Dòng sự kiện:
Loạt dài bất cập, hạn chế trong hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe
01/04/2023 12:28:40
Dù liên tục sửa đổi, bổ sung nhưng nhiều quy định về đào tạo, sát hạch lái xe vẫn bộc lộ hạn chế, bất cập, có quy định gần như bất khả thi không thể thực hiện.

Ngày 31/3, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (sau đây gọi là Hiệp hội) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT nhằm kiến nghị sửa đổi một số quy định không phù hợp trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe.

Văn bản cho Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Văn Quyền ký, nêu rõ: Mặc dù Bộ GTVT liên tục, thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhưng qua thực tế áp dụng các quy định pháp luật về đào tạo, sát hạch lái xe vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng trực tiếp, đặc biệt đến công tác đào tạo lái xe, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo và học viên, lãng phí nguồn lực, thời gian cua xã hội. Thậm chí có những quy định bất khả thi mà các cơ sở đào tạo không thể thực hiện được.

4/5 môn học lý thuyết có nội dung chưa phù hợp

Về quy định đào tạo, Hiệp hội cho biết một số môn học lý thuyết không phù hợp. Theo quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, phần lý thuyết lái xe có 5 môn học tuy nhiên trong đó đã có 4 môn học không phù hợp.

Cụ thể, môn Cấu tạo và Sửa chữa thông thường với thời lượng 18 giờ “cưỡi ngựa xem hoa”, người học hiểu được cũng đã là khó, không thể nói đến sửa chữa, kê cả sửa chữa vặt. Mặt khác, xã hội ngày càng chuyên môn hóa nên việc sửa chữa đã có các đơn vị làm dịch vụ, cứu hộ. Vì vậy nên gói gọn trong “Giới thiệu và hướng dân sử dụng”.

Môn nghiệp vụ vận tải (16 giờ) có nhiều nội dung trùng với môn Luật Giao thông đường bộ, trang bị cho những người sống bằng nghề vận tải chuyên nghiệp. Vì vậy nên để cho các đơn vị quản lý, sử dụng lao động trực tiếp đào tạo, có sự giám sát của Phòng, Sở chuyên ngành...sẽ phù hợp và cập nhật thực tế của hoạt động vận tải trong xã hội.

Việc dạy lý thuyết theo kiểu truyền thống “phải tập trung đến lớp, điểm danh" không còn phù hợp với đại đa số người đi học.

Môn Đạo đức văn hóa giao thông (20 giờ) có quá nhiều nội dung trùng lặp với môn Pháp luật giao thông. Mặt khác, người có đạo đức, văn hóa giao thông là người luôn tuân thủ pháp luật giao thông, do vậy nên lồng ghép vào môn Pháp luật giao thông là phù hợp.

Với môn xử lý tình huống giao thông trên clip mô phỏng, người học hoàn toàn bị áp đặt cách xử lý của người viết phần mềm. Với người học lái xe để bảo đảm an toàn, cần “Xử lý non”. Tuy nhiên trên clip người học xử lý non hơn người viết phần mềm là không đạt. Mỗi người có cách xử lý tình huống phù hợp với hoàn cảnh, không thể áp đặt tư duy, nhận định tình huống trên màn hình vào thực tế. Đây là điều rất bất hợp lý.

Bên cạnh đó, việc quy định dạy lý thuyết theo kiểu truyền thống “Học viên phải tập trung đến lớp, điểm danh; mọi việc dạy học, truyền đạt kiến thức đều phải diễn ra trên lớp học với 8 giờ mỗi ngày và kéo dài trong 21 ngày”.

“Quy định này rõ ràng không còn phù hợp với đại đa số người đi học (chủ yếu là công chức, viên chức, người lao động.... những người vẫn hàng ngày làm việc tại công sở, nhà máy...), cũng là đi ngược lại yêu cầu thực tiền, xu hướng và thành quả của cuộc cách mạng công nghệ”, Hiệp hội phân tích.

Số lượng giờ thực hành quá nhiều, có nhiều hệ lụy

Về phần thực hành, theo quy định tại Thông tư 04/2022/TT-BGTVT thì thời gian thực hành trên xe tập lái của một học viên là 84 giờ đối với hạng B1 và B2, trong đó có 41 giờ thực hành trong sân tập lái (tương ứng với 290 km) và 40 giờ thực hành trên đường giao thông (tương ứng với 810 km).

Hiệp hội cho rằng đây là quy định rất bất hợp lý, không phù hợp với thực tế dẫn đến nhiều hệ lụy.

Cụ thể, khi lái xe trong sân tập lái, hiện nay học viên trung bình chỉ có thể đi được 3,5 km/h trong khi quy định bắt buộc phải chạy được trung bình 7km/h; lái xe trên đường giao thông học viên trung bình đi được 35 km/h trong khi quy định chỉ cho phép đi trung bình 20.2 km/h.

“Với số lượng xe tập lái hiện tại đang chạy nườm nượp trên đường giao thông như hiện nay, nếu đi đúng tốc độ trung bình 20,2 km/h theo quy định (tương đương tốc độ của một chiếc xe ngựa kéo) thì chỉ riêng áp lực đối với người lái xe vì phải đi quá chậm đã là rào cản rất nguy hiểm cho trật tự an toàn giao thông đường bộ”, Hiệp hội đánh giá.

Hiệp hội cho rằng thực tế chỉ cần 30 giờ thực hành thay vì 84 giờ như quy định hiện tại là hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với kỳ thi sát hạch.

Thứ hai, với quy định như vậy sẽ là bất bình đẳng với các loại hình đầu tư tương đương, gây áp lực cho các cơ sơ đào tạo trong tuyển dụng giáo viên và đầu tư chi phí. Theo đó, xe taxi và người lái xe taxi không cần điều kiện như xe tập lái và thầy dạy lái xe; lái xe taxi cũng không nguy hiểm như dạy lái xe nhưng 1 giờ chạy taxi trên đường giao thông có giá trung bình 350.000đ đến 400.000 đồng.

“Vậy 81 giờ dạy thực hành lái xe nếu thu đúng và thu đủ chi phí thực tế cho xe, sân tập và thầy dạy lái thì sẽ phải thu bao nhiêu? (xấp xỉ 30 triệu tính riêng phần học thực hành)”, Hiệp hội đặt câu hỏi.

Theo Hiệp hội, cũng như những lĩnh vực khác, đào tạo lái xe chịu sự điều tiết của thị trường, mặc dù Thông tư liên tịch 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT cho phép các cơ sở đào tạo tự chủ về mức thu học phí phù hợp với mức độ đầu tư nhưng trên thực tê tật cả các cơ sở đào tạo trong phạm vi toàn quốc hiện nay vẫn giữ mức thu trung bình trên dưới 10 triệu/khóa học/1 học viên. Bởi thực tế thị trường đào tạo lái xe ở Việt Nam hiện nay chỉ chấp nhận giá đó, đây là mâu thuẫn mà cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thể tính toán để xác định cụ thể.

“Thực tế, để dạy một người biết lái xe chỉ cần trên dưới 30 giờ thực hành là hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với kỳ thi sát hạch được coi là loại hình thi khoa học và minh bạch nhất hiện nay ở Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo. Việc quy định quá nhiều giờ thực hành như hiện nay là khó khăn rất lớn cho các cơ sở đảo tạo trong việc tuyển dụng giáo viên; phát sinh chi phí không cần thiết và thời gian cho cả cơ sở đào tạo và người học”, Hiệp hội khẳng định.

Thực hành trên cabin tập lái chỉ phù hợp với những năm 90

Đặc biệt, theo Hiệp hội, việc bắt buộc phải lắp đặt và thực hành trên cabin tập lái theo quy định tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT thực chất chỉ phù hợp với giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước còn nghèo, việc các cơ sở đào tạo đầu tư xe tập lái có nhiều khó khăn do đó phải sử dụng hình thức cabin. Sau này, việc học lái xe trên cabin tập lái cũng được bãi bỏ.

“Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng không áp dụng cách thức đào tạo này. Để trang bị cabin học lái xe, các cơ sở đào tạo cũng phải đầu tư một khoản kinh phí khá lớn, ngoài việc đã dầu tư kinh phí trang bị xe số nóng, số nguội, khống chế thâm niên xe tập lái... điều này càng tạo áp lực cho các cơ sở đào tạo lái xe”, Hiệp hội nhấn mạnh.

Hiệp hội cho rằng việc thực hành trên cabin tập lái thực chất chỉ phù hợp với giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước còn khó khăn.

Do vậy, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, giải quyết khó khăn vướng mắc và tháo gỡ cho các cơ sở đào tạo lái xe thoát khỏi làn sóng buộc phải vi phạm một số quy định của Bộ GTVT trong quá trình thực hiện, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Bộ GTVT xem xét tính hợp pháp, hợp lý và tính khả thi của một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực đào tạo lái xe ô tô, sớm sửa đổi các quy định hiện hành trong lĩnh vực này theo hình thức rút gọn.

Cụ thể, sửa đổi chương trình đào tạo lái xe, đặc biệt là sửa đổi nội dung học lái xe trên đường giao thông công cộng theo hướng giảm số giờ học, không quy định bắt buộc học đầy đủ các tình huống có tính đặc thù vùng miền để đảm bảo tính khả thi.

Sửa quy định thì cấp Chứng chỉ đào tạo hoặc Chứng chỉ sơ cấp nghề cho phù hợp với quy định về việc xét cấp chứng chỉ đào tạo hoặc chứng chỉ sơ cấp nghề của pháp luật Giáo dục nghề nghiệp.

Tác giả: Lê Mạnh Quốc

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến