Trước những vấn đề của thị trường trong vài năm gần đây cùng với áp lực tài chính, trong năm 2023, không ít doanh nghiệp bất động sản đã mua lại trái phiếu trước hạn, giảm nợ vay ngân hàng.
Những động thái trên đã được phản ánh trong báo cáo tài chính quý IV/2023 của các đơn vị. Theo đó, hệ số đòn bẩy tài chính D/E của các doanh nghiệp phần lớn đều đã giảm so với trước. D/E là viết tắt của cụm từ Debt to Equity ratio (hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu) là một trong những hệ số quan trọng để đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp.
Hệ số này sẽ lấy mốc 1 làm tiêu chuẩn để so sánh. D/E nhỏ hơn 1 cho thấy tỷ lệ nợ đang thấp hơn vốn chủ sở hữu và doanh nghiệp vẫn đang quản lý tốt các khoản nợ của mình. Khi hệ số D/E lớn hơn 1 cho thấy doanh nghiệp đang có nợ nhiều hơn vốn chủ sở hữu. Về nguyên lý kế toán tài chính, nhà đầu tư cần cân nhắc khi thấy doanh nghiệp có tỷ lệ này lớn hơn 1.
Nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ. Đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng có xu hướng tăng. Tuy nhiên, khi xem xét tỷ số này cần so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành cũng như việc biến động theo thời gian bởi D/E có giá trị tại một thời điểm.
Theo tính toán của phóng viên Dân trí với 20 công ty bất động sản lớn trên thị trường tại thời điểm cuối năm 2023, phần lớn các doanh nghiệp này đều duy trì tỷ lệ D/E lớn hơn 1.
Có những công ty giữ mức khá cao như Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - mã chứng khoán: NVL) là 4,33 lần (giảm 9%), Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP) là 4,22 lần (tăng 1%), Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) là 3,52 lần (tăng 9%), Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa (mã chứng khoán: TID) là 2,62 lần (tăng 8%).
Công ty có tỷ lệ D/E thấp trong nhóm này gồm Công ty cổ phần Thaiholdings (mã chứng khoán: THD) là 0,09 lần (giảm 76%), Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O (mã chứng khoán: CEO) là 0,51 lần (giảm 43%).
Nhiều "ông lớn" bất động sản như Novaland, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR), Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính so với thời điểm cuối năm 2022.
Ví dụ trong năm vừa qua, Novaland đã thực hiện những thay đổi trong bộ máy lãnh đạo và tái cơ cấu nợ bằng cách mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn, bán cổ phiếu để thanh toán nợ quá hạn. Tính đến tháng 11/2023, doanh nghiệp này cho biết đã hoàn thành 80% kế hoạch tái cấu trúc.
Một trường hợp khác là Phát Đạt. Năm 2022, Phát Đạt gia tăng vay nợ, đặc biệt thông qua kênh trái phiếu, dư nợ trái phiếu của đơn vị này đạt đỉnh vào quý II/2022, ở mức hơn 3.000 tỷ đồng, chiếm 63% tổng nợ vay.
Nhưng từ quý IV/2022 thì công ty đã tập trung tái cơ cấu nợ để giảm áp lực lãi vay. Đến tháng 12/2023, Phát Đạt đã tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp.
Trung vị về D/E của nhóm doanh nghiệp bất động sản lớn kể trên đã giảm mạnh từ mốc 1,45 lần cuối năm 2022 xuống còn 1,16 lần cuối năm 2023. Điều này cho thấy áp lực trả nợ giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Về ý nghĩa thống kê, trung vị là số nằm ở giữa trong một danh sách các số được sắp xếp tăng dần hoặc giảm dần và có thể mô tả nhiều hơn về tập dữ liệu so với giá trị trung bình.
Tác giả: Mộc An
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy