Dòng sự kiện:
Loạt khu du lịch sinh thái xây dựng trái phép ở Đà Nẵng
09/05/2022 08:55:33
Nhiều khu du lịch chuyển đổi từ đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất sang hình thức tự phát theo mô hình phát triển du lịch sinh thái chưa đúng quy định ở Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị - HĐND TP. Đà Nẵng vừa ký báo cáo kết quả giám sát chuyên đề liên quan đến tình hình quản lý đất nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc địa bàn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang).

Theo báo cáo, Ban Đô thị đã ghi nhận tình trạng xây dựng công trình trái quy định trên đất nông nghiệp để hình thành các cơ sở dịch vụ du lịch trái phép; diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ngày càng nhiều do sản xuất kém hiệu quả; hoạt động chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp chưa đúng đối tượng, chưa được kiểm soát chặt chẽ… tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng (gồm 7 thôn, có 2 thôn có đồng bào Cơ Tu sinh sống là Tà Lang và Giàn Bí) còn nhiều bất cập.

Theo Ban Đô thị, Nghị quyết 82/2021 của HĐND TP. Đà Nẵng về chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang đã được ban hành hơn 4 tháng. Tuy nhiên các nhiệm vụ tiếp theo và công tác tuyên truyền, triển khai các nội dung chỉ đạo của HĐND TP. Đà Nẵng còn hạn chế. Người dân thiếu thông tin về chủ trương, chính sách, hiểu sai lệch quan điểm, chủ trương của Nghị quyết.

Điều này dẫn đến có sự lợi dụng, biến tướng trong hoạt động kinh doanh bất động sản trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, các đối tượng cò đất tung tin đồn không chính xác nhằm đẩy giá đất, trục lợi.

Đặc biệt, qua giám sát thực tế, Ban Đô thị nhận thấy xuất hiện một số mô hình phát triển du lịch sinh thái, tự ý dựng các lều sạp, trang trí các tiểu cảnh trên đất nông nghiệp nhằm phục vụ cho việc tổ chức sinh hoạt vui chơi, trải nghiệm và có cả lưu trú tại xã Hòa Bắc.


Loạt khu du lịch sinh thái xây dựng trái phép ở Đà Nẵng.

Có thể kể đến một số trường hợp như: Khu A Lăng Như (thôn Gián Bí); khu Heart Organic Farm (thôn Phò Nam); khu Làng Coco (thôn Lộc Mỹ); khu Làng Mê (thôn Nam Yên); khu Yên Retreat (thôn Nam Yên)… chưa phù hợp với các quy định pháp luật.

Kể cả đối với đất lâm nghiệp, qua giám sát phát hiện một số khu vực chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang hình thức tự phát theo mô hình phát triển du lịch sinh thái, nằm dọc tuyến đường từ hai thôn Tà Lang, Giàn Bí đến đèo Mũi Trâu… chưa đúng quy định. Trong khi đó, diện tích đất rừng sản xuất của toàn xã Hòa Bắc hiện nay khoảng 240ha, chưa đáp ứng nhu cầu giao đất, giao rừng sản xuất cho nhân dân.

Trước tình hình này, Ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng kiến nghị Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hòa Vang; Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hòa Bắc chấn chính, xử lý, chấm dứt việc sử dụng đất không đúng mục đích, chấm dứt tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp để hình thành các cơ sở dịch vụ du lịch trái quy định.

Đồng thời, chỉ đạo rà soát, thống kê, đề xuất thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang (trong đó có xã Hòa Bắc) theo đúng Nghị quyết 82/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND TP. Đà Nẵng; tuyên truyền phổ biến nội dung Nghị quyết 82/NQ-HĐND của HĐND TP. Đà Nẵng cho nhân dân trên địa bàn được biết.

Trước đó, tháng 12/2021, HĐND TP. Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 82/NQ-HĐND về việc thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Theo đó, thời gian thực hiện thí điểm từ năm 2022 đến năm 2025. Số lượng mô hình thí điểm tối đa không quá 15 mô hình trên địa bàn huyện Hòa Vang. Mỗi tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện không quá 1 mô hình. Ưu tiên các tổ chức, cá nhân là người địa phương và các mô hình kết hợp nhiều loại hình sản xuất.

Việc thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản phải tuân theo nguyên tắc khai thác không gian, cảnh quan sinh thái vùng sản xuất nông, lâm, nuôi trồng thủy sản để gia tăng giá trị kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho đối tượng khách du lịch trong ngày, người dân đô thị và trải nghiệm thực tế cho học sinh, sinh viên.

Cùng với đó, việc thí điểm không thay đổi mục đích sử dụng đất, rừng; không thay đổi kết cấu và hiện trạng đất, rừng; không làm thoái hóa tính chất và môi trường đất nông nghiệp; không gây ô nhiễm nguồn nước, không thay đổi cơ cấu cây trồng; các hạng mục cơ sở vật chất được lắp dựng phải bằng vật liệu thô sơ, thân thiện với môi trường, không phá vỡ cảnh quang chung.

Việc thực hiện mô hình thí điểm phải tuân theo nguyên tắc tỷ lệ tối thiểu 70% diện tích đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; mô hình thí điểm phải được thực hiện trên đất đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, mô hình thí điểm phải có diện tích từ 3.000m2 trở lên đối với đất nông nghiệp (gom đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm), đất nuôi trồng thủy sản; 10.000m2 trở lên đối với đất rừng sản xuất.

Tác giả: Thành Vân

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến