Khách hàng giao dịch tại VPBank chi nhánh Trần Hưng Đạo, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, nhiều ngân hàng đã công bố tài liệu dự thảo với các mục tiêu kinh doanh lạc quan. Đáng chú ý nhất là kế hoạch tăng lợi nhuận được tính bằng lần tại một số ngân hàng.
Theo đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) vừa công bố tài liệu cuộc họp với kế hoạch tăng gấp đôi lợi nhuận trước thuế so với năm 2021.
Cụ thể, VPBank dự kiến trình cổ đông mục tiêu tăng lợi nhuận trước thuế năm 2022 lên mức 29.662 tỷ đồng, tăng tới 107% so với năm trước, cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong số các ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh tính đến thời điểm này.
Năm 2022, VPBank dự kiến tổng tài sản tăng 27%, lên 697.413 tỷ đồng; tiền gửi tăng 28% và tín dụng tăng 35%.
VPBank cho biết con số tăng trưởng tín dụng 35% được đưa ra trên nhu cầu và năng lực của ngân hàng, còn số liệu thực tế sẽ thực hiện dựa trên các hạn mức tối đa và quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Song song với kế hoạch lợi nhuận "khủng," VPBank lên kế hoạch mạnh tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 50%, tức là mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 500 cổ phiếu mới.
Tổng nguồn vốn dự kiến sử dụng để tăng vốn điều lệ là 22.377 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn, dự kiến vốn điều lệ mới là 67.434 tỷ đồng.
Sau đó, ở đợt tăng vốn thứ hai, ngân hàng sẽ tăng vốn bằng hình thức phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ để nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Từ đó nâng vốn điều lệ lên 79.334 tỷ đồng.
VPBank cũng trình cổ đông thông qua việc nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc phần lớn (trên 90%) vốn điều lệ Công ty Cổ phần Bảo hiểm OPES. Giá mua dự kiến không quá 1,5 lần giá trị sổ sách của OPES.
Bên cạnh đó, VPBank dự kiến góp vốn bổ sung vào Công ty con là Công ty chứng khoán ASC (đã đổi tên thành VPBank Securities, tổng mức đầu tư, góp vốn tối đa vào công ty là 15.000 tỷ đồng.
Cũng công bố kế hoạch tăng hơn gấp 2 lần lợi nhuận trong năm, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) dự kiến trình cổ đông mục tiêu lợi nhuận 2.500 tỷ đồng, tăng 107,5% so với năm 2021.
Mục tiêu này được đánh giá là khá tham vọng khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 của Eximbank chỉ đạt 1.205 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2020 và không đạt kế hoạch lợi nhuận năm là 1.300 tỷ đồng. Mục tiêu 2.500 tỷ đồng nếu hoàn thành, Eximbank sẽ ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Tổng tài sản năm 2022 của ngân hàng này dự kiến tăng 7,8% so với đầu năm. Huy động vốn tăng 7,4%, tín dụng tăng 10%. Eximbank cho biết đây là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước thông báo, trong điều kiện thuận lợi, ngân hàng sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức này.
Còn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank, mã chứng khoán: VBB), kế hoạch lợi nhuận năm 2022 được trình đến cổ đông dự kiến tăng trưởng đến 71,4% so với năm 2021, vượt mốc 1.000 tỷ đồng.
Dự kiến quy mô tổng tài sản của ngân hàng đến cuối năm 2022 đạt 133.000 tỷ đồng, tăng 28,7%. Tăng trưởng tín dụng và huy động vốn lần lượt là 15% và 37,1%. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu giảm từ 2,25% hồi cuối năm 2021 xuống dưới 2% trong năm nay.
VietBank cũng có kế hoạch tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 21%, dự kiến thực hiện từ quý 3 đến quý 4/2022.
Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của VietBank sẽ đạt 5.779 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn tăng thêm được dự kiến sử dụng toàn bộ cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đảm bảo các tỷ lệ an toàn toàn trong hoạt động sinh lời cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Trước đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) đã công bố mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế gần 50% so với năm 2021, đạt hơn 4.866 tỷ đồng.
Tổng tài sản của ngân hàng dự kiến tăng trưởng 10%. Huy động vốn và tín dụng dự kiến tăng trưởng lần lượt là 16% và 17% so với năm trước. Nợ xấu kiểm soát dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
SeABank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng trong năm 2022 để tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Ngân hàng sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên của SeABank năm 2022 (ESOP 2022) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính TPBank. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Tài liệu dự thảo của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán: TPB) cho thấy mục tiêu tăng trưởng 36% lợi nhuận trước thuế so với năm 2021, đạt mức 8.200 tỷ đồng.
Tổng tài sản của TPBank mục tiêu đạt 350.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2021. Tổng giá trị huy động là 292.579 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 12% so với năm trước.
Dư nợ cho vay và trái phiếu dự kiến đạt 188.800 tỷ đồng và theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục duy trì dưới mức 1,5%, tỷ lệ này hồi năm 2021 tại TPBank chỉ 0,81%.
Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB, mã chứng khoán: MSB) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 30% so với năm 2021. Quy mô tổng tài sản tăng 14%, lên 233.000 tỷ đồng, huy động vốn tăng 15% đạt 123.808 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 25% đạt 130.752 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, MSB dự kiến sẽ phát hành hơn 458,25 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng với tỷ lệ chia là 30% và kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động năm 2022 với số lượng phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu.
Sau khi hoàn tất các kế hoạch trên, vốn điều lệ của MSB sẽ tăng 31%, lên hơn 20.000 tỷ đồng.
Còn tại các ngân hàng lớn, hiện mới có Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG) công bố tài liệu dự thảo chi tiết. Trong đó, VietinBank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 15% và được điều chỉnh theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, VietinBank có để đạt hơn 19.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022.
Về cổ tức, tài liệu của VietinBank cho biết tỷ lệ chi trả cổ tức và cơ cấu chi trả cổ tức sẽ thực hiện theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật.
Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng từ 5-10%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Nguồn huy động tăng từ 8-10%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%.
Theo dự báo của Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của các ngân hàng có thể đạt khoảng từ 24-25% so với năm trước. Cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng từ 15-35%./.
Tác giả: Lê Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy