Dòng sự kiện:
Loạt tài sản thế chấp trăm tỷ ngân hàng rao bán 5 lần 7 lượt vẫn ế ẩm
24/07/2021 13:45:22
Một loạt khoản nợ nghìn tỷ, tài sản bảo đảm hàng trăm tỷ được ngân hàng bán đấu giá 5 lần 7 lượt vẫn ế ẩm.

5 lần 7 lượt rao bán vẫn ế

Do ế ẩm, BIDV Phú Tài vừa phải thông báo bán đấu giá lần 4 khoản nợ Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Vy.

Toàn bộ khoản nợ của Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Vy tính đến ngày 7/6/2021 là 1.035.487.843.880 đồng; Trong đó dư nợ gốc là 409.170.041.986 đồng và dư nợ lãi là 626.317.801.894 đồng.

Trung tâm hội nghị tiệc cưới nhà hàng khách sạn Crystal Palace

Trong số các tài sản bảo đảm đáng chú ý là quyền sử dụng đất và công trình trên diện tích 2.675 m2 đất tại Lô C17-1-2, P. Tân Phú, Q.7. TP HCM. Trong đó, công trình xây dựng trên đất là Trung tâm hội nghị tiệc cưới nhà hàng khách sạn Crystal Palace được xây dựng trên diện tích 1.636 m2.

Tiếp đó là 367 ha rừng trồng (gồm 266,2 ha cây keo lai và 100,8 ha cây cao su) tại tiểu khu 1694, 1695, 1696 - Lâm trường Đắk Hà thuộc địa giới hành chính xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông; Cùng một lô 6 chiếc ô tô con nhãn hiệu Toyota Fortuner, BMW, Mitsubishi Grandis và Bluebird.

Một khối tài sản đáng chú ý trong này là hơn 8,7 triệu cổ phần do Công ty cổ phần Hòn Tằm biển Nha Trang phát hành.

Ngoài ra, các tài sản khác được bán đấu giá là: Công trình xây dựng trên đất, máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ của Công ty TNHH thương mại sản xuất Khải Vy Quy Nhơn tại KCN Long Mỹ, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Khải Vy…

Giá khởi điểm khoản nợ trong đợt bán đấu giá lần này giảm còn 754.870.638.189 đồng.

Bên cạnh khoản nợ của Tập đoàn Khải Vy, khoản nợ phát sinh từ đầu tư trái phiếu của Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus cũng ế ẩm khi được rao bán tới lần thứ 7 cũng chưa có người mua thành công.

Số dư của khoản nợ tính đến 15/4/2021 là 498 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 257 tỷ và nợ lãi 174 tỷ, phí phạt quá hạn 67 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, TP Hà Nội.

Ngoài ra, khoản nợ còn được đảm bảo bằng 3 triệu cổ phần của giám đốc công ty là ông Trương Việt Bình tại Công ty cổ phần thời trang NEM, bảo lãnh thanh toán của Công ty cổ phần thời trang NEM.

Giá rao bán khoản nợ này hiện chỉ bằng phân nửa so với mức giá rao bán ban đầu.

Một khối tài sản bảo đảm khác là của Công ty TNHH Đóng tàu và Cơ khí Hàng hải Sài Gòn cũng được mang ra rao bán lần thứ 6. Khối tài sản này gồm 285 máy móc thiết bị được bán tách rời theo 2 lô với giá khởi điểm 36 tỷ đồng và 34 tỷ đồng…

Toàn hệ thống còn 425.400 tỷ đồng nợ xấu

Thời gian gần đầy, BIDV, VPBank, Vietinbank và nhiều ngân hàng khác đang rất tích cực bán các khoản nợ, các tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu.

Theo số liệu tại phiên họp Quốc hội ngày 22/7 được ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483.200 tỷ đồng, tương ứng 4,71%, nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 4 là 1,78%.

Do tích cực xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng đã giảm rõ rệt. Hiện Techcombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống với 0,4%.

Bên cạnh xử lý nợ xấu, các ngân hàng cũng tăng trích lập dự phòng, tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Hai ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống, đều trên 300%, là MB và Vietcombank.

Cũng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, báo cáo đánh giá kết quả xử lý nợ xấu theo nghị quyết số 42 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội, có hiệu lực từ 15/8/2017 ghi nhận, đến ngày 31/5, toàn hệ thống vẫn còn khoảng 425.400 tỷ đồng nợ xấu, chiếm hơn 42% tổng dư nợ xác định theo nghị quyết số 42.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng dự thảo đề nghị xây dựng Luật xử lý nợ xấu để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Các nội dung được lấy ý kiến là: Nguyên tắc xử lý nợ xấu; Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; Quyền thu giữ tài sản bảo đảm; Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến khoản nợ xấu; Mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai...

Tác giả: C.Sơn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến