Như ANTT đã đưa, UBND huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có kết luận nội dung tố cáo đối với ông Hồ Hữu Phúc, nguyên là Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc. Ông Phúc hiện đang là Phó trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện.
Bà Nguyễn Thị Hoa, người đứng ra tố cáo vụ việc.
Theo kết luận, ông Hồ Hữu Phúc trong thời gian là Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thông đồng (tự ý) với các thành viên trong gia đình và bạn bè để hợp thức hóa việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất nhằm chiếm đoạt các lô đất mà bà Nguyễn Thị Hoa, trú ở thôn Bình An, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc được chính quyền giao (xác nhận) khai hoang để trồng mía ở thôn Tam Vị, xã Lộc Tiến.
Liên quan đến nội dung kết luận này, trao đổi với PV, ông Phúc cho biết đã viết giải trình để gửi cho UBKT huyện ủy.
Trong đó, ông Phúc trình bày, vào năm 1998, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc khuyến khích người dân cải tạo đất để trồng mía lấy nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhà máy mía đường KCP, ông Phúc đã tiến hành khai hoang 3 ha đất ở phía Đông Cảng Chân Mây, thuộc thôn Tam Vị. Lúc này, ông Phúc là cán bộ văn phòng UBND xã Lộc Tiến.
Tiếp đó, thông qua các mối quan hệ, ông Phúc cho biết, đã đồng ý hợp tác cùng ông Võ Đại Thành (Chồng bà Nguyễn Thị Hoa) mở rộng 20ha để trồng mía.
Năm 2001, do nhà máy KCP ngừng hoạt động nên ông Thành đã bỏ hoang không tiếp tục sản xuất và quản lý đất.
Do đó, năm 2009, thực hiện chủ trương đo đạc và cấp đất để ổn định trong quản lý, quy trình kê khai, đo vẽ để đảm bảo quyền lợi cho cá nhân nên ông Phúc đã kê khai một phần diện tích trong tổng diện tích khai hoang trồng mía chung với ông Thành cho người thân. Lúc này, ông Phúc đang là Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến.
Ông Phúc cho rằng, nếu không có mình, không có sự thỏa thuận thống nhất thì không thể sản xuất chung với nhau được. Và quá trình sau khi ngưng trồng mía hơn 10 năm, ông Thành không sản xuất nếu không có ông Phúc quản lý đất thì sở hữu thuộc về người khác.
“Không lẽ gia đình bà (bà Nguyễn Thị Hoa - PV) về dựa vào uy tín người khác để sản xuất, sau khi không sản xuất, không quản lý, đã bỏ hoang một thời gian khá lâu (gần 10 năm), lúc cảm thấy khu vực đất này nằm trong vùng giải tỏa có quyền lợi thì ưa chiếm dụng toàn bộ đất đai cho gia đình bà sở hữu”, ông Phúc viết trong đơn.
Giấy xác nhận đất gia đình bà Hoa đã khai hoang để trồng mía.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với PV, gia đình bà Hoa phản bác lại toàn bộ những gì ông Phúc đã nói. Bà Hoa cho biết, toàn bộ phần đất gia đình đã khai hoang không hề có sự hợp tác cùng ông Phúc để sản xuất. Đồng thời bà cho rằng, ông Phúc nói gia đình sau năm 2001, không canh tác trên đất là chưa đúng. Vì, năm 2001, khi nhà máy KCP ngưng hoạt động, với hi vọng tiếp tục được canh tác nhằm giải quyết cảnh nợ nần chồng chất do trồng mía trước đó, gia đình bà Hoa đã về UBND xã Lộc Tiến trình đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng mía sang trồng keo. Nhưng lúc này, vì diện tích đất canh tác này nằm trong quy hoạch khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nên địa phương không đồng ý việc chuyển đổi để tiếp tục sản xuất.
Đi tìm câu trả lời, PV tìm gặp ông Nguyễn Duy Châu, hiện đang là Bí thư Đảng ủy xã Lộc Tiến. Ông Châu là Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến nhiệm kỳ 1999 - 2004.
Ông Châu thừa nhận, đúng là vào năm 2001, gia đình bà Hoa có trình đơn xin đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng địa phương không chấp nhận vì diện tích đất này nằm trong quy hoạch của khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Trong bản kết luận của UBND huyện Phú Lộc cũng khẳng định, sau khi về UBND xã Lộc Tiến đăng ký san ủi, cải tạo một phần diện tích đất ở thôn Tam Vị, gia đình ông Thành đã được HTX Nông nghiệp Phú Sơn xác nhận với tổng diện tích là 15,9ha để trồng mía.
Bản kết luận cũng chỉ nói đến gia đình ông Thành và không hề có sự hợp tác với ai để tiến hành trồng mía trên diện tích đã khai hoang từ năm 1998 - 2000.
Một trong những giấy CNQSD đất cấp sai đối tượng.
Ở một diễn biến khác, sau khi có kết luận về nội dung tố cáo trên, thông tin đến báo chí, UBND huyện Phú Lộc cho biết đã chỉ đạo xử lý nhiều tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm của ông Hồ Hữu Phúc.
Cụ thể, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc yêu cầu Phòng TNMT và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong vụ sai phạm của ông Phúc. Đó là trách nhiệm về việc thiếu kiểm tra, đối chiếu dẫn đến thẩm định không đúng 13 hồ sơ cấp giấy CNQSD đất cho người thân, bạn bè ông Phúc.
Nói thêm, theo điều tra của PV, trong số diện tích đất gia đình bà Hoa khai hoang trồng mía mà ông Phúc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm chiếm đoạt cho người thân thì có 7 thửa đất đã cấp cho ông Hồ Quang Tuyến – bà Nguyễn Thị Nguyệt là cha mẹ ruột của ông Phúc; 2 thửa đất cho bà Hồ Thị Phương Thúy là em ruột ông Phúc; 3 thửa đất cho bà Nguyễn Thị Thanh Thảo là vợ ông Phúc và thêm 1 thửa đất khác đứng tên ông Văn Hùng Tiến - Dương Thị Chi, bạn thân của ông Phúc. Người ký cấp số Giấy CNQSD đất này là ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc.
Điều thú vị, ông Phúc thừa nhận với PV, ông Cầu là người có bà con họ hàng với mình…
>>Xem thêm:
Vụ nguyên chủ tịch xã chiếm đoạt 13 lô đất cho người nhà: Ai tố cáo?
Thừa Thiên - Huế: Nguyên chủ tịch xã chiếm đoạt 13 lô đất cho người thân
Lê Kông
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy