Dòng sự kiện:
Lợi nhuận của Thép Mê Lin quý II/2022 lao dốc, đạt vỏn vẹn 2 tỷ đồng
20/07/2022 07:12:51
Do chịu tác động của giá thép trên thị trường thế giới và trong nước giảm mạnh, sản lượng bán thấp khiến doanh thu và lợi nhuận của Thép Mê Lin giảm theo.

Công ty Cổ phần Thép Mê Lin (HNX: MEL) công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu thuần đạt hơn 162 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn hàng bán chiếm 148 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp ở mức hơn 13,5 tỷ đồng, giảm 64% so với quý II/2021.

Trong kỳ, Thép Mê Lin ghi nhận doanh thu tài chính chỉ vỏn vẹn khoảng 279 triệu, tuy nhiên chi phí tài chính gấp 28 lần lên 7,7 tỷ đồng, trong khi đó chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp xấp xỉ cùng kỳ. Kết quả, doanh nghiệp báo lãi trước thuế giảm mạnh 93% xuống chỉ còn 2 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu công ty tăng 25% lên 411 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 68% về còn 15,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 12,3 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo cho biết, do chịu tác động của giá thép trên thị trường thép thế giới và trong nước giảm mạnh, sản lượng bán của công ty thấp, doanh thu giảm và lợi nhuận cũng giảm theo.

Năm 2022, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng 30% đạt 900 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 20 tỷ đồng, bằng 25,5% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, sau 6 tháng, Thép Mê Lin đã thực hiện được 45,6% kế hoạch doanh thu và 77,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của công ty giảm xuống 574 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm tới 463 tỷ đồng. Vay nợ tài chính ngắn hạn tăng so với đầu kỳ lên mức 305 tỷ đồng từ mức 238 tỷ đồng.

Trước đó, Gang thép Thái Nguyên cũng ghi nhận doanh thu thuần trong quý II giảm 11%, về mức 3.189 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Tisco ở mức 6.923 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 6% so cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế vẫn suy giảm mạnh 66% về còn gần 35 tỷ đồng.

Thực tế, ngành thép bắt đầu cho dấu hiệu khó khăn thấy rõ từ đầu quý 2, khi thị trường tiêu thụ ở mức thấp và chi phí sản xuất đầu vào tăng cao.

Xung đột Nga - Ukraine khiến giá giá than luyện coke (nguyên liệu chính cho sản xuất thép) tăng đột biến trong khi nhu cầu của Trung Quốc (tiêu thụ thép lớn) giảm mạnh do các vấn đề về phong tỏa. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại EU giảm khoảng 35% và tại Trung Quốc cũng sụt 15-20% do ít hoạt động xây dựng hơn.

Trong nước, giá thép xây dựng đã giảm giá 9 lần liên tiếp trong hơn 2 tháng qua, với tổng mức giảm đến hơn 3,3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép.

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến