Dòng sự kiện:
Loạt ngân hàng đẩy lãi suất huy động vượt 8%/năm
06/10/2022 17:51:02
Không dừng lại ở các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm thông thường, các ngân hàng đang đẩy lãi suất huy động lên mức cao mới thông qua chứng chỉ tiền gửi.

Trong thông báo mới đưa ra, Vietcapital Bank cho biết nhằm đa dạng hóa các sản phẩm tiền gửi cho khách hàng, đặc biệt phục vụ nhu cầu gửi tiền từ 10 triệu đồng trở lên, ngân hàng này đã ra mắt chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với lãi suất lên đến 8,4%/năm.

Cụ thể, các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi Vietcapital Bank đang áp dụng có hai hình thức nhận lãi cuối kỳ và hàng tháng. Trong đó, lãi suất chứng chỉ tiền gửi cuối kỳ hiện ở mức 7,5%/năm; 7,8%/năm; 8%/năm; 8,2%/năm tương ứng với các kỳ hạn 6 tháng; 9 tháng; 12 tháng và 15 tháng. Đặc biệt, với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất khách hàng nhận được lên tới 8,4%/năm và cố định trong suốt thời gian gửi.

Điều kiện để khách hàng được hưởng mức lãi suất này là số tiền đầu tư tối thiểu 10 triệu đồng. Ngoài ra, chủ sở hữu chứng chỉ tiền gửi sau 6 tháng có thể tự do chuyển nhượng và vẫn được hưởng mức lãi suất cạnh tranh so với hình thức gửi tiết kiệm thông thường cùng kỳ hạn và khoản tiền gửi.

So với biểu lãi suất tiết kiệm thông thường tại nhà băng này, mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi kể trên đang cao hơn khoảng 1,4 điểm %. Còn nếu so với biểu lãi suất tiền gửi online của Vietcapital Bank, lãi suất chứng chỉ tiền gửi cũng cao hơn 1,1 điểm % ở cùng kỳ hạn.

Thực tế, chứng chỉ tiền gửi không phải sản phẩm mới của các ngân hàng. Đây là một loại giấy tờ có giá tương tự sổ tiết kiệm, do ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.

Do tính chính dài hạn và cố định thời hạn gửi, chứng chỉ tiền gửi thường có lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm và được ngân hàng sử dụng để huy động vốn dài hạn. Ngoài ra, khác với sổ tiết kiệm khi người gửi chỉ có thể cầm cố, chứng chỉ tiền gửi còn cho phép khách hàng chuyển nhượng theo quy định của ngân hàng.

Hiện Vietcapital Bank cũng không phải ngân hàng duy nhất tung chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao ra để thu hút khách hàng.

Theo khảo sát của Zing, mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất thị trường hiện nay thuộc về SeABank. Trong đó, nhà băng này mới đây đã phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng với lãi suất lên tới 8,55%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng trong thời gian từ 3/10 đến 14/10.

Tương tự, Sacombank hiện áp dụng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm tối đa hiện ở mức 7,4%/năm áp dụng với các khoản gửi online, kỳ hạn 24-36 tháng. Cùng với đó, nhà băng này cũng có chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với kỳ hạn 7 năm, lãi suất năm đầu tiên lên tới 8%/năm.


SeABank mới tung chứng chỉ tiền gửi lãi suất tối đa lên tới 8,55%/năm để huy động vốn. Ảnh: Hoàng Hà.

Tại SHB, bên cạnh biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm thông thường với lãi suất tối đa 6,1%/năm áp dụng với kỳ hạn 18 tháng trở lên và 7,1%/năm với hình thức gửi online. Nhà băng này còn đang huy động chứng chỉ tiền gửi với 2 kỳ hạn dài 6 năm và 8 năm, lãi suất lần lượt là 7,9%/năm và 8,1%/năm. Đây là mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng.

Một số ngân hàng khác cũng đang huy động vốn thông qua chứng chỉ tiền gửi bao gồm ABBAnk với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 60 tháng, lãi suất 7,57%/năm; BIDV và VietinBank đều có chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 12 tháng với lãi suất tương đương tiền gửi tiết kiệm ở 6,4%/năm; Techcombank áp dụng chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 3,2%/năm theo ngày, 5,5%/năm cho thời hạn 3 tháng và 6,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.

Đáng chú ý, không nằm trong danh mục chứng chỉ tiền gửi nhưng VietABank hiện cũng áp dụng chương trình ưu đãi lãi suất với các khoản tiền gửi tối thiểu 10 triệu đồng (tại quầy) và 500.000 đồng (online). Trong đó, các khoản tiền gửi này có thể hưởng lãi suất lên tới 8,1%/năm nếu gửi kỳ hạn 15 tháng lĩnh lãi cuối kỳ. Với kỳ hạn 7 tháng, mức lãi suất khách hàng nhận được là 7,8%/năm.

Trường hợp lĩnh lãi hàng tháng, mức lãi suất khách hàng nhận được lần lượt với hai kỳ hạn này là 7,74%/năm và 7,65%/năm.

Tương tự, NamABank hiện chấp nhận chi trả mức huy động thời gian đầu cho các khoản tiền gửi Happy Future với lãi suất tối đa lên tới 11%/năm.

Cụ thể, với các khoản tiền gửi kỳ hạn 9 tháng; 12 tháng; 18 tháng; 24 tháng và 36 tháng, NamABank cố định trả lãi suất 6 tháng cuối ở mức 4%/năm. Trong khi đó, mức lãi suất ở giai đoạn đầu của các khoản gửi lần lượt là 11%/năm (trong 3 tháng đầu gửi của kỳ hạn 9 tháng); 9,9%/năm (trong 6 tháng đầu kỳ hạn 12 tháng); 8,9%/năm (trong 12 tháng đầu kỳ hạn 18 tháng); 8,4%/năm (trong 18 tháng đầu kỳ hạn 24 tháng) và 7,9%/năm (trong 30 tháng đầu kỳ hạn 36 tháng).

 Tác giả: Quang Thắng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến