Dòng sự kiện:
Loạt sai phạm tại dự án thua lỗ ngành công thương Đạm Hà Bắc
26/05/2020 15:08:35
Ngày 25/5, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra đối với CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, một trong 12 đại dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công thương.

Đây là doanh nghiệp nhà nước ở tỉnh Bắc Giang, do Tổng công ty hóa chất Việt Nam và Công đoàn Công ty đạm Hà Bắc nắm giữ 97,7% vốn điều lệ (khoảng 2.733 tỷ đồng).

Theo kết luận thanh tra, hàng loạt sai phạm ở Đạm Hà Bắc đã được chỉ rõ. Điển hình như việc Công ty Đạm Hà Bắc đã có vi phạm khi bổ sung liên danh nhà thầu WEC-CECO trái quy định.

Chuyển cơ quan điều tra các vi phạm có dấu hiệu hình sự tại Công ty Đạm Hà Bắc

Cụ thể, trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án, mặc dù đã mở thầu nhưng Công ty đạm Hà Bắc vẫn chấp nhận cho liên danh nhà thầu WEC-CECO bổ sung giấy ủy quyền tham giam dự thầu và bổ sung giấy đăng ký kinh doanh là vi phạm các quy định về Luật Đấu thầu.

Khi thẩm định, phê duyệt Dự án năm 2008 (lần 1), Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) chỉ thẩm định TMĐT dự án, không thẩm định các nội dung khác của Dự án là vi phạm quy định.

Kết luận thanh tra nêu rõ, mặc dù TMĐT của dự án thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng để xác định nhưng vẫn được Tổng công ty Hóa chất thẩm định phê duyệt (trên 392 triệu USD) là thiếu căn cứ, cơ sở.

Năm 2009, Dự án lại được điều chỉnh TMĐT. Đạm Hà Bắc dù không đủ điều kiện, năng lực nhưng vẫn tự lập Dự án điều chỉnh và được Tổng công ty Hóa chất thẩm định, phê duyệt.

Việc điều chỉnh TMĐT thời điểm này tuy không thay đổi về quy mô, công suất, những nội dung về chi phí thiết bị không được làm rõ nhưng vẫn được Tổng công ty Hóa chất thẩm định, phê duyệt điều chỉnh lên mức gần 569 triệu USD, tăng trên 176 triệu USD (tăng 44,9%). Việc điều chỉnh này, TTCP kết luận là thiếu căn cứ, cơ sở, không đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Đáng chú ý, năm 2008, khi thẩm định tổng mức đầu tư dự án (392,375 triệu USD), tổ thẩm định đã nêu rõ dự án sẽ gặp khó khăn khi vốn đầu tư tăng 20% hoặc giá Urê giảm 8%. Tuy dự án không thay đổi mục tiêu, quy mô, công suất nhưng khi điều chỉnh năm 2009 thì tổng mức đầu tư của dự án tăng 44,9% so với tổng mức đầu tư đã phê duyệt năm 2008. Điều này ảnh hưởng lớn đến tính hiệu quả dự án nhưng chưa được phân tích đánh giá, làm rõ trong quá trình điều chỉnh dự án.

Theo Thanh tra Chính phủ, tổng mức đầu tư dự án tăng làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí lãi vay, tăng chi phí sản xuất - kinh doanh... là những nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ.

"Những vi phạm trên có dấu hiệu hình sự về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015)", Thanh tra Chính phủ nhận định.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cũng cho biết dự án khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng; trong quá trình thi công, một số tiêu chuẩn thi công, một số hạng mục phụ về môi trường chưa hoàn thành; các nhà thầu trong liên danh không thực hiện đúng tỷ lệ công việc đã thỏa thuận trong liên danh nhà thầu.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Bộ Xây dựng lúc đó đã có ý kiến về điều kiện thực tế vị trí xây dựng dự án, nhưng Đạm Hà Bắc đã không tổ chức khảo sát kỹ… Đến thời điểm thanh tra, các nội dung tranh chấp của Hợp đồng EPC chưa được các bên giải quyết; chi phí đầu tư của dự án chưa được quyết toán.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 568,646 triệu USD, nhưng tỷ lệ vốn tự có của công ty tham gia dự án chỉ chiếm 17,9%; còn lại chủ yếu là vốn vay chiếm 82,1% dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài.

Trước những vi phạm này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm có dấu hiệu hình sự tại dự án đầu tư cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc. Những vi phạm bao gồm vi phạm trong tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án; thiếu trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án.

Hoàng Nhi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến