Dòng sự kiện:
Lộc Thánh không thể cướp
06/02/2017 16:15:22
Mấy hôm nay, bức ảnh được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội có lẽ là bức ảnh chụp cảnh cào cấu nhau để tranh cướp lộc tại Lễ khai hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội).

Tin liên quan

Đây là một hình ảnh kỳ lạ, khó hiểu, phản ánh sự xấu xí của một bộ phận người Việt trong hành xử giữa đám đông, đặc biệt tại những nơi thờ cúng linh thiêng như đền chùa miếu mạo.

Đầu năm đi chùa, xin lộc là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam nói riêng và văn hóa của người phương Đông nói chung. Tuy nhiên, lâu nay một bộ phận người Việt do nhận thức lệch lạc nên đã làm méo mó, biến dạng tập tục này. Dễ dàng nhận thấy tại các đền chùa thường xuyên xảy ra cảnh chen chúc hỗn loạn, người này đặt lễ lên đầu người kia, khấn vái lưng nhau, thậm chí là tranh cướp lộc Thánh dẫn đến xô đẩy, ẩu đả như cảnh cướp lộc ở chùa Hương ngày hôm qua.

Điều này thực sự đáng buồn vì nó không chỉ phản ánh sự kém văn minh trong giao tiếp ứng xử mà còn thể hiện nhận thức lệch lạc về vấn đề tín ngưỡng tôn giáo. Trong đạo Phật, lộc được hiểu là phước (phúc) của mỗi người. Khi một người có đầy đủ phước đức của mình thì mọi điều thuận lợi, suôn sẻ sẽ đến. Ngược lại, khi không có phước đức thì mọi tai họa, những điều bất mỹ trong cuộc sống sẽ ập đến.

Đạo Phật luôn khuyên răn con người phải sống tích cực, gieo nhân tốt thì sẽ được hưởng quả lành. Bởi vì mọi việc trên cõi đời này đều xuất phát từ quy luật nhân quả, nếu mình muốn cuộc đời của mình tốt đẹp lên thì mình phải sống tốt đẹp trước, thì tự khắc những điều tốt đẹp sẽ đến với mình. Còn nếu chúng ta làm những điều trái lương tâm, trái đạo lý, trái thuần phong mỹ tục để rồi đi nơi này nơi khác cầu xin lộc, xin không được thì cướp lộc, thì lộc không bao giờ đến.

Ngay cả trong kinh sách của mình, đức Phật cũng từng nói: “Ta không có quyền ban phúc, giáng họa cho tất cả chúng sinh mà phúc hay họa là do tự mọi người quyết định”.

Nhìn dưới góc độ xã hội, xin lộc chỉ là hành vi để thỏa mãn cho cái tôi, bản ngã của con người, là biện pháp trấn an bản thân là chính. Còn thực tế muốn thăng quan tiến chức, học hành tấn tới, của cải sung túc thì cốt lõi phải là bản thân có năng lực, chăm chỉ, cầu thị học hành, lao động, tu dưỡng đạo đức lối sống, từ đó được xã hội thừa nhận, trên cơ sở đó mới được hưởng phúc lộc (thành quả sức lao động) của mình.

Muốn có phúc lộc thì con đường duy nhất phải là bản thân sống tích cực. Còn đi xin lộc đầu năm chỉ là để tìm thấy sự thanh thản, hướng thiện, hưởng thụ nét đẹp văn hóa tâm linh mà thôi.

Minh Minh

.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến