chi đầy đủ một lần cho các hoạt động chống dịch mà sẽ cấp từng phần tạm ứng. Từ đó, các BV nhận sẽ cân đối chi phù hợp với tình hình thực tế.

Khi kinh phí rót về không đủ với các khoản phát sinh sẽ dẫn đến việc BV sẽ nợ lại các công ty, doanh nghiệp.

Bác sĩ BV Lê Văn Thịnh chạy thận cho bệnh nhân trong khu cách ly (Ảnh: Hoàng Lê).

Cũng theo bà Kiều, hiện tại tiền do ngân sách Nhà nước rót về là tạm ứng chứ không phải quyết toán, vì vướng các thủ tục hướng dẫn về thanh quyết toán với UBND TPHCM. Đơn cử về tiền ăn, cần có quyết định phê duyệt, có xác nhận danh sách bệnh nhân và nhân viên y tế từ cơ quan chủ quản, giấy tờ nhân thân, giấy ra viện… Danh sách sau đó phải nộp lên Sở Y tế xác nhận.

Nhiều bệnh nhân khi nhập viện không giấy tờ, mất không có người thân, hồ sơ không đầy đủ cũng không được duyệt chi.

"Có ngày chúng tôi chỉ dự trù suất ăn cho 100 F0, nhưng bệnh nhân nhập viện hàng loạt bất ngờ, lên đến 250 bệnh. Mọi người phải chạy ra ngoài mua đỡ các tiệm cơm hay bánh bao, bánh mì cho người bệnh. Những trường hợp như vậy không có hóa đơn để chứng minh" - bà Kiều nói.

Ông Lê Trọng Trường, Giám đốc Công ty Bếp Lửa Việt cho biết, đơn vị này ký hợp đồng cung cấp suất ăn cho BV dã chiến do BV Lê Văn Thịnh phụ trách từ tháng 7. Có thời điểm, mỗi ngày công ty phải cung ứng gần 10.000 suất.

"Có lúc BV chậm chi trả đến 2-3 tháng, chúng tôi phải chạy đủ đường, nợ ngược lại tiền của bên cung cấp thực phẩm, mượn tiền của các cổ đông, huy động vốn từ nhân viên để cầm cự. Tiền ngân sách không sợ mất, có điều chờ giải ngân lâu. BV nói chưa rót về thì chúng tôi không thể can thiệp" - ông Trường nói.

Theo quy định, mỗi F0 sẽ được hỗ trợ 80.000 đồng/ngày tiền ăn và tiền sinh hoạt phí (không quá 45.000 đồng/ngày). Đến nay qua thống kê suốt mùa dịch, đã có hàng trăm trường hợp F0 không đủ giấy tờ làm thủ tục thanh quyết toán, khiến BV "khóc ròng" vì phải gánh khoản chi phí lớn.

Đại diện BV Lê Văn Thịnh kiến nghị cơ quan chức năng có thể xem xét đơn giản hóa thủ tục giải ngân, như chỉ cần dựa vào hồ sơ bệnh án, phiếu cấp thuốc vật tư, bảng kê khai suất ăn… là đủ. Hiện, BV đã trình UBND TP Thủ Đức và Sở Y tế TPHCM xin cấp sớm 132 tỷ đồng để "trả nợ" chống dịch.

Mòn mỏi chờ giải ngân

Cũng trong tâm thế mòn mỏi chờ giải ngân là BV Nguyễn Tri Phương (quận 5). Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc BV thông tin với PV Dân trí, từ tháng 7 khi bắt đầu đưa vào hoạt động khu điều trị Covid-19 quy mô 200 giường, đến nay BV Nguyễn Tri Phương đã tiếp nhận hơn 3.800 F0. Có gần 800 F0 bệnh nền nặng phải lọc máu, khiến chi phí điều trị đội lên cao.

Tính đến cuối tháng 11, quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) còn nợ của BV 44 tỷ đồng. Còn tiền ngân sách Nhà nước chống dịch, BV đã báo chi phí 45 tỷ đồng, nhưng chỉ được rót về 11 tỷ.

"Chúng tôi có liên hệ phía BHXH TPHCM thì được họ trả lời đã gửi ra BHXH quốc gia nhưng chưa được duyệt. Còn về ngân sách chống dịch, cuộc họp nào BV cũng báo cáo lên Sở Y tế" - bác sĩ Chiến nói.

Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại BV Nguyễn Tri Phương, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Lâm vào cảnh nợ tiền tỷ bất đắc dĩ, BV Nguyễn Tri Phương phải "năn nỉ" các công ty dược cho nơi này chậm trả tiền và tiếp tục cung ứng thuốc men, vật tư tiêu hao, sinh phẩm… để có thể điều trị cho bệnh nhân.

Ngoài ra với các đối tượng bệnh nhân mất, hoàn cảnh khó khăn, thất lạc giấy tờ… không thể thu viện phí phát sinh, không đủ điều kiện được ngân sách chi trả, BV tìm cách kêu gọi các mạnh thường quân hoặc tự lấy nguồn quỹ trám vào.

Cũng theo bác sĩ Chiến, theo kế hoạch, đầu tháng 1/2022 BV sẽ được tạm ứng từ BHXH thêm 80 tỷ nữa, nhưng đến nay tiền cũ còn chưa về. Không có tiền, BV không biết lấy gì để lo cho 1.300 nhân viên khi sắp đến Tết cổ truyền và các hoạt động khác, nên tình hình hiện rất căng thẳng.

"Chỉ mong làm sao sớm được giải ngân, để giảm áp lực cho các BV công" - bác sĩ Chiến chia sẻ.

Tại BV đa khoa khu vực Hóc Môn, đại diện Phòng tài chính kế toán cho biết, từ tháng 7 khi nơi này bắt đầu điều trị Covid-19, Sở Y tế đã cấp kinh phí chống dịch cho BV tổng cộng 65 tỷ đồng. BV đã ưu tiên dùng số tiền này để chi trả phụ cấp chống dịch cho nhân viên y tế, mua nhu yếu phẩm, thanh toán tiền ăn cho bệnh nhân, tiền oxy…

Dù vậy, BV đang trình xin thêm 20 tỷ đồng để trả tiền thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất mà đơn vị còn thiếu các công ty dược từ đầu mùa dịch.

"Thu chi thế nào, chúng tôi đều báo cáo liên tục hàng ngày vào nhóm làm việc cho Sở Y tế. Không biết trong tuần này, Sở có cấp tiền cho hay chưa. Các công ty cũng có hối trả" - nguồn tin cho biết.

Nội dung: Hoàng Lê

Ảnh: Hoàng Lê, BVCC

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến